📞

Công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ở Malaysia: mô hình tham khảo cho Việt Nam

Từ Anh Tuấn-Trần Trà My 12:03 | 02/07/2024
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, thúc đẩy các quốc gia tập trung phát triển những ngành công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã có bước tiến ấn tượng, vươn lên đứng thứ hai sau Singapore và bỏ xa các nước ASEAN còn lại.
Malaysia đang trở thành một điểm sáng của châu Á trong cuộc đua công nghệ. (Nguồn: instagram)

Nhờ những bước đi chiến lược từ sớm, Malaysia đang trở thành một điểm sáng của châu Á trong cuộc đua công nghệ. Trong số các nước Đông Nam Á thì Malaysia là hình mẫu thành công, đi trước có nhiều điểm đáng để Việt Nam học hỏi, tham khảo trong quá trình phát triển các ngành công nghệ cao, nhất là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đi trước nhưng tương đồng

Malaysia và Việt Nam, mặc dù ở những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng đáng chú ý về cơ cấu nền kinh tế. Trước hết, ở cả hai quốc gia, khu vực dịch vụ đang đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào GDP, thường chiếm khoảng 40-50%. Điều này phản ánh xu hướng chung của các nền kinh tế đang chuyển dịch từ các hoạt động sản xuất sang các hoạt động thương mại, tài chính và du lịch.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp cũng có một vị trí quan trọng tương đương trong cơ cấu kinh tế của cả Malaysia và Việt Nam, với tỷ trọng dao động quanh mức 30-40%. Đáng chú ý, các ngành chế tạo và gia công đang là động lực tăng trưởng chính của khu vực này ở cả hai quốc gia, chủ yếu nhờ sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp lại có xu hướng giảm dần tỷ trọng và hiện chỉ chiếm khoảng 10% GDP của cả Malaysia và Việt Nam.

Các ngành chế tạo và gia công là động lực chính trong nền công nghiệp của hai nước. Ngoài cơ cấu ngành tương đồng, mô hình tăng trưởng kinh tế của hai nước cũng có nhiều nét tương đồng trong tiến trình phát triển. Ở giai đoạn đầu, cả Malaysia và Việt Nam đều phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, sau đó, hai nước đã dần chuyển đổi sang một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, dựa trên các ngành công nghiệp nhẹ, lắp ráp và chế tạo, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò then chốt. Bước sang giai đoạn hiện tại, cả Malaysia và Việt Nam đều đang nỗ lực phát triển một nền kinh tế dịch vụ, tri thức với việc ứng dụng ngày càng nhiều các thành tựu của khoa học - công nghệ.

Malaysia và Việt Nam đều là những nước có độ mở thị trường lớn, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, do đó xuất khẩu và thu hút FDI chính là hai mũi nhọn quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia trong suốt thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu của Malaysia và Việt Nam thường chiếm tỷ trọng rất cao, trên 50% so với GDP. Đây là một đặc điểm khá điển hình của các nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Trong khi đó, vốn FDI cũng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của cả hai nước, nhất là trong các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Một yếu tố giúp Malaysia và Việt Nam duy trì được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu và thu hút FDI chính là nguồn lao động dồi dào, chi phí rẻ. Đây là một lợi thế đặc biệt quan trọng đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày hay lắp ráp linh kiện điện tử. Ngoài ra, cả hai quốc gia đều có vị trí địa lý thuận lợi, sở hữu nhiều cảng nước sâu và hệ thống hạ tầng logistics phát triển tốt. Những yếu tố này đã tạo tiền đề vững chắc cho sự bứt phá về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của cả Malaysia và Việt Nam trong thời gian qua.

Tóm lại, mặc dù ở hai giai đoạn phát triển khác nhau, Malaysia và Việt Nam vẫn sở hữu nhiều điểm tương đồng đáng kể về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và thế mạnh cạnh tranh. Những đặc điểm chung này đã tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước, đồng thời giúp Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm quý báu của Malaysia trong quá trình phát triển và hội nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, chip bán dẫn và hệ sinh thái tại Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên 2024, Thụy Sỹ, ngày 16/1/2024.

