📞

Công nương Masako sẽ không xuất hiện trong lễ đăng quang của Thái tử Naruhito

Khánh Hà 00:16 | 30/04/2019
Giống công nương Masako, sẽ không có bất kỳ phụ nữ nào trong hoàng gia Nhật Bản được phép có mặt tại lễ đăng quang, ngoại trừ bà Satsuki Katayama, người phụ nữ duy nhất trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe.

Đây là quy định đã tồn tại từ nhiều đời nay ở Nhật Bản. Thậm chí theo đạo luật này, phụ nữ trong hoàng gia sẽ không được kế vị, họ sẽ phải rời bỏ danh vị hoàng gia sau khi kết hôn và con cái của họ cũng sẽ không thể lên ngôi.

Điều đó đồng nghĩa, hiện tại ngoài Thái tử sắp kế vị Naruhito, những người có cơ hội trở thành Nhà vua Nhật Bản trong tương lai đến thời điểm này chỉ còn Hoàng tử Hitachi (83 tuổi, chú của Naruhito), Hoàng tử Akishino (53 tuổi, em trai của Naruhito) và Hoàng tử Hisahito (12 tuổi, con trai của Hoàng tử Akishino). Công chúa Aiko (17 tuổi và là con duy nhất đến thời điểm này của Naruhito và Masako) sẽ không được phép ngồi lên ngai vàng.

Năm 2017, Quốc hội Nhật Bản thông qua luật cho phép Nhà vua Akihito thoái vị đã đính kèm một phụ lục khuyến khích Chính phủ nước này nghiên cứu những cải cách có thể cho phép phụ nữ trong hoàng gia có thể tiếp tục ở lại trong gia đình hoàng gia sau khi kết hôn và có được những quyền lợi hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó, do áp lực của phe bảo thủ nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chính thống trong việc truyền ngôi cho nam giới, phần phụ lục đã không thể nhắc tới việc cho phép phụ nữ kế vị ngai vàng.

Cho đến nay, Chính phủ của ông Abe cũng chỉ thành công một phần với việc thúc đẩy tạo cơ hội trao quyền cho phụ nữ trong xã hội và kinh tế Nhật Bản, cũng như có những hứa hẹn sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận về vai trò và quyền lợi của phụ nữ trong gia đình hoàng gia sau khi thái tử Naruhito kế vị.

Theo truyền thống, công chúa Aiko sẽ không thể kế vị ngai vàng.

Ông Hidetsugu Yagi, Giáo sư luật và triết học tại Đại học Reitaku, Kashiwa, Nhật Bản cho biết, việc một phụ nữ hoặc con của một phụ nữ hoàng gia được kế vị sẽ là một thay đổi lớn trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, gia đình hoàng gia sẽ mất đi tính chính thống. Song các nhà sử học cũng nhấn mạnh quan điểm này đang có sự thay đổi theo thời gian.

Kathryn Tanaka, Phó Giáo sư nghiên cứu văn hóa và lịch sử tại Đại học Otemae ở Nishinomiya, Nhật Bản cho biết, ý tưởng kế vị chỉ áp dụng với nam giới ở Nhật Bản là ý tưởng hiện tại, không phải bắt nguồn từ truyền thống. Quy định của Nhật Bản yêu cầu việc truyền ngôi chỉ diễn ra ở nam giới bắt đầu từ thời Minh Trị (Meiji) ở thế kỷ 19. Lịch sử Nhật Bản bắt đầu từ 2.700 năm trước đã ghi nhận trong 125 đời quân vương thì có đến 8 người phụ nữ giữ vị trí hoàng hậu (như Nhà vua) khi không có người đàn ông trưởng thành nào đủ điều kiện ở những thời điểm đó.

Trong khi đó, kết quả điều tra của tờ Asahi Shimbun lớn thứ hai Nhật Bản cho thấy, có đến 75% số người Nhật được hỏi ủng hộ mạnh mẽ việc phụ nữ có thể kế vị ngai vàng. Thực tế trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều ví dụ về việc phụ nữ cầm quyền như Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngồi trên ngai vàng hơn 60 năm và những người kế vị ở Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha đều là phụ nữ còn trẻ.

Trở lại với trường hợp công nương Masako không được phép tham dự nghi lễ đăng quang của chồng, các nhà bình luận đều cho rằng đây là quyết định không phù hợp, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Hoàng hậu tương lai Masako từng là một nhà ngoại giao có nhiều cơ hội thăng tiến nhanh chóng trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản trước khi lấy hoàng tử Naruhito và là một biểu tượng của phụ nữ Nhật Bản hiện đại. Nhiều người từng hy vọng sau khi lấy chồng, cô sẽ giúp nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình hoàng gia. Tuy nhiên, sau khi thành hôn, cô đã phải từ bỏ sự nghiệp và chịu áp lực rất lớn trong việc sinh nam tử để kế vị. Cô gần như không xuất hiện trước công chúng trong vài năm gần đây.

Theo nhiều nhà phân tích, phải mất 3 năm Nhà vua Akihito mới được thoái vị kể từ khi ông cho biết ông muốn nghỉ hưu. Điều đó đồng nghĩa sự thay đổi là có, nhưng sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều. Tuy nhiên, phụ nữ Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ trong hoàng gia tại xứ sở hoa anh đào, hoàn toàn có hy vọng vào một sự thay đổi tích cực trong nhận thức về vai trò cũng như vị trí của họ trong tương lai.

Tổng hợp