Đội cứu nạn, cứu hộ Việt Nam tại hiện trường vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ) |
Công tác bảo hộ công dân muôn hình vạn trạng, nhiều khi phức tạp và không có tiền lệ. Nhiệm vụ này tại Cơ quan đại diện ở Thổ Nhĩ Kỳ có đặc thù gì, thưa Đại sứ?
Xuyên suốt chiều dài 78 năm phát triển, công tác bảo hộ công dân (BHCD) mà ngành Ngoại giao được Đảng và Nhà nước giao phó luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các Cơ quan đại diện.
Hoàn thành nhiệm vụ này luôn đòi hỏi rất cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của tất cả cán bộ, nhân viên. Bởi lẽ, đây thực sự là một nhiệm vụ hết sức phức tạp và khó khăn, luôn có thể xuất hiện những thách thức ngoài tiên liệu, đặc biệt là phải giải quyết nó trong một môi trường xa lạ, các yếu tố khách quan tác động rất lớn đến các giải pháp của Cơ quan đại diện.
Nhưng có lẽ vì thế mà công tác BHCD cũng đem đến cho cán bộ, nhân viên sứ quán niềm vui, tự hào mỗi khi hoàn thành. Công tác BHCD tại Thổ Nhĩ Kỳ có những đặc thù theo kiểu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích hơn gấp đôi Việt Nam (783.562 km2), gồm 81 tỉnh trải rộng trên địa hình đồi núi hết sức phức tạp. Theo con số ước tính của Cơ quan di trú Thổ Nhĩ Kỳ, gần 200 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây.
Trong số đó, một lượng lớn là các cô dâu Việt. Họ sống rải rác, ít có mối liên hệ với nhau (một phần do khoảng cách địa lý xa xôi giữa các tỉnh, phần nữa do văn hóa Hồi giáo, các ông chồng Thổ Nhĩ Kỳ “quản vợ” rất chặt). Tình trạng sống “biệt lập” này khiến đến ngay cả Cơ quan di trú Thổ Nhĩ Kỳ cũng không kiểm soát được tình trạng sinh sống, làm việc của các cô dâu Việt.
Một đặc thù nữa là Đại sứ quán còn phải đảm nhiệm công tác BHCD tại Bắc Cyprus. Vùng lãnh thổ này chưa được ta công nhận về mặt ngoại giao, nhưng được cái may là đi lại từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Bắc Cyprus khá thuận lợi. Tại Bắc Cyprus, có thời điểm hơn 3.000 người Việt sinh sống và làm việc nhưng hầu hết đều sang dưới dạng du lịch. Tình hình cộng đồng người Việt khá phức tạp, thường xuyên có những vụ việc liên quan đến pháp luật, thậm chí đã có một vài án mạng.
Tựu trung, cũng giống như hầu hết địa bàn khác, công tác BHCD tại Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những đặc thù nêu trên khiến Đại sứ quán phải luôn chủ động tìm kiếm những giải pháp riêng.
Trận động đất lịch sử với những thiệt hại nặng nề đầu năm nay ám ảnh nhiều người. Nhớ về những ngày tháng ấy và chiến dịch bảo hộ công dân trong điều kiện khắc nghiệt, điều gợi lên trong Đại sứ là...
Trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai đã tàn phá 11 tỉnh Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cướp đi hơn 50 nghìn sinh mạng, theo ước tính của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì thiệt hại vật chất ước tính hơn 120 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ coi trận động đất lần này còn khủng khiếp hơn trận động đất năm 1939. Rất may cho chúng ta (trong so sánh với Indonesia và Philippines), chỉ có bảy cô dâu Việt sinh sống tại khu vực động đất.
Số lượng tuy ít nhưng công tác BHCD lại chẳng đơn giản chút nào. Chỉ riêng việc xác định chính xác số lượng người Việt và địa chỉ sinh sống đã là thách thức không nhỏ đối với Đại sứ quán.
Phức tạp hơn, các cô dâu này lại đang cùng gia đình lánh nạn ở những vùng đất khác, phần lớn là ngoài đồng ruộng. Cùng thời điểm, trong khi vẫn phải hoàn thành các công việc thường nhật của Cơ quan đại diện, tuy chỉ có bảy người nhưng chúng tôi phải thực hiện song song hai nhiệm vụ bao gồm: hỗ trợ hai đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng (hai đoàn này tác chiến tại hai tỉnh cách nhau khoảng 400 km); công tác BHCD, cụ thể là cứu trợ các cô dâu Việt và gia đình (bảy cô dâu Việt sống biệt lập tại bốn tỉnh).
Chính vì phải thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh như vậy nên với cá nhân tôi chắc sẽ không bao giờ quên ít nhất hai điều.
