WIDGET_VIDEO:::352]
Sự kiện nhằm cung cấp thông tin công khai, đầy đủ và kịp thời nhất đến các cá nhân có quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và nguồn thí sinh dự tuyển, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng đặc thù của Ngành, vừa phù hợp với chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ số.
Chuyện “vào nghề”
Tại Tọa đàm với chủ đề “Tôi đã chọn nghề Ngoại giao, còn bạn?”, câu chuyện về “duyên nghề” và việc “chọn nghiệp” được các cán bộ ngoại giao trẻ thảo luận sôi nổi và hào hứng.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm công tác trong ngành ngoại giao, anh Hoàng Trang Hải (Vụ Tổng hợp Kinh tế) đã chia sẻ một kỷ niệm khó quên từ thời thơ ấu đã dẫn dắt anh đến với nghề ngoại giao. Trang Hải nhớ lại, trong tủ sách của ông ngoại mình, một nhà ngoại giao kỳ cựu, có hai cuốn sách bằng tiếng Anh khiến anh vô cùng ấn tượng.
“Cuốn sách có rất nhiều hình vẽ tàu chiến, máy bay nhưng vì là ngôn ngữ nước ngoài nên tôi không thể hiểu hết nội dung”, anh kể. Sau này khi quyết định theo nghiệp ngoại giao của ông mình và qua những lần công tác, làm việc trong Ngành, anh đã có cơ hội tìm hiểu và biết sâu hơn về cuốn sách mà mình từng yêu thích.
Câu chuyện “vào nghề” của bạn Nguyễn Hoàng Duy, chuyên viên Vụ Thông tin Báo chí cũng khá tình cờ. Tốt nghiệp ngành truyền thông tại Australia, Duy về Việt Nam và trải qua thời gian làm phóng viên tại Ban Đối ngoại của Đài Truyền hình Hà Nội và Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Cơ duyên đưa chàng phóng viên trẻ đến với ngành ngoại giao cũng rất tình cờ sau những lần tham dự sự kiện đối ngoại, quốc tế và có cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với các cán bộ ngoại giao của Vụ Thông tin Báo chí.
“Giao lưu với các anh chị, tôi thấy rằng nghề ngoại giao rất thú vị và muốn tìm hiểu thêm về nghề. Công việc của một phóng viên khá linh hoạt và có sự thay đổi liên tục, vì mỗi giây phút lại có sự kiện mới, tuy nhiên phóng viên lại khó liên kết, xâu chuỗi sự kiện để nhìn theo chiều sâu. Quyết định chọn nghề ngoại giao, tôi nghĩ mình sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi và nghiên cứu”, Duy tâm sự.
Các cán bộ ngoại giao trẻ chia sẻ tại sự kiện MOFA Open Day, ngày 31/10. (Ảnh: Bảo Chi) |
Chuyện “dân ngoại đạo”
Khi nói về các cán bộ Bộ Ngoại giao, như cách gọi quen thuộc là “dân MOFA”, nhiều người vẫn hay nghĩ đến ba chữ “con nhà nòi” hay “con ông cháu cha” nhưng trên thực tế lại không hẳn như vậy. Bộ Ngoại giao có rất nhiều “dân ngoại đạo”, dù không sinh ra trong những gia đình có truyền thống ngoại giao, không được đào tạo bài bản về ngoại giao nhưng lại có duyên với Ngành và hoàn thành rất tốt vai trò của một nhà ngoại giao.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương nhưng Nông Đàm Tuấn Linh, một cán bộ trẻ đến từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lại quyết định gắn bó với ngành Ngoại giao sau một thời gian “lăn lộn” ở môi trường tư nhân bên ngoài.
Tuấn Linh chia sẻ, khi mới vào Ngành, anh cũng gặp không ít khó khăn khi chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn. Tuy nhiên, với những nỗ lực học hỏi không ngừng, Tuấn Linh đã từng bước vượt qua những trở ngại bước đầu để hoàn thành tốt công việc chuyên môn.
“Vì là người ngoại đạo nên tôi luôn xác định bất cứ công việc nào được giao đều sẽ là công việc mới, trải nghiệm mới, sẽ có thêm cơ hội được học tập những kiến thức mới. Trở thành cán bộ của Bộ Ngoại giao, tôi đã xác định luôn giữ tinh thần xông pha, không ngại học hỏi”, Tuấn Linh cho hay.
Nguyễn Hà Châu Hương, cán bộ đang công tác tại Vụ ASEAN chia sẻ, công tác trong môi trường đa phương đòi hỏi cán bộ ngoại giao phải có những kiến thức khá đa dạng, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và lúc này những kiến thức mà cô học được từ những chuyên ngành khác lại có “đất dụng võ”.
