Tại sao?
So với du học bậc đại học, du học sớm cấp II, cấp III yêu cầu với ứng viên dễ dàng hơn về ngoại ngữ và chứng minh tài chính. Tuy nhiên, những điều kiện mở này có từ lâu chứ không phải mới xuất hiện. Vậy tại sao làn sóng du học sớm lại rộ lên vài năm trở lại đây?
Lý giải đầu tiên là chế độ thi cử. Gần đây, giáo dục Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ về cách thức thi đầu vào đại học, thi chuyển cấp, thi lên lớp. Đó là chuyển từ thi viết bài luận, trình bày kiến thức sang thi trắc nghiệm. Cách thi này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi, rằng nên theo truyền thống thi trước đây hay làm cuộc cách mạng với thi trắc nghiệm ở tất cả các môn. Với các phụ huynh học sinh, việc chuyển đổi thi mang lại nhiều lo lắng.
Chị Phạm Thị Hồng, một phụ huynh có con học lớp 9 tại Hà Nội đã tâm sự: “Tôi đã theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề này. Và thực sự thấy không yên tâm với đứa con đang học cuối cấp II của mình. Càng ngày học càng khó hơn, thi phức tạp hơn. Tôi không muốn con mình thuộc lứa đầu tiên của những gì được gọi là thử nghiệm”. Gia đình chị có điều kiện kinh tế, lại có người thân ở nước ngoài. Vậy nên sau khi được tư vấn tại trung tâm du học, gia đình chị Hồng quyết định cho con đi du học Australia ngay khi tốt nghiệp cấp II, với suy nghĩ “né” cho con gái các cải cách giáo dục mới mẻ.
Bên cạnh đó, bằng cấp là điều mà các bậc phụ huynh hướng cho con đi du học sớm. Từ kinh nghiệm khi cho đứa con trai đầu đã tốt nghiệp cấp III đi du học Mỹ, nhà anh Hoàng Linh tại Cầu Giấy rút kinh nghiệm, rằng nếu có khả năng, cho con đi học ngay từ lớp 10, 11 chứ không chờ phải tốt nghiệp lớp 12. Bởi tại một số nước, du học sinh từ Việt Nam phải học lại lớp 12 để lấy bằng tốt nghiệp cấp III từ nước sở tại, chứ không căn cứ vào bằng cấp tại Việt Nam. Với việc du học sớm, học sinh sẽ không bị phí mất thời gian học tập, hơn thế lại có bằng THPT nước ngoài, có thể du học tại bất cứ quốc gia nào.
Khoảng cách địa lý được rút ngắn khi cho con học tại các trường quốc tế Anh, Mỹ, Pháp tại các quốc gia châu Á láng giềng, cũng khiến nỗi lo xa cách của các bậc phụ huynh vơi đi nhiều. Cho con đi học tại đây, bằng cấp quốc tế lại thuận tiện khi đi thăm nom. Bởi vậy, Singapore, Thái Lan, Malaysia... là những quốc gia mà học sinh du học sớm đăng ký nhiều.
Ngoại ngữ cũng là một yếu tố khiến các bậc phụ huynh quyết định đầu tư cho tương lai. Nhiều người nghĩ, không biết con cái học tập chuyên ngành gì ở nước ngoài, nhưng ít ra chúng có một môi trường quốc tế, được học thêm về tiếng, có cơ hội “đắm mình” trong môi trường ngôn ngữ. Khi trở về Việt Nam, khả năng trôi chảy một ngoại ngữ sẽ là lợi thế để xin việc. Mà ngoại ngữ thì học càng sớm càng tốt, bởi vậy nên quyết định cho con du học ngay từ tuổi 15, 16.
Không nên ép lúa non
Nhiều gia đình nghĩ đơn giản, cho con đi du học nghĩa là nhà trường sẽ lo tất mọi thứ, từ việc học tập đến sinh hoạt, ăn ở mà không biết rằng việc “thả” con vào một môi trường mới lạ mà không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng nào sẽ rất nguy hiểm. Trường học không thể bao đồng được cuộc sống ngoài giảng đường. Bởi thế nên có nhiều trẻ khi du học, thoát khỏi sự “kìm kẹp” của bố mẹ đã thả phanh vui chơi, tìm hiểu những gì mà trước đây mình bị cấm. Kết cục là đã bị gửi trả về nước trước thời hạn bởi những vi phạm về pháp luật tại nước sở tại. Bên cạnh đó, trẻ em Việt Nam vốn được giáo dục theo kiểu Á Đông, được bố mẹ bao bọc ngay từ khi còn nhỏ. Nay chỉ vì ước vọng của cha mẹ, bất ngờ va vào một nền văn hóa, môi trường khác hẳn, chuyện bị “sốc” là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể đến nguy cơ bị “Tây hóa”. Bởi khi du học, các em còn rất nhỏ, chưa có ý thức sâu sắc gì về văn hóa Việt Nam cũng như ý thức về cái gọi là bản ngã. Trong một lần trò chuyện về vấn đề này, chuyên gia tiếng Anh, thạc sĩ Nguyễn Quốc Hùng, gương mặt quen thuộc trên kênh truyền hình VTV2 đã khẳng định: “Quan điểm của tôi là cho con em đi du học khi chúng đã thực sự trưởng thành về nhân cách. Nếu đi sớm quá, không cẩn thận khi về nước, con mình sẽ “Tây không ra Tây, ta không ra ta”, lạc lõng trong xã hội và gia đình ở quê nhà”. Với thời gian nghiên cứu ngôn ngữ và những mỗi quan hệ của mình, ông Hùng có thể cho con du học sớm nhưng con gái của ông hoàn thành khóa học cử nhân tiếng Anh trong nước rồi mới du học. Với ông Hùng, việc truyền đạt kiến thức, bồi bổ nhân cách, tạo cho các em một “phông văn hóa” để sau này dù học gì, học ở đâu cũng vẫn luôn giữ được cái gốc cần rất nhiều thời gian và không hề đơn giản.
Có đủ điều kiện kinh tế cho con du học sớm với 1 năm ở Australia trên 25.000 USD không phải là bài toán khó với nhiều gia đình. Điều này nói lên tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam, khi nhiều người đã giàu có hơn, hướng đến đầu tư cho tương lai hơn. Tuy nhiên, việc cho con đi du học vào thời điểm nào là thích hợp, học gì, ở đâu... lại đòi hỏi các bậc phụ huynh phải giàu có về kiến thức và hiểu biết. Khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục được đưa ra: Không nên ép lúa non, bắt con đi du học sớm khi không thật sự cần thiết. Nên nhớ, du học sớm cũng đồng nghĩa với lơ lửng nhiều nỗi lo.
Mạn Ngọc