Trên thực tế, công tác bảo hộ công dân đã và đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; luôn được triển khai kịp thời, hiệu quả, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị quán triệt nâng cao hiệu quả của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, ngày 1/6/2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Mỗi nhà mỗi cảnh”
Có lẽ chẳng có câu chuyện bảo hộ công dân nào giống nhau, nó muôn hình vạn trạng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Bà con ta ở nước ngoài gặp khó khăn, cần đến sự giúp đỡ của Cơ quan đại diện khi gặp những vấn đề do xung đột ở sở tại, thiên tai trời định hay những vất vả mưu sinh nơi xứ người... Nỗi khổ, niềm đau là khác nhau nhưng dù có lâm vào bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn có được sự giúp đỡ, sẻ chia của Cơ quan đại diện, cảm nhận được sự chăm lo, quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Trước thảm họa động đất hồi tháng 2/2023, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải chia sẻ về đặc thù người Việt ở sở tại và khó khăn trong công tác bảo hộ công dân của Cơ quan đại diện. Đại sứ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích hơn gấp đôi Việt Nam, gồm 81 tỉnh trải rộng trên địa hình đồi núi hết sức phức tạp.
Theo con số ước tính của Cơ quan di trú Thổ Nhĩ Kỳ, gần 200 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây, trong đó có số lượng lớn cô dâu Việt. Họ sống rải rác, ít có mối liên hệ với nhau. Tình trạng sống “biệt lập” này khiến đến ngay cả Cơ quan di trú Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nắm được tình hình sinh sống, làm việc của các cô dâu Việt, khó khăn càng nhân lên trong bối cảnh thiên tai, thảm họa.
“Biệt lập” là đặc thù của người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, còn “bồng bột” có lẽ là từ dành cho một bộ phận không nhỏ lao động Việt Nam ở Philippines. Kể từ sau khi Philippines mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, số lượng người lao động Việt Nam tại Philippines gia tăng đột biến.
Theo số liệu Đại sứ quán Việt Nam tại Manila có được thông qua tìm hiểu thực tế, từ khoảng 3.000 người trước đại dịch Covid-19, số lượng lao động Việt Nam tại Philippines hiện nay có thể đạt khoảng 100.000 người. Phần lớn là lao động rất trẻ được tuyển dụng thông qua mạng xã hội, làm việc theo con đường du lịch, không có thị thực làm việc (gọi là visa 9G), không hiểu biết về luật pháp sở tại, không có hợp đồng lao động hợp lệ, dễ dàng trở thành đối tượng bị lạm dụng hoặc cưỡng bức lao động, trở thành nạn nhân của các loại tội phạm và các hình thức buôn bán người...
Chuyện về người Việt ở mỗi địa bàn là những câu chuyện khác nhau, khi phải cần đến sự bảo hộ từ Cơ quan đại diện thì họ ở những hoàn cảnh khác nhau, dễ ít khó nhiều. Chính vì vậy, theo Đại sứ Đỗ Sơn Hải, bảo hộ công dân thực sự là nhiệm vụ hết sức phức tạp và luôn xuất hiện những thách thức ngoài tiên liệu, đặc biệt là phải giải quyết trong một môi trường xa lạ, các yếu tố khách quan tác động rất lớn đến các giải pháp của Cơ quan đại diện.
“Chiến binh” 24/7
Sự khó khăn, phức tạp, muôn vẻ và khẩn cấp không thể làm khó những “người lính” ngoại giao, những “chiến binh” 24/7 sẵn sàng nhập cuộc bất cứ chiến dịch lớn nhỏ nào vì tính mạng, sự an toàn của người Việt trong hoạn nạn. Sau nụ cười bình an của mỗi người qua các hành trình “giải cứu” là những hy sinh thầm lặng, xông pha vào hiểm nguy của những “chiến binh” 24/7 ấy.
Ngay khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, Bộ Ngoại giao đã họp bàn và đưa ra nhiều phương án bảo hộ người Việt tại Israel. Dưới sự chỉ đạo sát sao đó, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung lập tức triển khai các chiến dịch khác nhau để bảo đảm an toàn của bà con tại đây. Tổng đài bảo hộ công dân, đường dây nóng được phổ biến rộng rãi, các cuộc họp online kết nối với người Việt diễn ra liên tục, hàng ngày, hàng giờ cập nhật tin tức người Việt ở mọi ngõ ngách của địa bàn.
