Thành tích để làm gì khi con phải học ngày học đêm, học cả ngày cuối tuần đến nghỉ lễ? (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Hôm qua, giáo viên chủ nhiệm của con trai tôi (học lớp 4) nhắn tin thông báo về tình hình lớp, mong phụ huynh hỗ trợ việc dạy con ở nhà.
Cô cho biết, dự kiến trường sẽ tổ chức thi cuối học kỳ 2 trước 30/4 khiến tôi giật mình. Không những thế, cô nêu thực trạng thời gian học online quá lâu khiến các con bị ì và ngại phát biểu, nhiều con bị hổng kiến thức. Các con vừa trở lại trường chưa được nửa tháng, vẫn đang hân hoan cảm giác gặp lại bạn, giờ đã phải chạy đua thi cử.
"Học trực tiếp ở lớp đã vất vả, học online còn mệt hơn. Nhìn con suốt hơn một năm qua làm bạn với máy tính, đánh vật với bài tập, mệt mỏi mỗi khi nhắc đến chuyện học, lễ tết con vẫn cần mẫn học như một cái máy, tôi thầm nghĩ - thành tích để làm gì?". |
Từ nhiều năm nay, từ ngày cuối tuần, các kỳ nghỉ lễ đến Tết Nguyên đán, dù nghỉ học nhưng con vẫn luôn “canh cánh” với đống bài tập. Nhiều lúc tôi thắc mắc các con học gì mà nhiều thế? Con trai lớn học lớp 4, con trai nhỏ học lớp 1, nhưng 11 giờ đêm vẫn chưa hoàn thành xong bài tập cô giao.
Một phụ huynh lớp 1 than thở trên nhóm zalo: “Con tôi mới lớp 1 gì mà học nhiều chữ thế? Khuya rồi vẫn còn phải cặm cụi luyện chữ”.
Dịp 30/4 vừa qua, cả nhà xả hơi sau một thời gian “né Covid-19” nhưng con trai đầu của tôi vẫn khệ nệ đống sách vở. Nói là đi nghỉ mát mà con vẫn không được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Nhớ lại những năm trước, cô giáo luôn dành lời khen cho con trai tôi, dẫn đầu lớp về kết quả học tập nhưng tôi không vui. Bởi để đạt được kết quả như vây, con tôi phải đánh đổi nhiều thứ. Để là học sinh giỏi toàn diện, dường như cuộc thi nào do trường hoặc quận, thành phố phát động, con đều tham gia đầy đủ. Con thi đấu trường toán học, thuyết trình bằng tiếng Anh, thi vẽ… cuộc thi nào con cũng đoạt giải cao.
Nhớ nhiều đêm con học đến khuya, tôi giục đi ngủ nhưng con chưa yên tâm vì bài tập cô giao chưa làm xong. Đúng là chưa bao giờ tôi mong bảng điểm của con phải cao chót vót. Tôi cũng không vội mừng khi được giáo viên khen con. Bởi để được những lời khen ấy, con phải nhiều đêm làm bài tập, con không có thời gian chơi ở công viên và lễ tết đối với con vẫn là thứ gì đó xa xỉ.
Học trực tiếp ở lớp đã vất vả, học online còn mệt hơn. Nhìn con suốt hơn một năm qua làm bạn với máy tính, đánh vật với bài tập, mệt mỏi mỗi khi nhắc đến chuyện học, con học cả ngày lẫn đêm, học cả cuối tuần, lễ tết con vẫn cần mẫn học như một cái máy, tôi thầm nghĩ - thành tích để làm gì?
Các con đang “chạy nước rút” để chuẩn bị thi học kỳ 2 nên càng nhiều sức ép hơn. Cô giáo giao bài tập nhiều hơn và muốn nhanh chóng lấp những khoảng trống kiến thức của các con sau thời gian học online kéo dài. Để ý con đi học về uể oải và vẫn cặm cụi bên bàn học mỗi đêm, tôi thấy thương con vô cùng.
"Có lẽ, việc học ở Việt Nam nặng nề là do chúng ta - giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh đã tự gia tăng áp lực cho chính mình". |
Nhiều lúc, tôi chỉ ước ao, giá như việc học của con nhẹ nhàng hơn, bớt bài tập và những áp lực, để con vô tư mỗi ngày đến trường, không phải ôm đồm nhiều nỗi lo thi cử.
Có những nghịch lý trong giáo dục, đó là việc trẻ đi học như một cái máy, thời gian học của trẻ quá nhiều và chơi lại quá ít. Tôi cảm thấy có lỗi với con, bởi bản thân tôi cũng đang bị cuốn vào guồng quay học, thi, thành tích.
Nhiều lúc, tôi thắc mắc tự hỏi vì sao trẻ em thời nay phải “cày ải” việc học nhiều thế? Việc học để thi, học để được điểm cao vẫn ăn sâu và mỗi dịp cuối năm, đâu đó câu chuyện cả lớp nhận được giấy khen đã không còn là chuyện hiếm.
Tôi cứ nghĩ, chẳng biết con học có trở thành “ông nọ bà kia” hay không nhưng thời gian con ngốn cho việc học quá nhiều. Suy cho cùng, mỗi đứa trẻ lớn lên cũng chỉ mong trở thành người tử tế và cảm thấy hạnh phúc với mỗi việc mình làm, mình có chứ không phải là việc gặt hái được nhiều giấy khen hay có nhiều bằng cấp.
Có lẽ, việc học ở Việt Nam nặng nề là do chúng ta - giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh đã tự gia tăng áp lực cho chính mình. Đó là áp lực phải giỏi toàn diện, áp lực thành thạo, đặc biệt là thành thạo nhiều thứ không cần thiết. Nhà trường muốn tỉ lệ học sinh giỏi cao, giáo viên cũng muốn thành tích lớp mình tốt, phụ huynh nào cũng muốn con mình giỏi…
Nhìn lại, dù bài tập cô giao trong sách vở rất nhiều nhưng chưa bao giờ cô giao bài tập thu hoạch sau mỗi kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè. Tại sao con suốt ngày phải làm bài tập mà không phải kể về những câu chuyện mang tính thực tế? Bởi những kiến thức ngoài đời cũng vô cùng quan trọng với các con. Để giảm áp lực cho trẻ, có lẽ chương trình giáo dục cần tăng khía cạnh ứng dụng hơn.