“Việc có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác theo tôi là một lợi thế. Chính vì từng học những chuyên ngành khác mà tôi hiểu khá sâu vấn đề và điều này đã hỗ trợ rất nhiều trong công việc làm ngoại giao của mình”, Châu Hương nói.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu ngành Ngoại giao. |
Cơ hội trải nghiệm
Chia sẻ cảm nhận về môi trường làm việc của ngành Ngoại giao, Nguyễn Hà Châu Hương đã dùng từ “expose” (phơi mình) để nói về những trải nghiệm khó quên trong hơn năm năm gắn bó với Bộ Ngoại giao. “Môi trường này đã cho phép tôi thường xuyên được ‘phơi mình’ với những trải nghiệm”, Châu Hương bày tỏ.
Khi mới vào Ngành, cô gái trẻ được giao tham gia vào rất nhiều cuộc họp đa phương của ASEAN và các nước đối tác. Châu Hương cho biết: “Thông qua những cuộc họp đa phương, tôi được học hỏi và tiếp xúc với rất nhiều nhà ngoại giao giỏi ở trong nước và quốc tế. Dù áp lực là rất lớn nhưng đó cũng là những thử thách và cơ hội cọ xát vô cùng đáng quý, giúp tôi học thêm được những kỹ năng ứng biến, xử lý tình huống và trưởng thành từ công việc”, Châu Hương nói.
Từng có thời gian làm việc ở một tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup nhưng Đào Ngọc Mai Thi (Trung tâm Biên Phiên dịch Quốc gia), thủ khoa đầu ra của Học viện Ngoại giao lại quyết định gắn bó với ngành Ngoại giao vì ấn tượng với sự chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo của môi trường làm việc nơi đây.
“Quan niệm phổ biến của nhiều người thường là môi trường Nhà nước sẽ kém năng động hơn tư nhân, tuy nhiên sau khoảng thời gian hơn một năm công tác tại Bộ Ngoại giao, tôi thấy nhận định này có phần không đúng. Qua thực tế trải nghiệm, tôi nhận ra môi trường làm việc tại Bộ cũng năng động không kém gì khối tư nhân khi phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức hàng ngày, hàng giờ”, Mai Thi cho hay.
Sự nhiệt thành cởi mở, sẵn sàng chia sẻ từ các anh chị đi trước cũng khiến Mai Thi thêm tự tin với công việc và luôn cảm thấy “ấm áp như một gia đình”.
Trao đổi về những kiến thức và kỹ năng cần có đối với một cán bộ ngoại giao, anh Hoàng Trang Hải cho rằng, việc có một kiến thức chuyên môn vững vàng là một điểm mạnh nhưng cũng cần phải phát triển thêm các kỹ năng mềm, chú ý tìm hiểu và nắm bắt thông tin về đối tác.
Còn với Nông Đàm Tuấn Linh, lời khuyên dành cho các bạn trẻ muốn theo sự nghiệp ngoại giao là cần nghiêm túc đầu tư cho ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ chuyên ngành. “Ngoại ngữ là một phương tiện rất quan trọng để các cán bộ ngoại giao thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Rất nhiều cán bộ ngoại giao khi đi nhiệm kỳ công tác, ngoài ngoại ngữ chính còn tranh thủ học thêm một ngoại ngữ địa phương và giúp ích rất nhiều trong công việc”, Tuấn Linh bật mí.
Con đường Ngoại giao - MOFA Open Day 2020 có sự tham dự trực tiếp của đại diện tất cả các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng trên 400 sinh viên, thanh niên trẻ, gần 20.000 khán giả theo dõi trực tuyến/livestream trên trang web của Báo Thế giới và Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao chính thức giới thiệu về kế hoạch tổ chức tuyển dụng công chức của Bộ Ngoại giao năm 2020, dự kiến tuyển dụng 81 chỉ tiêu trong các chuyên ngành cụ thể như: Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Báo chí Truyền thông, Tài chính kế toán, Lưu trữ và Công nghệ thông tin. |
Một điểm nhấn đáng chú ý của sự kiện là Khu triển lãm về 75 năm truyền thống ngoại giao, với kho tư liệu phim, ảnh giới thiệu sinh động về sự trưởng thành và phát triển của Bộ Ngoại giao, đảm nhiệm thành công các sứ mệnh lịch sử từ phá thế cô lập, giải vây đến đóng vai trò mở đường, làm cầu nối, ngày càng tích cực chủ động hội nhập sâu rộng và tiến tới đóng góp, định hình luật chơi chung, góp phần đưa Việt Nam trở thành một phần không thể tách rời của cộng đồng quốc tế. |