Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đăng tải trên tạp chí Nature ngày 10/8, hoạt động nông nghiệp và săn bắt của con người đang tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với thiên nhiên hoang dã, thậm chí còn nghiêm trọng hơn hiện tượng biến đổi khí hậu.
Thông qua phân tích gần 9.000 loài đang bị đe dọa và có nguy cơ bị đe dọa, các nhà khoa học nhận thấy, 3/4 trong số này bị săn bắt quá mức vì mục đích thương mại, giải trí hoặc trở thành nguồn cung cấp thực phẩm.
Nhu cầu thịt và các bộ phận khác trên cơ thể của các loài động vật đang đẩy loài khỉ đột và loài tê tê Trung Quốc đến sát bờ vực tuyệt chủng, trong khi loài tê giác quý hiếm Sumatran bị đe dọa nghiêm trọng.
Hai chú hổ Bengal tại một vườn thú ở Medan, Indonesia. (Nguồn: EPA) |
Ngoài ra, hơn một nửa số loài động thực vật trong nghiên cứu này còn phải đối diện với nguy cơ mất nơi ở khi môi trường sống tự nhiên bị biến thành các nông trại và các đồn điền công nghiệp, chủ yếu chăn thả vật nuôi và canh tác cây trồng phục vụ nhu cầu sản xuất nhiên liệu hoặc thực phẩm.
Trong khi đó, chỉ có 19% trong tổng số 9.000 loài này chịu ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Giáo sư Sean Maxwell thuộc Đại học Queensland ở Australia, đồng thời là tác giả của công trình nghiên cứu trên, nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn tác hại của hoạt động nông nghiệp và săn bắt quá mức là "chìa khóa" để xoay chuyển cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang đẩy các loài động thực vật đến bên bờ tuyệt chủng.
Đồng tác giả của nghiên cứu này, chuyên gia James Watson thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã WCS cũng cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai có thể trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học, nhưng hiện tại, mối đe dọa lớn nhất lại đến từ các hoạt động nông nghiệp và khai thác tận diệt của con người.
Theo ông Watson, Trái Đất đang bước vào một "thời kỳ tuyệt chủng" trên diện rộng, trong đó các loài động thực vật đang biến mất nhanh hơn gấp từ 1.000 đến 10.000 lần so với cách đây một hoặc hai thế kỷ.