📞

Công tác ngoại vụ được triển khai đồng bộ, rộng khắp

21:00 | 12/08/2016
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN)

Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua?

Kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 (tháng 12/2013) đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường hơn, đặt ra nhiều vấn đề mới. Các diễn biến trong tình hình kinh tế và chính trị thế giới tác động đan xen, nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Trong nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực và phục hồi rõ nét ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tiến trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng, đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, mức sống chậm được cải thiện, tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh chung đó, các địa phương đã quán triệt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo đến văn hóa - du lịch, lao động, công tác người Việt Nam ở nước ngoài,… góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. 

Kể từ tháng 12/2013 đến nay, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp quan trọng vào thành công chung trên tất cả các lĩnh vực:

Về chính trị đối ngoại, các địa phương đã triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương, cũng như cơ chế liên vùng/liên tỉnh với các đối tác nước ngoài (cơ chế hợp tác với các địa phương Lào, Campuchia; cơ chế hợp tác hành lang Đông Tây giữa địa phương Việt Nam, Lào và Thái Lan; hợp tác 07 tỉnh biên giới phía Bắc với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc; hợp tác địa phương Việt - Pháp; hợp tác giữa các địa phương trong Sáng kiến Việt Nam - Oregon, Hoa Kỳ…).

Cùng với việc ký mới 119 Thỏa thuận quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài, các tỉnh, thành phố đã ký kết 230 Bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nội dung hợp tác được mở rộng toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, y tế giáo dục, môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, vận động vốn đầu tư và viện trợ.

Trong công tác ngoại giao kinh tế, mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư nước ngoài tại các địa phương vẫn đạt kết quả khả quan. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương đạt 51,53 tỷ USD. Về nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, mỗi năm giải ngân ước đạt khoảng 300 triệu USD với các chương trình, dự án được triển khai trên tất cả 63 tỉnh/thành. Giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước cũng đã góp phần mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho các địa phương của ta như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu,…

Các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả công tác công tác văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong hơn hai năm qua, ta đã vận động thành công UNESCO công nhận và tái công nhận 10 di sản văn hóa của địa phương; cấp phép cho hơn 1.100 đoàn phóng viên nước ngoài đến đưa tin quảng bá, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút lượng kiều hối đầu tư về nước đạt khoảng trên 26 tỷ USD.

Ngoài ra, để nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương, các tỉnh đã cử 6.470 lượt cán bộ chủ chốt, cán bộ liên quan đến công tác đối ngoại tham dự các Hội nghị, báo cáo chuyên đề, lớp cập nhật kiến thức đối ngoại, tập huấn kỹ năng biên phiên dịch do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Với Trung Quốc, ta đã ký Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh), Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng) (tháng 11/2015) và phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện 03 văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (tháng 5/2016). Ta cũng đã hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa với Lào và hiện đang tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc với Campuchia.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục duy trì tốt các mối quan hệ với chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới qua lại thăm thân và giao thương hàng hóa; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý thức chấp hành phát luật của cư dân biên giới.

Xin Thứ trưởng cho biết những hạn chế cần khắc phục để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại địa phương?

Tuy đạt được những kết quả bước đầu tích cực song tôi cho rằng công tác đối ngoại địa phương thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, cần phải được khắc phục và hoàn thiện, làm tốt hơn nữa. Hệ thống các cơ quan ngoại vụ địa phương cần nỗ lực hơn nữa để có thể khai thác tốt nhất những lợi thế đặc thù của ngành Ngoại giao, của hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác quốc tế của địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thứ nhất, cần tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương. Bộ Ngoại giao với đầu mối là Cục Ngoại vụ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải đồng hành, kết nối, hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ở chiều ngược lại, các địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc đề xuất, cung cấp cho Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài các yêu cầu cụ thể, có tính khả thi cao và phù hợp với tình hình địa phương. Việc phản hồi thông tin, khuyến nghị cũng cần kịp thời và cụ thể hơn.

Thứ hai, nhiều thỏa thuận hợp tác cấp địa phương mời chỉ dừng lại ở việc ký kết, chưa có định hướng, lộ trình triển khai cụ thể, không nêu bật được trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Nhận thức về hội nhập quốc tế ở một số nơi còn hạn chế. Việc tổ chức đoàn ra còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, nhất là khối doanh nghiệp chưa chủ động nắm bắt thông tin về các đối tác nước ngoài, cũng như về các thỏa thuận thương mại tự do đã ký với các nước.

Thứ ba, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên-phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới; qua đó nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địa phương.

Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng về hội nhập quốc tế và Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ biên phiên dịch giai đoạn 2016-2020 dành cho cán bộ Cơ quan ngoại vụ và các cán bộ làm công tác đối ngoại của Sở, ngành khác tại địa phương. Đây chính là những điều kiện để các địa phương nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của mình. Tôi hy vọng các địa phương sẽ chủ động khai thác các chương trình đào tạo quan trọng này, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Đề nghị Thứ trưởng cho biết những phương hướng, nhiệm vụ chính của công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới?

          Trong thời gian tới, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro. Ở trong nước, chúng ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; đồng thời sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn, nhiệm vụ của ngành Ngoại giao, trong đó có các Cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ ngày càng phức tạp và nặng nề hơn.

          Trên cơ sở đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, vào ngày 21/8/2016, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập” nhằm tạo diễn đàn để các địa phương cùng các Bộ, ngành trung ương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trao đổi, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 đến nay; đồng thời thảo luận thống nhất các giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại và đề ra những phương hướng trọng tâm cho giai đoạn tới.

Các phương hướng, nhiệm vụ chính của công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới sẽ được các đại biểu thảo luận một cách toàn diện và thống nhất tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc sắp tới. Nhìn nhận từ góc độ Bộ Ngoại giao, với vai trò là  cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đối ngoại, tôi cho rằng, công tác đối ngoại địa phương thời gian tới cần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ của địa phương, tập trung vào các hướng chính sau:

Thứ nhất, chủ động và tích cực triển khai công tác hội nhập quốc tế, trong đó xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm. Bộ Ngoại giao với đầu mối là Cục Ngoại vụ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải đồng hành, kết nối, hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương và các đối tác nước ngoài đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả qua việc triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết đã ký; tăng cường công tác quản lý biên giới lãnh thổ, công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác phi chính phủ nước ngoài.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên - phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địa phương.

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và nỗ lực chung của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có những bước phát triển toàn diện hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.