Hành trình Malaysia và bài học tham khảo

Hành trình Malaysia trở thành một cường quốc về công nghệ bán dẫn và AI đã trải qua nhiều giai đoạn với sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ cùng sự chung tay của nhiều chủ thể. Trong quá trình này, Malaysia đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện, từ hoạch định chiến lược tầm nhìn dài hạn, xây dựng hệ sinh thái thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài, tới phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Malaysia đã triển khai rất sớm các giải pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều gói ưu đãi hấp dẫn về thuế, đất đai, hạ tầng và nhân lực đã được chính phủ nước này đưa ra để lôi kéo các "ông lớn" công nghệ. Một trong những dự án tiêu biểu nhất là khu công nghệ cao (CNC) Kulim Hi-Tech Park được thành lập từ năm 1996 tại bang Kedah, miền Bắc Malaysia.

Chính phủ Malaysia đã dành những ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để biến Kulim thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Đơn cử, Intel - tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 1,3 tỷ USD tại Kulim Hi-Tech Park ngay từ năm 1996. Đây được coi là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong nỗ lực trở thành một trung tâm sản xuất chip của Malaysia.

Tiếp sau đó, hàng loạt các công ty công nghệ lớn khác như AMD, Fairchild, Infineon, Fuji Electric, Renesas... lần lượt đặt nhà máy tại Malaysia vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Năm 2005, AMD khai trương một nhà máy sản xuất chip trị giá 1,7 tỷ USD tại Kulim. Trong khi đó, Infineon cũng liên tục mở rộng đầu tư tại Malaysia với tổng vốn lên tới 2 tỷ USD tính đến năm 2008. Sự có mặt của các "ông lớn" này đã góp phần hình thành nên một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và một cụm liên kết ngành mạnh mẽ cho công nghiệp bán dẫn Malaysia.

Nhờ những nỗ lực kể trên, ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia đã có những bước phát triển ngoạn mục trong những năm 1990 và 2000. Tới nay, ngành công nghiệp này đóng góp khoảng 25 % GDP và hơn 40% % tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia, giúp quốc gia này thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, tạo ra giá trị gia tăng lớn và hàng trăm nghìn việc làm có chất lượng cao cho người lao động.

Trong lĩnh vực AI, Malaysia cũng đã có những bước đi mạnh mẽ. Năm 2020, Malaysia thành lập Ủy ban Quốc gia về Chuỗi khối và Trí tuệ Nhân tạo (NBAIC) và đưa ra Lộ trình Quốc gia về Phát triển AI nhằm thúc đẩy đầu tư và ứng dụng các giải pháp AI vào thực tiễn. NBAIC được đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Công nghệ 4IR Quốc gia (National 4IR Council) do Thủ tướng Malaysia làm Chủ tịch. Lộ trình xác định 4 lĩnh vực ưu tiên phát triển AI gồm y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính và giao thông vận tải.

Đồng thời, Lộ trình cũng đề ra 19 chiến lược và 62 sáng kiến cụ thể nhằm xây dựng nền tảng và năng lực quốc gia về AI, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực công và tư, thu hút đầu tư và phát triển nhân tài trong lĩnh vực này. Năm 2022, Malaysia thông qua 5 Lộ trình Công nghệ quốc gia, bao gồm phát triển công nghệ trong các lĩnh vực điện và điện tử, công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ vật liệu tiên tiến, và robot trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, lộ trình AI Quốc gia đặt ra tầm nhìn đưa Malaysia trở thành một trung tâm đổi mới và ứng dụng AI hàng đầu trong khu vực ASEAN vào năm 2030.

Khu công nghệ cao Kulim Hi-Tech Park của Malaysia.

Malaysia thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa chính phủ, giới học thuật, ngành công nghiệp và xã hội để xây dựng hệ sinh thái toàn diện trong lĩnh vực AI. Nhiều trung tâm nghiên cứu AI đã được thành lập tại các trường đại học hàng đầu của Malaysia. Bên cạnh đó, chính phủ cũng dành những hỗ trợ về vốn và xây dựng khung pháp lý thuận lợi để các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ dễ dàng nghiên cứu và thương mại hóa các ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau. Malaysia cũng có lộ trình để trở thành top 20 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới.

Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược đón đầu công nghệ của Malaysia chính là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nước này đã rất chú trọng phát triển hệ thống giáo dục đại học và dạy nghề để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành công nghệ cao như bán dẫn và AI. Không chỉ vậy, chính phủ Malaysia còn triển khai nhiều chương trình nhằm thu hút các chuyên gia, kỹ sư giỏi từ nước ngoài về làm việc, bổ sung vào nguồn nhân lực trong nước.

