Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, quảng bá và thúc đẩy sự đa dạng của văn hóa, đồng thời mang lại những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia.
Tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa được hiểu là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ, cùng kỹ năng kinh doanh, sử dụng dụng năng lực sáng tạo nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân.
Hiện nay, trong xu thế hội nhập, công nghiệp văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, quảng bá, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Nhóm nhạc Blackpink của Hàn Quốc biểu diễn tại Việt Nam. (Nguồn: Blackpink) |
Theo báo cáo của Liên hợp quốc về kinh tế sáng tạo, năm 2023, tổng tỷ trọng các ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 2,9% GDP toàn cầu.
Cụ thể, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy các ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm cả công nghiệp văn hóa ở đây chiếm khoảng 5,9% GDP; Liên bang Công nghiệp Sáng tạo Đức cho biết các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Đức chiếm khoảng 5,5% GDP.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo nước này chiếm khoảng 4,5% GDP, trong khi đó, số liệu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng cho thấy ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 4,5% GDP.
Tại Hoa Kỳ, các ngành công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn... chiếm khoảng 4,3% GDP (theo nghiên cứu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ).
Để có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, các quốc gia như Anh, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…đã có sự đầu tư mạnh mẽ về nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao với nguồn nhân lực sáng tạo và chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ tại các quốc gia này đã ban hành các chính sách pháp luật phù hợp với những chương trình hỗ trợ tích cực như cung cấp nguồn tài chính, ưu đãi thuế và các cơ chế khác.
Bên cạnh đó, những quốc gia này cũng đầu tư tập trung vào một số cụm công nghiệp văn hóa nổi bật, sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa đặc trưng của quốc gia, thu hút nguồn lực đầu tư và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa.
Tại Việt Nam, quan điểm về phát triển công nghiệp văn hoá được hình thành từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI tháng 12/1986 và tiếp tục được nhắc đến trong các văn kiện, các nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng.
Tại Đại hội XIII của Đảng, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam được khẳng định là một trong những nội dung quan trọng để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Bài học cho Việt Nam
Có thể thấy, sau gần 40 năm đổi mới với những chính sách phát triển văn hóa, lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đang dần được mở rộng và đa dạng với các ngành chính như: xuất bản, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, du lịch, quảng cáo, game, phần mềm, thiết kế, thủ công mỹ nghệ…
UNESCO, Hội đồng Anh, Viện Goethe, các Đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển…cũng đã có nhiều tư vấn giúp Việt Nam nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa trong đời sống xã hội.
Việt Nam là quốc gia sở hữu nền di sản văn hóa phong phú và đa dạng, từ các di tích lịch sử, nghệ thuật truyền thống đến những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, vai trò, tiềm năng to lớn của công nghiệp văn hóa vẫn chưa được đánh giá đúng mức, do đó chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành còn chưa đầy đủ và hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chia sẻ: "Việt Nam có nhiều chất liệu nhưng vẫn chưa có các sản phẩm văn hóa đẳng cấp quốc tế do chưa có sự đầu tư tương xứng.
Chúng ta đã học được kinh nghiệm của tất cả quốc gia trong 5 quốc gia đứng đầu về sức mạnh mềm là cần lựa chọn và chuyển hóa các nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Còn trong thời điểm này, nếu đặt ưu tiên lựa chọn học hỏi một mô hình thì Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc".
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, trước khi tạo thành làn sóng văn hóa Hàn Quốc, quốc gia này vừa trải qua khủng hoảng kinh tế và họ lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp nội dung (công nghiệp văn hóa), có trọng điểm như KPop, phim truyền hình, game và phát huy tối đa nền tảng công nghệ rất tốt của họ.
Sau khi Kpop đã trở thành thương hiệu của Hàn Quốc, quốc gia này tiếp tục tận dụng lợi thế của làn sóng Hàn Quốc mở rộng ra thế giới, nhưng chú trọng hơn đến các sản phẩm tương tác trên môi trường số như webtool, manhwa, truyện tranh nhân vật.
Bởi vậy, Việt Nam cần tham khảo cách mà người Hàn Quốc đã tính toán trong giai đoạn đầu tiên để cân nhắc việc lựa chọn nguồn lực mềm văn hóa nào là cần thiết và tập trung vào việc giải bài toán chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa.
Có thể nói, ở nước ta còn khá nhiều rào cản cho việc phát triển công nghiệp văn hóa, vấn đề năng lực sản xuất và phân phối của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng còn hạn chế.
Nhiều đơn vị nhỏ lẻ, thiếu vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, khiến việc sản xuất và tiếp thị sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống phân phối, tiếp thị và quảng bá sản phẩm văn hóa cũng chưa được phát triển mạnh; Thị trường tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn chưa được khai thác triệt để.
Nhu cầu và sức mua của người dân đối với các sản phẩm này chưa cao, trong khi cạnh tranh với sản phẩm văn hóa nước ngoài vẫn còn nhiều thách thức.
Vấn đề cốt lõi là đầu tư cho phát triển văn hóa, bao gồm cả công nghiệp văn hóa, vẫn còn ở mức thấp. Ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này chưa đủ lớn, trong khi việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành gặp nhiều khó khăn do rào cản cơ chế chính sách.
Bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và giàu tính đặc trưng, song các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện vẫn còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng, cách thể hiện vẫn còn hạn chế, không làm nổi bật bản sắc văn hóa.
Do đó, các sản phẩm của ngành công nghiệp này chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Bởi vậy, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra rất nhanh, khiến các nền văn hóa yếu thế dễ rơi vào tình trạng không kịp thích nghi và bảo vệ bản sắc của mình.
Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng để quản lý và kiểm soát việc kinh doanh các sản phẩm văn hóa, thiếu văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa.
Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng sản phẩm văn hóa kém chất lượng, vi phạm bản quyền. Ngoài ra, không ít đơn vị kinh doanh sản phẩm công nghiệp văn hóa vì lợi ích kinh tế mà tạo nên những tác phẩm tầm thường về hình thức, thậm chí có nội dung xấu độc, sai lệch, ảnh hưởng tới các giá trị truyền thống, làm sai lệch nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Khán giả tham dự Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa tại Hà Nội. (Nguồn: BTC) |
Nhà triết học Đức Theodor W. Adorno (1903-1969) - người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” vào năm 1944, đã cảnh báo về mặt trái nếu chạy theo lợi ích thuần túy.
Ông cho rằng, công nghiệp văn hóa là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, các tác phẩm văn hóa bác học sẽ bị biến thành văn hóa đại chúng; qua đó rất dễ thủ tiêu sức sáng tạo con người, chỉ còn lại là sự rập khuôn, đáp ứng thị hiếu giải trí tầm thường.
Không thể phủ nhận rằng các ngành công nghiệp văn hóa chính là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế, giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa; đồng thời là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế.
Vấn đề phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta, nhưng vẫn còn nhiều những thách thức và hạn chế cần phải giải quyết.
Trước mắt, cần xây dựng được khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hài hòa giữa chính sách văn hóa với các chính sách khác như giáo dục, kinh tế, xã hội để từ đó tạo lập môi trường kinh doanh và thương mại lành mạnh cho công nghiệp văn hóa phát triển.
Quan trọng hơn cả là trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, cần đặc biệt lưu ý đến việc không gây mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và việc thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại.