Tham dự có ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ sức khỏe, bà mẹ, trẻ em – Bộ Y tế…
Thạc sĩ Lều Nguyệt Ánh, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH đã công bố Đề án Dinh dưỡng người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp công bố Đề án dinh dưỡng đồng hành thực hiện các chính sách về dinh dưỡng của Chính phủ.
Đề án kéo dài 10 năm (2018 – 2028) mang lại giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng bằng cách xây dựng thực đơn với năng lượng hợp lý, cân bằng vi chất, đồng thời cung cấp các sản phẩm thích hợp cho mọi đối tượng. Từ đó, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng tối ưu cho trẻ khi trưởng thành, tăng cường sức khỏe về thể chất của người lao động, người cao tuổi, làm giảm nguy cơ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ…
Các giải pháp này cũng góp phần tạo thay đổi có tính bước ngoặt thói quen người tiêu dùng, tạo "cú hích" trong ngành thực phẩm để trở về với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, hài hòa và cân bằng chất dinh dưỡng. Mục tiêu của Đề án là đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành giúp người Việt có tầm vóc sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới.
Tại hội thảo. (Ảnh: YN) |
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Thị Nhung (Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, thừa cân và béo phì trong học sinh tiểu học ở Hà Nội tăng từ 7,9% (2003) lên 40,7% (2011) và trong học sinh tiểu học ở TP. HCM tăng từ 9,4% (2003) lên 43% (2011).
Đưa ra giải pháp cho dinh dưỡng học đường, PGS. TS. Bùi Thị Nhung cho rằng, cần có tiêu chuẩn bữa ăn học đường, tháp dinh dưỡng cho học sinh. Xây dựng dự án bữa ăn học đường cung cấp thực đơn cân đối, hợp lý; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng…
Bằng kinh nghiệm của mình, GS. Nakamura Teiji – Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cho rằng, bữa ăn chế độ ăn uống thiếu hụt và nghèo nàn của người Nhật thời xưa là nguyên nhân cho tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, thể lực và sức đề kháng kém, tuổi thọ trung bình thấp. Năm 1945, nhờ viện trợ lương thực từ nước ngoài, chương trình sữa cho trường học được bắt đầu, Năm 1951, bữa ăn học đường hoàn chỉnh bắt đầu được triển khai.
Theo ông Nakamura Teiji, mục tiêu của chương trình Dinh dưỡng Học đường chính là duy trì và tăng cường sức khỏe thông qua việc hấp thụ dinh dưỡng một cách khoa học và hợp lý. Thông qua bữa ăn học đường, tăng cường hiểu biết sâu sắc và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, giúp học sinh trân trọng giá trị của lao động, tăng cường hiểu biết về văn hóa ẩm thực truyền thống của các nước và các vùng miền…
“Trong khi vẫn đề cao giữ gìn các món ăn Nhật truyền thống, chúng tôi đồng thời giới thiệu món ăn Âu vào. Dù có phần Âu hóa nhưng vẫn là bữa ăn dành cho người Nhật với hàm lượng dinh dưỡng được cân bằng. Dựa trên nguyên tắc đó, chúng tôi đã sử dụng sữa bò với vai trò trung tâm trong bữa ăn học đường”, ông Nakamura Teiji nhấn mạnh.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều người. (Ảnh: YN) |
Các cuộc điều tra dân số, khảo sát về tình trạng sức khỏe nhân dân cho thấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như cải thiện chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, tuổi thọ được nâng lên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các nguy cơ mới về sức khỏe đến từ các thói quen ăn uống đã dẫn tới bùng phát các bệnh mãn tính không lây.
Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực.
Các hoạt động trong khuôn khổ Đề án như: Nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các dự án, sản phẩm về dinh dưỡng. Tư vấn xây dựng, cải thiện khẩu phần ăn, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn dinh dưỡng. Tham gia công tác truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức xã hội, người dân về dinh dưỡng. Tư vấn, góp ý về chính sách, quy định liên quan đến dinh dưỡng. Đồng hành, tham gia cùng các Bộ, ban, ngành trong các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030. |
Trước thực trạng đó, ông Phan Xuân Dũng cho hay, vấn đề dinh dưỡng và thực phẩm luôn được Đảng, Chính phủ Việt Nam quan tâm và đã đưa ra rất nhiều chính sách để cải thiện dinh dưỡng.
“Đã đến lúc người Việt của chúng ta cần ăn sạch, ăn tốt, ăn khoa học. Tôi thực sự đánh giá cao những thương hiệu, công ty dùng công nghệ cao, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn, mang lại giá trị và lòng tin cho người tiêu dùng. Qua đó để người Việt sẽ cải thiện được chiều cao, tầm vóc như nước Nhật đã thành công”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đề án Dinh dưỡng người Việt bao gồm 6 tiểu đề án: - Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ. - Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho trẻ lứa tuổi học đường. - Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho người lao động, đặc biệt là nữ công nhân. - Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện khẩu phần ăn và tình trạng dinh dưỡng cho người cao tuổi. - Nghiên cứu vai trò dinh dưỡng trong phòng chống béo phì, tiểu đường, loãng xương và đề xuất các giải pháp cải thiện dinh dưỡng cho những người mắc các bệnh không lây nhiễm. - Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện khẩu phần ăn và tình trạng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao. |