📞

Con đường phục hồi kinh tế hậu Covid-19 khi niềm tin tan vỡ

Linh Chi 19:57 | 16/04/2020
TGVN. Vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra với kinh tế Mỹ không chỉ sâu, mà còn rộng. Tâm lý lo sợ của người dân sẽ là một trong những rào cản khiến hoạt động kinh tế khó trở lại bình thường.    
Các chuyên gia kinh tế nhận định, một cuộc suy thoái đã bắt đầu tại Mỹ và sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 sẽ rất sâu sắc. (Nguồn: AFP)

Cú sốc tâm lý

Khi Chính quyền Tổng thống Trump bàn về thời điểm khởi động lại nền kinh tế đang bị tàn phá bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19, họ đã nhớ lại những bài học không thể quên trong quá khứ. Cụ thể, ngành hàng không Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bốn vụ tấn công khủng bố Ngày 11/9/2001. Sau đó, phải ba năm sau, ngành hàng không Mỹ mới có thể hoàn toàn phục hồi niềm tin của khách hàng như trước khi xảy ra khủng bố.

Hay sự bùng nổ của thị trường bong bóng nhà đất với đỉnh điểm về giá vào khoảng năm 2005 - 2006 cũng đã khiến niềm tin kinh doanh ở nền kinh tế số 1 sụt giảm nghiêm trọng. Phải 5 năm sau, người mua và người bán bất động sản Mỹ mới có thể lấy lại niềm tin để tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực này.

Có thể thấy rõ, khi nước Mỹ phải đối mặt với bất kỳ cú sốc nào đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi tâm lý cho người dân. Cú sốc từ đại dịch Covid-19 cũng như vậy.

Hiện tại, đại dịch Covid-19 đã lan rộng và bắt đầu gây ra những tác động kinh tế nặng nề trên khắp nước Mỹ. Khủng hoảng dịch bệnh khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên bị "đóng băng" trong suốt 10 năm tăng trưởng đều đặn. Báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ dự đoán, tăng trưởng GDP Mỹ sẽ lao dốc 11% vào cuối năm nay, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1946. Tờ Wall Street Journal cũng cho rằng, các ngành sản xuất có thể sẽ bị thiệt hại đến 1.500 tỷ USD.

Trong một phân tích gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford cho biết, dự kiến ​​GDP của những tháng cuối năm 2020 sẽ giảm 11% so với năm 2019. Bên cạnh đó, đã có khoảng 16 triệu người dân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong ba tuần qua, doanh số bán lẻ đã giảm 8,7% trong tháng 3. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JP Morgan Chase & Co cũng báo cáo, lợi nhuận giảm hơn 2/3 trong quý I/2020 và hiện đang dự trữ gần 7 tỷ USD để bảo vệ ngân hàng này khỏi làn sóng vỡ nợ tiềm năng trong những tháng tới.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, một cuộc suy thoái đã bắt đầu và sự suy thoái kinh tế lần này của Mỹ sẽ rất sâu. Dịch Covid-19 sẽ khiến kinh tế Mỹ suy thoái theo hình chữ W (kiểu suy thoái liên tiếp, khi nền kinh tế vừa thoát khỏi suy thoái được một thời gian ngắn lại tiếp tục rơi vào suy thoái tiếp theo).

Ngoài ra, lộ trình phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoàng Covid-19 còn có một rào cản nữa, đó là niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Đại dịch Covid-19 tại Mỹ khiến hơn 28.000 người tử vong đã để lại tâm lý sợ hãi và hoang mang. Chuyên gia Chris Varvares tại IHS Markit cho rằng, để kinh tế Mỹ hồi phục và có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, điều kiện cần là dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

“Tuy nhiên, đó không phải là điều kiện đủ. Niềm tin của người tiêu dùng sau đại dịch là yếu tố quan trọng góp phần giúp kinh tế Mỹ ổn định trở lại”, ông Chris Varvares nhấn mạnh.

Kinh tế Mỹ sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi trở lại. (Nguồn: Reuters)

Lộ trình phục hồi chậm chạp và đau đớn

Mới đây, Tổng thống Trump cho biết, sẽ mở cửa nền kinh tế trở lại tại một số bang trước ngày 1/5. Ông chủ Nhà Trắng dự đoán, khi nền kinh tế tái khởi động, Mỹ sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ "có lẽ chưa từng có từ trước đến nay”.

Song giới chuyên gia cảnh báo, việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ cần thiết và mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm có thể dẫn đến "làn sóng virus thứ hai", khiến kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng hơn. Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại ở Trung Quốc, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), sau khi chính quyền những quốc gia này nới lỏng hạn chế nghiêm ngặt ban đầu.

Thêm vào đó, các cuộc khảo sát trong thời gian qua cũng cho thấy, ngay cả khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế và cho phép cửa hàng, trung tâm mua sắm hoạt động trở lại thì kinh tế Mỹ cũng sẽ phục hồi với tốc độ chậm. Bởi nền kinh tế Mỹ không chỉ "đóng băng" vì các lệnh hạn chế mà còn vì người dân sợ sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Giám đốc công ty kinh doanh nhà hàng và khách sạn Sage Hospitality Group, Walter Isenberg cho rằng, thật khó để doanh nghiệp của ông có được sự phục hồi mạnh mẽ như dự đoán của Tổng thống Trump. Dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của Sage Hospitality Group sụt giảm từ mức 3 triệu USD/ngày (năm 2019) xuống còn 40.000 USD/ngày (thời điểm hiện tại).

“Tôi đã phải tạm thời sa thải hơn 5.000 trong số 6.000 nhân sự. Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 sẽ mất rất nhiều thời gian và diễn ra rất chậm. Tôi chỉ có thể cảm thấy an toàn cho đến khi tìm ra phương pháp điều trị hoặc vaccine ngừa virus corona chủng mới”, Giám đốc Walter Isenberg nói.

Giới chuyên gia cũng khẳng định rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ là một quá trình chậm chạp và đau đớn. Theo đó, hậu dịch Covid-19, hoạt động thương mại, việc làm sẽ giảm đáng kể và sự phục hồi kinh tế sẽ không giống như những giai đoạn Mỹ đã từng trải qua trong quá khứ. Người tiêu dùng Mỹ cũng có thể không quay trở lại sân bay, nhà hàng và các sân vận động thể thao cho đến khi người dân Mỹ đủ tự tin - rủi ro lây lan dịch bệnh đã giảm.

Phác thảo ra việc mở lại tiểu bang đông dân nhất của Mỹ, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho rằng, các nhà hàng có thể mở cửa trở lại với công suất hoạt động bằng 1/2 bình thường; khẩu trang sẽ có mặt khắp nơi và những hoạt động tụ tập đông người có thể vẫn sẽ bị hạn chế.

"Kinh tế Mỹ sẽ không thể trở lại bình thường vào thời điểm này", ông Newsom khẳng định.

(theo Reuters, The New York Times)