Theo thông tin của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cuối năm 2008, tôm đông lạnh Việt Nam vẫn được tiêu thụ tại 90 nước và vùng lãnh thổ (tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó), nhưng con số này hiện chỉ còn 29 (giảm hơn 60%). Trong đó, các nước Đông Âu hiện chỉ còn 13 thị trường (giảm 4), khối ASEAN cũng chỉ còn 3 thị trường. Riêng các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và Đài Loan hiện vẫn được duy trì, nhưng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu đều giảm mạnh.
Khó khăn nối tiếp khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất, thậm chí có rất nhiều công ty phải đóng cửa. Tuy nhiên, lý do không chỉ tại khủng hoảng kinh tế, mặc dù các thị trường đều giảm mạnh khối lượng nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội nếu giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong chính nội bộ ngành, với đầy rẫy các lý do thị trường, nguồn nguyên liệu, vốn và chi phí sản xuất...
VASEP cho biết, việc tìm kiếm thêm thị trường đối với các sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam rất khó khăn, không phải chỉ bởi các thị trường đang hạn chế xuất khẩu, mà còn do không thể cạnh tranh nổi với tôm xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Tại sao?
Giá nguyên liệu đầu vào trong nước quá cao, đang là một trong những lý do đầu tiên. Chẳng hạn, tôm nguyên liệu hiện nay mua với giá 57.000–59.000đ/kg, trong khi đó giá nguyên liệu của Thái Lan có 43.000đ/kg, điều này đã tạo sự chênh lệch rất lớn cho xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước khác, làm mất đi lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, mặc dù bán được tôm nguyên liệu với giá cao, nhưng người nuôi tôm vẫn không phấn khởi vì trong một thời gian dài giá thức ăn, giá tôm giống tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu giảm đã khiến nhiều nông dân bỏ ao. Lại thêm tình trạng không thể trả nợ ngân hàng, thiếu vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, giá thức ăn nuôi trồng thủy sản thất thường, khiến diện tích nuôi trồng sụt giảm rất lớn, dẫn đến tình trạng khan sốt nguyên liệu ở các nhà máy chế biến trầm trọng hơn.
Theo dự báo của VASEP, năm 2009, tình hình tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục khó khăn. Nguyên liệu thiếu nên hiện nay các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL chỉ hoạt động khoảng 30% công suất, lại ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Bất cập trong lệch lạc chủng loại hàng hóa, chưa xác định rõ được nhu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp cho biết, Tôm sú Việt Nam chủ yếu là size lớn, nhưng các thị trường nhập khẩu lại có nhu cầu tôm cỡ trung và cỡ nhỏ, do vậy nhiều nhà máy chế biến rơi vào tình trạng thiếu tôm cỡ trung và nhỡ để sản xuất, trong khi tồn kho tôm cỡ lớn.
Một trong những khó khăn khác mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kêu ca hiện nay còn là việc bất hợp lý trong cách tính giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp trong giờ cao điểm. Thêm vào đó là thuế xuất hàng, bởi lẽ khi doanh nghiệp xuất hàng đi thì thường có một đến hai kiện hàng bị trả về, nhưng khi các kiện hàng bị trả lại này vẫn phải chịu thuế như khi xuất đi. Đây là một trở ngại về cơ chế cần được khắc phục.
Cuối cùng là một vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ không xuất hiện trong ngành xuất khẩu thủy sản: Chất lượng và Vệ sinh an toàn - vấn đề muôn thuở, không vướng ở thị trường này thì lại vướng ở thị trường khác. Ngay cả lúc, thị trường xuất khẩu đồng loạt giảm mạnh từ 40-80% như hiện nay, thì sản phẩm thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị cảnh báo chất lượng từ Tây Ban Nha - một thành viên khác thuộc EU.
Chắc chắn, trong bối cảnh các thị trường truyền thống đều giảm sức mua, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu đã năng động mở rộng và phát triển thêm các thị trường mới, nhưng sẽ không đủ bù đắp tỉ lệ sụt giảm, lại thêm các ngân hàng nước ngoài co hẹp vốn vay, nhiều khách hàng không còn khả năng thanh toán đúng hạn, thậm chí phải cắt giảm hợp đồng. Ngành Tôm chắc chắn còn thêm nhiều thách thức nếu không ngay lập tức giải quyết các vướng mắc trong nội bộ. Có như thế, khi thị trường thế giới bớt khó khăn, mới có thể rảnh tay để phát triển trở lại.
Nguyễn Trà