📞

Công nghệ cao – giải pháp cho biến đổi khí hậu

08:43 | 14/10/2017
Đây chính là nhấn mạnh của các chuyên gia tại cuộc hội thảo vừa được Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và  tổ chức Action Aid Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra trong một ngày (13/10) đã thảo luận về các vấn đề nổi bật như: những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến nông nghiệp Việt Nam; thực trạng, thuận lợi và thách thức của ngành nông nghiệp trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH....

Qua đây, các đại biểu cùng đề xuất chiến lược và kế hoạch phát triển, các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, trong đó đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp....

Thách thức của biến đổi khí hậu

Tại Hội thảo, GS.VS. Trần Đình Long – Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho biết, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hậu quả của BĐKH, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt quan trọng là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Long, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay phát triển còn kém bền vững, năng lực thích ứng, đối phó với BĐKH còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt cho phát triển sản xuất. Trong tình hình đó, Việt Nam cần có những bước phát triển phù hợp. Cụ thể, tùy từng thời điểm, cần có mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm…, vấn đề quan trọng là xác định rõ vai trò của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và những tổ chức dân sự. Ông cũng nhấn mạnh, trước tình hình này, vai trò và sự tham gia của các tổ chức nhân dân và tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, trong việc phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: H.T)

Tại Hội thảo, TS. Trần Đại Nghĩa - Trưởng Bộ môn nghiên cứu Kinh tế tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp.

Theo thông tin ông Trần Đại Nghĩa cung cấp, tính riêng năm 2016, do tác động cộng hưởng của El Nino với tác động của BĐKH gây ra những thảm họa thiên nhiên như: bão, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng bất thường, mưa bất thường, xâm nhập mặn, sạt lở… đã khiến cho nông nghiệp Việt Nam thiệt hại nặng nề.

Tổng thiệt hại ước tính đến hết 30/12/2016 là 39 nghìn tỷ đồng Việt Nam (tương ứng khoảng 1,7 tỷ USD), trong đó sản lượng lúa bị thiệt hại ước tính tương đương khoảng 800.000 tấn đe dọa an ninh lương thực của 1,1 triệu người sống trong vùng bị ảnh hưởng. 18 địa phương trên cả nước đã thông báo tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Giải pháp tối ưu

Tại Việt Nam, nghiên cứu phát triển công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp đã được chú trọng và đạt được những kết quả ban đầu. Một số công nghệ tiên tiến được phát triển phục vụ sản xuất như: công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ che phủ nilon cho một số cây trồng, công nghệ thuỷ canh sản xuất rau trong nhà lưới, công nghệ nuôi gà, heo lạnh, công nghệ di truyền tạo cá rô phi đơn tính, công nghệ nuôi siêu thâm canh cá tra, công nghệ chiếu xạ bảo quản thanh long,…

Khẳng định việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp sẽ góp phần tích cực thích ứng với BĐKH, GS. TS Nguyễn Văn Tuất, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa ra một số ví dụ như nhờ áp dụng CNC, Israel đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị trên 7 tỷ USD/năm ở vùng đất sa mạc hóa. Bằng giải pháp trồng cây trong nhà kính và tự động hóa, Israel đã nâng năng suất cà chua lên 400/tấn/ha/năm.

Mô hình trồng rau sạch thủy canh công nghệ cao Đà Lạt. (Nguồn: Người Lao động)

Ông Nguyễn Văn Tuất cũng nhấn mạnh, ứng dụng và phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam còn gặp phải những hạn chế, trong đó đặc biệt chưa có quan điểm và tiêu chí thống nhất về CNC trong nông nghiệp. So với các nước tiên tiến khu vực châu Á và thế giới thì trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp và chưa có hệ thống. Một số CNC nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực này.

Vì vậy, các đại biểu đều thống nhất, cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng CNC sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản;  nghiên cứu cải tiến các CNC nhập nội để thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam. Đặc biệt, việc lựa chọn nhập một số công nghệ cao từ nước ngoài thuộc Danh mục CNC trong nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển mà trong nước chưa có là điều rất cần thiết.

Tăng cường chính sách ưu đãi

Các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp CNC ở các địa phương để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng. Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Việt Nam đang thiếu những chính sách cụ thể về BĐKH, mà tập trung vào việc ngăn ngừa và giảm thảm họa hơn là các biện pháp thích ứng bền vững. Ông cũng đánh giá, khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với BĐKH.

Tại đây, một số mô hình phát triển nông nghiệp bền vững đã được ứng dụng thành công cũng được giới thiệu như: nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình nông nghiệp khép kín không rác thải quy mô hộ gia đình, hệ thống canh lúa cải tiến (SRI), đã chứng minh được hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ông Nguyễn Văn Huynh – Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cũng cho biết, thành lập từ năm 2003, trong 15 năm qua, một nội dung quan trọng luông được Quỹ quan tâm đó là sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Được sự ủng hộ và tham gia của các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam và quốc tế, Quỹ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Tam nông, về sản phẩm nông nghiệp biến đổi gene và về xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại độc lập tự chủ...