Thứ nhất là sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên. Đoàn sứ quán chúng tôi đã có mặt tại 7/11 tỉnh chịu ảnh hưởng của trận động đất, thậm chí có nhiều lúc còn chịu tác động trực tiếp của các dư chấn. Cảnh đổ nát, hoang tàn, các con đường bị đứt gãy khắp dọc đường đi là những hình ảnh chắc có lẽ sẽ đi cùng tôi tới cuối cuộc đời. Nhìn cảnh vật hoang tàn do sự tàn phá của thiên nhiên, tôi càng thấm thía một kết luận về các vấn đề toàn cầu của các nhà khoa học đã chỉ ra cách đây mấy chục năm: Nếu không có sự chung tay của toàn nhân loại, chúng ta sẽ chẳng có hy vọng nào khắc phục được thảm họa thiên nhiên.
Thứ hai là tình người trong bối cảnh khốn cùng. Trong quá trình tham gia chiến dịch, chúng tôi không chỉ trực tiếp được chứng kiến những hình ảnh chia sẻ đồ ăn, quần áo, lều bạt... của những người dân nơi tâm chấn, mà còn cảm nhận được sự bao bọc, đồng cảm lẫn nhau của họ.
Khi biết chúng tôi tham gia cùng hai đoàn cứu hộ từ Việt Nam sang, người dân địa phương tiếp đón và bày tỏ tình cảm khiến mọi người trong đoàn không cầm được nước mắt xúc động... Đặc biệt, khi gặp gỡ bà con người Việt tại ngay nơi tâm chấn động đất, chúng tôi càng thấm thía nghĩa tình “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đại sứ Đỗ Sơn Hải (giữa) tại hiện trường vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ) |
Theo Đại sứ, đâu là những yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của chiến dịch BHCD trong bối cảnh khủng hoảng như thiên tai, dịch bệnh hay xung đột?
Trong sự khắc nghiệt do ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên, yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của chiến dịch BHCD là tinh thần trách nhiệm, dũng cảm đương đầu với thử thách, chủ động tìm kiếm giải pháp ứng phó của tất cả cán bộ, nhân viên Đại sứ quán. Nếu không đủ dũng khí và hiểu được trách nhiệm lớn lao của cán bộ ngoại giao trong công tác BHCD, thì chỉ cần chứng kiến thảm họa qua các phương tiện truyền thông cũng đủ làm chùn bước.
Bên cạnh đó, sự trợ giúp nhiệt tình, hiệu quả của cán bộ, người dân địa phương và bà con người Việt là nhân tố không kém phần quan trọng giúp chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ BHCD. Không chỉ với chúng tôi, mà với cả rất nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lần đầu tiên trong đời chứng kiến thảm họa động đất ở mức độ kinh hoàng như vậy. Chính vì sự thiếu hiểu biết về thảm họa thiên nhiên cùng với quá nhiều trở ngại khách quan nảy sinh, nên nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ bên ngoài chắc chắn chúng tôi không thể giải quyết được hầu hết vấn đề trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, cách đối phó với thảm họa động đất có thể nói là tuyệt vời của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhân tố có tính nền tảng cho sự thành công của chiến dịch. Đơn cử như việc chính phủ mau chóng khắc phục tình trạng đứt gãy giao thông do động đất. Chỉ sau bốn ngày sau dư chấn ngày 6/2, các con đường, cầu, sân bay bị vỡ, gãy đã được chính quyền khôi phục. Nhờ đó, chúng tôi có thể gặp trực tiếp tất cả bà con người Việt gặp nạn. Hoặc việc bố trí đưa đón chu đáo, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho các đoàn cứu hộ cứu nạn từ 84 quốc gia. Hai đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam sang đến nơi là có thể tác chiến ngay lập tức.
Gian nan, vất vả và có những hy sinh thầm lặng là vậy mới thấy cái rõ hơn “sứ mệnh đồng hành” của mỗi nhà ngoại giao ở nước ngoài. Đại sứ cảm nhận như thế nào về sứ mệnh đó?
Tôi nghĩ, khi đã quyết định chọn ngành Ngoại giao, mỗi cán bộ đều biết về sứ mệnh này, được ghi trong các văn bản pháp quy của Ngành, điển hình là “Luật cơ quan đại diện”.
Tuy nhiên, có thể lúc đầu không ít cán bộ ngoại giao chỉ hiểu đơn thuần đó là nhiệm vụ phải hoàn thành. Thực tiễn hoạt động ngoại giao mới là chất xúc tác nâng tầm nhiệm vụ này thành “sứ mệnh”, hay đơn giản lúc này mỗi cán bộ ngoại giao tự cảm nhận nhiệm vụ này không phải đơn thuần là mệnh lệnh hành chính mà là “mệnh lệnh của trái tim”.
Thực tiễn ngoại giao còn giúp làm rõ hơn nội hàm “sứ mệnh đồng hành”. Cụ thể là, mỗi cán bộ ngoại giao cần luôn gắn mình với cộng đồng trong nước, cộng đồng người Việt tại sở tại và cuối cùng là không thể xa rời địa bàn. Chỉ khi luôn gắn kết, đồng hành với cả ba nhân tố này thì mỗi cán bộ ngoại giao mới đủ dũng khí và trí tuệ trong quá trình thực thi các nhiệm vụ đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao phó.