📞

Công nghệ VAR, 'mắt diều hâu' có cản trở chiến thắng của Tuyển Việt Nam trước Australia trên sân Mỹ Đình?

Trung Hiếu 12:26 | 06/09/2021
Sáng 6/9, các chuyên gia của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã lắp đặt công nghệ mắt diều hâu tại sân Mỹ Đình cho trận tuyển Việt Nam gặp Australia, sau khi đã hoàn thiện hệ thống VAR.
Các cầu thủ đội tuyển Việt Nam đang nỗ lực tập luyện cho trận gặp tuyển Australia. (Nguồn: TTXVN)

Cả 2 công nghệ sẽ được lắp đặt hoàn thiện trong hôm nay, 6/9.

Vòng loại World Cup thứ 3 khu vực châu Á được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và AFC đặt ra những quy chuẩn khắt khe về kỹ thuật.

Trong đó có việc các trận đấu bắt buộc phải dùng VAR và công nghệ đường biên ngang Goal-line (còn gọi là công nghệ mắt diều hâu) trong mỗi trận đấu. Trận tuyển Việt Nam gặp đội Australia, cũng như 4 trận đấu khác của Việt Nam tại sân nhà Mỹ Đình không phải ngoại lệ.

Đối tác của AFC đã vận chuyển đầy đủ các thiết bị VAR và Goal-line đến Việt Nam. Ngày 4/9, các chuyên gia của AFC đã lần lượt lắp đặt các hệ thống kỹ thuật nói trên tại sân Mỹ Đình.

Đến ngày 5/9, công nghệ VAR đã được lắp đặt hoàn chỉnh và ngày 6/9, các trọng tài do AFC chỉ định sẽ có buổi test thử.

Trong ngày 6/9, các chuyên gia của AFC sẽ hoàn thiện việc lắp đặt Goal-line để kịp phục vụ trận đấu giữa tuyển Việt Nam và đội Australia vào ngày 7/9. AFC cũng yêu cầu sân Mỹ Đình phải có máy phát điện riêng cho hệ thống này để VAR và Goal-line không gặp bất kỳ trục trặc nào trong trận đấu.

Công nghệ mắt diều hâu là gì?

Công nghệ Goal-line mắt diều hâu không đơn thuần là một loại máy, mà là nhiều loại thiết bị có mục đích nhận diện và phân tích dữ liệu đường đi, vị trí của bóng so với vạch vôi ở khung thành được tính để làm bàn thắng.

Goal-line sử dụng 14 camera tân tiến lắp xung quanh khắp sân ở các vị trí khác nhau, hướng đều về 2 mặt khung thành của 2 đội với 7 chiếc/bên.

Việc sử dụng công nghệ hỗ trợ để xác định xem liệu một bàn thắng đã được ghi hay chưa được FIFA áp dụng ở những giải đấu lớn trong những năm gần đây.

Đây là một phương pháp để xác định bóng hoàn toàn vượt qua vạch vôi, bên trong vùng giữa cột dọc và xà ngang khung thành với sự trợ giúp của các thiết bị điện tử.

Đồng thời trợ giúp trọng tài trong việc công nhận bàn thắng, công nghệ Goal-line không thể quyết định thay các trọng tài, nhưng sẽ trợ giúp họ trong việc ra quyết định.

(theo Sputnik)