TIN LIÊN QUAN | |
Australia giúp Việt Nam đào tạo lãnh đạo quản lý tương lai | |
Thương mại hóa nghiên cứu khoa học trong trường đại học |
Theo thông tin được các diễn giả cung cấp tại Hội thảo, một số nước có nền giáo dục phát triển trong khu vực chưa phê chuẩn Công ước Tokyo 2011. Ông lý giải thế nào về điều này?
TS. Libing Wang: Vì một số lý do mà một số nước có nền giáo dục phát triển trong khu vực chưa phê chuẩn, chẳng hạn như Sigapore. Tôi nghĩ Singapore chưa phê chuẩn bởi họ có sự hợp chặt chẽ hơn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hơn là với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), nên họ chưa tham gia. Còn một số nước trong thu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc thì sắp phê chuẩn.
Chúng tôi thuyết phục Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc phê chuẩn Công ước này vì nó liên quan đến các sinh viên quốc tế. Riêng Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số và các trường đại học hiện không đủ sinh viên nhập học. Chính vì vậy, họ cần bổ sung bằng nguồn sinh viên quốc tế mà việc phê chuẩn Công ước Tokyo 2011 sẽ là lời giải cho bài toán này.
TS. Libing Wang tại Hội thảo. (Ảnh: Trịnh Anh Huy) |
Vì sao các nước đang phát triển nên tham gia Công ước này, thưa ông?
Chẳng hạn, Nhật Bản có nền giáo dục rất phát triển nên có thể nói là họ đã có “thương hiệu”. Các nước khác nhìn thấy văn bằng do Nhật Bản cấp thì tin tưởng và công nhận luôn. Nhưng các nước có nền giáo dục phát triển lo lắng chưa phê chuẩn bởi khi phê chuẩn rồi, họ phải công nhận văn bằng của các nước kém phát triển hơn. Trong khi đó, văn bằng của các nước phát triển được các nước kém phát triển hơn công nhận rồi. Mà khi tham gia Công ước với nhau thì văn bằng có giá trị ngang nhau.
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy nếu nước nào tham gia Công ước này đều có lợi bởi sự lưu chuyển của sinh viên sẽ mạnh hơn giữa các nước trong Công ước.
Thách thức của Việt Nam khi tham gia Công ước này là gì, thưa ông?
Tham gia Công ước này rất thuận lợi cho các nước đang phát triển bởi họ sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn khi văn bằng của họ có giá trị ngang với các nước phát triển. Ở trường hợp của Việt Nam, nếu khung trình độ quốc gia của các bạn được công nhận bởi các nước phát triển hơn thì đó là điều tuyệt vời. Sự lưu chuyển sinh viên hai chiều tốt hơn, như sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản cũng như sinh viên Nhật Bản sang Việt Nam. Đó cũng chính là mục đích của Công ước này. Nó sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có khả năng ký kết các hiệp định song phương với các nước phát triển hơn về giáo dục.
Nếu tham gia Công ước, tôi nghĩ trước mắt các bạn có nhiều thách thức, nhưng chủ yếu là thách thức về mặt kỹ thuật. Để được công nhận văn bằng đòi hỏi rất nhiều về năng lực chuyên môn, chuẩn đầu ra… Làm thế nào để thực hiện được khung trình độ quốc gia của Việt Nam và làm thế nào khung trình độ quốc gia của Việt Nam tương thích với khung tham chiếu về trình độ của khu vực. Đó chính là thách thức của các bạn.
TS. Libing Wang chụp ảnh lưu niệm với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. (Ảnh: Trịnh Anh Huy) |
Ông đánh giá thế nào về văn bằng của Việt Nam?
Mặc dù là chuyên gia trong giáo dục đại học nhưng tôi không biết nhiều về hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Tôi có cảm giác nền giáo dục của các bạn khá giống mô hình Trung Quốc hay của Liên Xô (cũ). Mỗi tỉnh, mỗi địa phương có một trường y, một trường sư phạm hay một trường kỹ thuật…
Tôi biết Việt Nam đang tiến hành cải cách giáo dục nên điều quan trọng không phải chúng ta theo mô hình đào tạo nào mà là chất lượng đào tạo của chúng ta như thế nào. Theo tôi, Việt Nam có hệ thống giáo dục đại học tương đối vững chắc, nhưng vấn đề là mức độ quốc tế hóa chưa cao. Nếu Việt Nam tham gia vào Công ước này, đây sẽ là cơ hội tốt cho các bạn khi so sánh bằng cấp của mình với các nước khác và quy chiếu được đào tạo của Việt Nam với các nước khác.
Hiện có tình trạng nhiều người Việt tham gia chương trình đạo tạo bậc Đại học và sau Đại học được cấp bằng ở nước ngoài nhưng không đảm bảo chất lượng. Theo ông, chúng tôi phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới trung tâm thông tin quốc gia (gọi tắt là NIC). Ở châu Âu, mạng lưới này hoạt động rất mạnh. Họ chia sẻ thông tin về các trường đã được kiểm định. Những trường nào có trong danh sách kiểm định thì các bạn có thể yên tâm hợp tác, còn những trường không có trong danh sách đó thì đương nhiên là có nguy cơ cao.
Năm nay, chúng tôi cập nhật danh sách các mạng lưới này và hy vọng Việt Nam thiết lập được một trung tâm thông tin quốc gia riêng của mình để có thể chia sẻ với các nước khác. Nếu làm được như vậy sẽ có câu trả lời cho việc làm thế nào để ngăn chặn được bằng giả.
Không phải tham gia và phê chuẩn Công ước rồi để đó, quá trình thực hiện mới thực sự quan trọng. Vậy các nước đã phê chuẩn Công ước này thì họ thực hiện ra sao, thưa ông?
Khi đã phê chuẩn Công ước, nước đó sẽ triển khai nhiều hoạt động. Đầu tiên là xây dựng NIC và đảm bảo nó hoạt động hiệu quả, có các tiêu chí về công nhận văn bằng của nước ngoài cấp. NIC thu phí từ việc công nhận văn bằng đó. Tại Việt Nam, số lượng hồ sơ xin công nhận đang ngày càng lớn, đó là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của NIC.
Tôi nghĩ, Việt Nam hoàn toàn thiết lập được NIC và có thể triển khai tốt như Australia và New Zealand.
Xin cảm ơn ông!
Tại Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 11/2011, các thành viên đã thông qua Công ước sửa đổi, bổ sung cho Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và công nhận văn bằng giáo dục Đại học ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Công ước Tokyo năm 2011). Công ước mong muốn các dân tộc châu Á – Thái Bình Dương có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên văn hóa bằng cách tạo điều kiện cho công dân của mỗi bên, đặc biệt là sinh viên và các giảng viên tiếp cận nguồn tài nguyên giáo dục của mỗi bên theo các quy định trong nước. |
Việt Nam sẽ tham gia công ước quốc tế về công nhận văn bằng Đại học Ngày 28/3, tại Hội thảo quốc gia Công nhận văn bằng giáo dục Đại học đã diễn ra tại Hà Nội, do Tổ chức UNESCO, ... |
“Đêm văn hóa Việt Nam” của sinh viên Đại học Sejong Hàn Quốc Ngày 27/3, tại Seoul, Chi hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Sejong, Hàn Quốc, tổ chức “Đêm văn hóa Việt Nam năm 2017”, ... |
Thủ tướng đề nghị Đại học Havard tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam Tại Trụ sở Chính phủ, chiều 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng trường đại học Havard (Hoa Kỳ) ... |