📞

Côn Đảo tiên phong trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

11:03 | 17/10/2023
Hội nghị triển khai Đề án Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 được tổ chức vào ngày 16/10.
Chương trình phối hợp giữa WWF Việt Nam và Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo về hoạt động giám sát, thu gom rác thải nhựa trong lòng đại dương. (Nguồn: TTXVN)

Kỳ vọng những chuyển biến tích cực

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thông qua việc triển khai Đề án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện Côn Đảo, đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái. Đồng thời, mô hình sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Hội nghị đã được nghe báo cáo tóm tắt, tổng quan về Đề án Kinh tế tuần hoàn, trong đó trình bày những khó khăn, thách thức mà Côn Đảo đã, đang và sẽ gặp phải trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, huyện Côn Đảo là địa phương tiên phong trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc Côn Đảo ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho địa phương, cả góc độ người dân cũng như doanh nghiệp, và dài hạn hơn Côn Đảo có thể thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước với mô hình du lịch xanh.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh khuyến nghị, trong thời gian tới, Côn Đảo cần tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mô hình kinh tế tuần hoàn, có giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh mang tính tuần hoàn.

Khuyến nghị các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, mô hình để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo như: mô hình quản lý rác thải nhựa, công nghệ mới trong xử lý rác hữu cơ, giải pháp kinh tế tuần hoàn đối với việc xử lý rác thải ở Côn Đảo…

Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, phụ trách Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương-WWF Việt Nam cho biết, khó khăn, thách thức trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại Côn Đảo là cơ sở hạ tầng để xử lý tốt phần rác thải. Vì vậy, cần phát triển thêm các mô hình để thu hồi, xử lý và tuần hoàn tài nguyên một cách hiệu quả, điển hình như mô hình tuần hoàn rác thải hữu cơ trên địa bàn huyện. Ngoài ra, tăng cường thu hồi, thu gom rác thải nhựa và tuần hoàn chúng như thế nào để giải quyết phần tồn đọng trong tự nhiên; đầu tư bài bản cơ sở xử lý rác thải để vừa xử lý hiệu quả nguồn rác thải vừa bảo vệ tài nguyên môi trường.

Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, để thực hiện Đề án kinh tế tuần hoàn, trước mắt, đơn vị tập trung triển khai các dự án thủy lợi, các hồ chứa nước nhằm tích lũy, tận dụng nguồn nước mưa, nước tự nhiên dự trữ nước ngọt phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng và hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt của người dân. Tiếp đó, từ nguồn vốn của đề án, nguồn vốn xã hội hóa, đơn vị tiến hành điều tra, đánh giá lại việc trồng, phục hồi san hô bị ảnh hưởng của tác động thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu và tác động của con người. Đơn vị trồng phục hồi rạn san hô để phục hồi sinh cảnh tự nhiên, tạo nơi cư trú cho các loài thủy sinh vật, tạo nên những điểm tham quan, lặn biển ngắm san hô phát triển du lịch, phát triển kinh tế xanh tại đảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp khác để phát triển kinh tế tuần hoàn cho các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp và dịch vụ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, cần có những hành lang pháp lý rõ ràng và tiêu chí cụ thể trong việc xác định các dự án, mô hình du lịch tuần hoàn sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của những tài nguyên du lịch đã sử dụng để cấp phép và hỗ trợ phát triển. Đồng thời, có những quy định và chính sách rõ ràng về hỗ trợ và chế tài đối với các doanh nghiệp, người dân trong quá trình sản xuất theo các tiêu chí hướng đến kinh tế tuần hoàn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông yêu cầu, UBND huyện Côn Đảo chủ động hơn nữa trong việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Huyện phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học triển khai các mô hình giải pháp kinh tế tuần hoàn, đặc biệt liên quan đến vấn đề rác, nước, năng lượng, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học để có thể hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong đề án.

Huyện nghiên cứu bộ “tiêu chí Công dân Xanh”, đẩy mạnh việc triển khai ký các Bản cam kết bảo vệ môi trường đối với cộng đồng dân cư (các doanh nghiệp, khu phố…), thực hành “Nếp sống tuần hoàn” (như phân loại rác, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…) hướng tới xây dựng một thương hiệu về “Kinh tế và nếp sống tuần hoàn” tại Côn Đảo.

(theo TTXVN)