Thực tế, giữa Việt Nam và Malaysia có nhiều điểm tương đồng về điều kiện và cơ cấu kinh tế. Vì vậy, các giải pháp mà Malaysia đã triển khai hoàn toàn có thể được Việt Nam tham khảo một cách linh hoạt và phù hợp với bối cảnh đất nước.

Việt Nam đã có những định hướng lớn về phát triển công nghệ 4.0, nhưng đến nay cần phải cụ thể hóa chiến lược về các lĩnh vực công nghệ quan trọng như bán dẫn, điện toán đám mây, big data, IoT,... Đồng thời, việc tạo cơ chế ưu đãi, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài về lĩnh vực bán dẫn, AI cũng nên trở thành một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước.

Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy tầm quan trọng của việc hình thành các cụm công nghiệp công nghệ cao để xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho các doanh nghiệp cùng phát triển, từ sản xuất tới nghiên cứu và phát triển. Việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển các ứng dụng AI cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up công nghệ Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị cao hơn. Tuy đi sau, nhưng ta hoàn toàn có thể đi tắt, đón đầu bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại.

Bài học của Malaysia cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu của các ngành công nghệ tiên tiến. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, dạy nghề kỹ thuật cần phải đi đôi với việc đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài với các chủ trương chính sách xứng đáng, có thể cả những cơ chế thí điểm đặc thù về mức lương, chế độ đãi ngộ, những phương án xã hội hóa để thu hút chuyên gia, nhân tài công nghệ về đóng góp cho đất nước.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc). (Nguồn: Dân trí)

Tiềm năng hợp tác nhiều cấp độ

Trước hết, cần xác định Malaysia là một đối tác đã phát triển đi trước nhưng không ở khoảng cách quá xa và có những điểm tương đồng để tham khảo. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao giữa các cơ quan của Việt Nam với các cơ quan chức năng của Malaysia. Thông qua các chuyến thăm và trao đổi này, hai bên có thể thảo luận về chính sách, pháp luật và cơ chế thúc đẩy hợp tác song phương, tạo điều kiện để ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ cụ thể về chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ địa phương, các tỉnh thành của Việt Nam nên chủ động tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư từ một số bang của Malaysia nổi trội về lĩnh vực công nghệ cao. Có thể kể đến một số địa phương điển hình như bang Penang, "Thung lũng Silicon của Đông Nam Á", có thể là mô hình tham khảo quý giá cho các địa phương Việt Nam trong việc hình thành các cụm công nghiệp bán dẫn, thu hút đầu tư và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Bang Selangor với thành phố thông minh Cyberjaya tập trung nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu là ví dụ điển hình về cách xây dựng hạ tầng và hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bang Johor với khu công nghệ cao Iskandar Puteri theo mô hình gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Bang Kedah nơi tập trung nhiều khu công nghiệp công nghệ cao như Kulim Hi-Tech, thu hút các tập đoàn đa quốc gia lớn như Intel, Bosch, và Panasonic đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất bán dẫn, điện tử, và thiết bị y tế…

Về phía doanh nghiệp, các nhà đầu tư Việt Nam cần tận dụng cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Malaysia, ví dụ như: Silterra Malaysia, công ty sản xuất chip bán dẫn analog, mixed-signal và logic; Inari Amertron, nhà cung cấp dịch vụ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm toàn diện cho sản phẩm RF, quang học, cảm biến; Unisem (M) Berhad, chuyên gia về dịch vụ gia công và đóng gói bán dẫn tiên tiến; Vitrox Corporation, doanh nghiệp nổi tiếng với các giải pháp tự động hóa, kiểm tra quang học và AI cho ngành bán dẫn; hay Oppstar Technology, công ty khởi nghiệp cung cấp các ứng dụng AI vào tối ưu hóa sản xuất và phân tích dữ liệu công nghiệp.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động nêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện ta tại Malaysia và các cơ quan liên quan trong nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp…. Đồng thời, cần tranh thủ sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia người Việt tại Malaysia để có thể tận dụng hiệu quả tiềm năng hợp tác to lớn với Malaysia trong các lĩnh vực này.