Nhỏ Bình thường Lớn

Con người đón 'sóng thần' công nghệ thế kỷ XXI

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, các trường phổ thông có thể chủ động đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giảng dạy để học sinh hiểu và được tiếp cận công nghệ này một cách tích cực.
Sóng thần công nghệ
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế chiến lược Trung Quốc trao đổi tại tọa đàm "Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ XXI”. (Ảnh: Hải Minh)

Chiều 15/3, nhân dịp giới thiệu cuốn sách sắp ra mắt Sóng thần công nghệ (bản tiếng Việt), tựa gốc The Coming Wave của tác giả Mustafa Suleyman, Công ty cổ phần Xuất bản khoa học và giáo dục Thời đại (TIMES) tổ chức tọa đàm "Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ XXI”.

Sự kiện có sự tham dự của một số nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nhân, bàn về quá trình tiến triển của công nghệ, khám phá sự tiến bộ nhanh chóng của AI cũng như công nghệ sinh học và cách hai công nghệ này định hình tương lai của thế giới. Đồng thời, tọa đàm thảo luận về những thách thức đạo đức mà AI mang lại và cách chúng ta có thể định hình các nguyên tắc quản lý nó.

Tại tọa đàm, TS. Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School nêu vấn đề, khi có khả năng nhận biết bản thân, AI sẽ cạnh tranh với con người trong mọi lĩnh vực. Khi đó, robot có khả năng tự tổ chức cuộc sống, từ việc di chuyển, nấu ăn, biểu diễn nghệ thuật... cho đến quản lý kế hoạch cuộc sống. Đây sẽ là thời điểm con người phải đối mặt với nhiều lo ngại.

Nhìn nhận ở khía cạnh người làm giáo dục, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, những công nghệ như AI sẽ tạo ra thay đổi rất lớn về ngành nghề, trở thành bài toán đối với các trường đại học.

Ông Phong nói: "Với tốc độ phát triển công nghệ như trước đây, người ta thường nói 2 năm sau khi ra trường, kiến thức có thể đã cũ. Tuy nhiên hiện nay, có thể nói, ngay từ khi học sinh mới bước chân vào trường đại học, ngành đề đó đã có thể biến mất hoặc chuyển đổi sang một thứ gì đó hoàn toàn khác".

AI có khả năng thúc đẩy các trường học phải điều chỉnh cả quản trị và phương pháp giảng dạy. Sự xuất hiện của AI có thể làm cho những ngành nghề truyền thống trở nên lỗi thời, đồng thời mở ra cơ hội cho sự thay đổi và sáng tạo. Từ thực tế đó, ông Phong cũng cho rằng, các trường phổ thông có thể chủ động đưa AI vào chương trình giảng dạy để học sinh hiểu và được tiếp cận công nghệ này một cách tích cực.

Sóng thần công nghệ
Sự xuất hiện của AI có thể làm cho những ngành nghề truyền thống trở nên lỗi thời, đồng thời mở ra cơ hội cho sự thay đổi và sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế chiến lược Trung Quốc nhấn mạnh, thay vì xem AI chỉ là một công cụ, chúng ta cần nhận thức AI như một chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ. Vấn đề quan trọng là thiết lập một khung pháp lý để ngăn chặn sự sai lệch trong đối xử đối với robot. Vì vậy, việc thảo luận và làm rõ về các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức trong việc sử dụng AI là cần thiết.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Vũ Hoàng Linh, một trong ba dịch giả của Sóng thần công nghệ cho rằng đã có khá nhiều cuốn sách nói về AI, về vai trò cũng như cơ hội nó tạo ra cho các ngành nghề, hoạt động kinh doanh, cho xã hội, nhưng ấn phẩm của Mustafa Suleyman và Michael Bhaskar có nhiều khác biệt.

Dịch giả này nói: "Tôi nghĩ rằng cuốn sách Sóng thần công nghệ không chỉ nói về những thành tựu mà cả thách thức công nghệ đem lại trong thế kỷ XXI, về việc làm thế nào để kiềm chế những thách thức đó".

Ngoài ra, ông Linh cho rằng, con người đã chứng kiến nhiều cột mốc trong sự thay đổi, phát triển công nghệ như sự xuất hiện của điện, Internet nhưng làn sóng lần này, nổi bật là AI, mang đến tác động còn mạnh mẽ hơn. Bên cạnh những mặt tích cực đem lại, nó còn có cả khả năng gây hại, tiêu cực.

Mustafa Suleyman là tác giả cuốn The Coming Wave, đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo tiên phong DeepMind, một phần của Google và là Giám đốc điều hành của Inflection AI, một công ty tiên phong về AI nhằm xác định lại mối quan hệ giữa con người và máy tính.

Cuốn sách là lời cảnh báo khẩn cấp từ Suleyman về nhiệm vụ duy trì quyền kiểm soát các công nghệ mạnh mẽ. Phiên bản tiếng Việt của The Coming Wave mang tên Sóng thần công nghệ, là tác phẩm mở đầu cho Tủ sách công nghệ của TIMES.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật: 'Vũ khí' lớn nhất của nhà báo trong thời đại AI chính là tinh thần học hỏi

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật: 'Vũ khí' lớn nhất của nhà báo trong thời đại AI chính là tinh thần học hỏi

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus chia sẻ, trong thời đại AI thì "vũ khí" lớn nhất của ...

Nhà báo Trần Bá Dung: Báo chí muốn dẫn dắt dư luận phải chuẩn mực về đạo đức và độ tin cậy của thông tin

Nhà báo Trần Bá Dung: Báo chí muốn dẫn dắt dư luận phải chuẩn mực về đạo đức và độ tin cậy của thông tin

Đổi mới hoạt động báo chí chính là tiên phong chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt ...

'Chìa khóa' của báo chí trong thời đại công nghệ

'Chìa khóa' của báo chí trong thời đại công nghệ

Trong môi trường số hóa nhanh chóng, việc nhận diện sớm xu hướng và áp dụng công nghệ mới là chìa khóa để tạo ra ...