Định hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô luôn là vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. (Ảnh minh họa) |
Lấn cấn về thuế
Tại buổi tọa đàm “Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, câu chuyện giảm thuế và giảm như thế nào vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của phần lớn các doanh nghiệp.
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô đã khá rõ ràng, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính và các bộ ngành tổ chức tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển thị trường ô tô. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay có nhiều lỗ hổng. Theo ông Dương, cơ sở để tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn là giá nhập về mà không bao gồm chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo… Trong khi đó, cơ sở để tính thuế đối với xe lắp ráp trong nước là tại mức giá bán ra cho đại lý, đã bao gồm rất nhiều loại thuế phí, các chi phí bán hàng, dịch vụ sau bán hàng… và cả lợi nhuận nhà sản xuất. Để công bằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nên được tính trên giá bán buôn của doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam nhận định, để thị trường ô tô phát triển cần duy trì chính sách thuế ổn định, bởi thuế và chi phí sản xuất ảnh hưởng nhiều đến sản lượng mỗi dòng xe. Nhắc lại thời kỳ bùng nổ ô tô gần chục năm trước, đại diện Toyota cho rằng nếu tới đây, Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách thuế phí thì thị trường sẽ phát triển ổn định như mong đợi.
Trước những vướng mắc của đại diện nhiều doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới, ngoài chính sách thuế sẽ đồng bộ các chính sách và giải pháp khác, trong đó có các cơ chế ưu đãi được quy định trong các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô theo Quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hay các cơ chế vay tín dụng ưu đãi phục vụ cho đầu tư, xuất khẩu. Bản thân các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, các sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng các chính sách ưu đãi.
Ban hành chính sách... “để chơi”
Định hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô cũng luôn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo chiến lược phát triển ngành được Thủ tướng ký phê duyệt tháng 7/2014, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất 466.400 xe trong nước, gấp hơn 3,5 lần năng suất đạt được năm 2014 và sẽ đạt ngưỡng 1,5 triệu chiếc sau 20 năm tới. Tuy nhiên, mục tiêu này được dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại trước những thách thức từ ATIGA khi thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018. Sau 20 năm được bảo hộ, ngành ô tô sẽ chỉ còn khoảng ba năm chuẩn bị để đương đầu với các nhà sản xuất xe lớn trong khu vực.
Ông Dương bộc bạch, doanh nghiệp của ông nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung đều cảm thấy lo lắng, chiến lược đã phê duyệt từ tháng 7/2014 nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng cụ thể.
Là cơ quan được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo dự thảo các chính sách để thực hiện chiến lược nhưng câu trả lời của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tại Tọa đàm lại khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ: “Không phải Bộ thiếu năng động nhưng đã có nhiều bài học kinh nghiệm trước với ngành ôtô nên Bộ rất thận trọng. Dự thảo cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch đã được nghiên cứu bước đầu, lấy ý kiến các bộ ngành lần thứ nhất nhưng do e ngại nên chưa ban hành”, ông Tuấn Anh cho biết.
Dù vậy, các doanh nghiệp lại không thể chờ sự thận trọng đó. Để chứng minh, ông Hồ Mạnh Tuấn phân tích, một doanh nghiệp đầu tư ô tô muốn có lợi nhuận thì cần khoảng năm đến mười năm. Nếu chính sách ra chậm thì doanh nghiệp đã “chết” rồi, sao chờ được để hưởng lợi từ chính sách.
Còn ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) chia sẻ, vào tháng 2/2015, một số cán bộ của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cùng một số thành viên Hiệp hội cơ khí Việt Nam đã đến doanh nghiệp của ông để tham khảo một số chính sách thuế đối với xe tải nặng.
Nhưng trên thực tế, chính sách thuế đối với dòng xe này đã có quyết định sửa đổi từ tháng 11/2014 và có hiệu lực từ đầu năm 2015. “Không lẽ ban hành chính sách để chơi sao?”, ông Huyên đặt câu hỏi.
Gia Huy