Cộng đồng người Việt tại Israel gồm khoảng 500 kiều bào cư trú ổn định và gần 200 sinh viên đang theo chương trình tu nghiệp sinh, cùng một số lao động làm việc ngắn hạn. Tất cả đều không sinh sống ở gần vùng chiến sự nên hiện vẫn bình an.
“An toàn” có lẽ là hai từ khiến Đại sứ Lý Đức Trung và các cán bộ ngoại giao cảm thấy hạnh phúc nhất khi liên lạc với đồng bào ta. Khi tình hình xung đột hạ nhiệt hơn, đi lại an toàn hơn, đoàn Đại sứ quán đã có cuộc gặp gỡ với hội người Việt để động viên tinh thần, chia sẻ cùng nhau để vững lòng trong những ngày tháng khó khăn.
Tinh thần sẵn sàng 24/7 cũng thấy rất rõ ở các cuộc “giải cứu” lao động Việt Nam của các cán bộ ngoại giao ở Philippines. Cán bộ làm công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán rất mỏng. Do vậy, Đại sứ quán thường xuyên phải huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên từ phòng chính trị, văn hóa, quản trị đến nhân viên kế toán, lái xe… tham gia hỗ trợ.
Có những lúc tối khuya, có những hôm cuối tuần, trước cổng Đại sứ quán vẫn ghi nhận trường hợp công dân chạy trốn khỏi công ty, không giấy tờ tùy thân, đến xin cấp lại hộ chiếu để về nước.
Cũng có những lúc nửa đêm, cán bộ phụ trách bảo hộ công dân nhận được yêu cầu của cảnh sát địa phương Philippines đến xác nhận nạn nhân tử vong chưa rõ nguyên nhân có phải công dân Việt Nam hay không. Trong các tình huống như vậy, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán sẵn sàng tinh thần lên đường ngay không một chút do dự bởi luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với công tác bảo hộ công dân.
Việt Nam thể hiện tinh thần sẻ chia quốc tế thông qua việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ) |
Phía sau là quê hương!
Hẳn rằng bất cứ ai mang dòng máu Việt khi xa quê hương vì mưu sinh hay vì bất cứ lý do nào đều khao khát một tình người đồng hương, một chút “dáng dấp” của quê mẹ. Trong hoạn nạn, khó khăn, khát khao đó lại càng mạnh liệt hơn hết. Vì vậy, “sứ mệnh” đồng hành của các cán bộ ngoại giao trong mỗi hành trình của công tác bảo hộ công dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là nguồn sức mạnh to lớn để đồng bào vươn lên trong nghịch cảnh. “Sứ mệnh” ấy, theo Đại sứ Đỗ Sơn Hải, nhiều khi không phải đơn thuần là mệnh lệnh hành chính mà là “mệnh lệnh của trái tim”.
Hành trình của đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản do Công sứ Nguyễn Đức Minh dẫn đầu tới Ishikawa (tâm chấn của loạt trận động đất những ngày đầu năm mới tại Nhật Bản) có lẽ xuất phát từ chính “mệnh lệnh” đặc biệt ấy.
Dù biết rằng phía trước là muôn vàn khó khăn và thực tế khó khăn đã tới ngay từ hành trình xuất phát di chuyển tới tâm chấn nhưng đoàn vẫn quyết tâm lên đường. Với mong muốn sớm tiếp cận hiện trường, trực tiếp nắm tình hình, nơi có hàng trăm đồng bào đang khó khăn và hoang mang trên đất khách, đoàn sẵn sàng tâm lý rằng kể cả tỉnh Ishikawa không thu xếp gặp được thì vẫn đến để làm việc với doanh nghiệp Nhật đang tiếp nhận sử dụng lao động Việt Nam, cũng như các hội nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại khu vực, tiếp cận những người đang ở khu tạm trú và thậm chí người đang ở trong tâm chấn.
“Không khí chỉ ấm trở lại và những tiếng cười chỉ vang lên, lan ra khi chúng tôi cùng quây quần tại phòng khách, bật lò sưởi và thăm hỏi nhau”, Công sứ Nguyễn Đức Minh kể khi gặp lao động Việt Nam nơi tâm chấn. Chính sự quan tâm kịp thời của Đại sứ quán đã giúp các em không thấy đơn độc nơi xứ lạ, đằng sau các em luôn có quê hương!
Một trong những thông điệp được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kết lại tại Hội nghị quán triệt việc nâng cao hiệu quả của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở ngoài nước năm 2023 là: “Lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu; cán bộ phải là công bộc của dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn”. Tinh thần đó luôn hiện hữu trong trái tim của mỗi “chiến binh ngoại giao”!