TIN LIÊN QUAN | |
Mỗi Việt kiều đều phải biết làm công tác đối ngoại nhân dân | |
“Trách nhiệm của các Đại sứ quán đang nặng nề hơn” |
“Những cây cầu” nối khoảng cách
Đi sứ ở một địa bàn mới thành lập được 6 năm, nữ Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Trần Thị Hà Phương gặp khá nhiều thử thách, nhất là ở thời điểm Hy Lạp phải đối diện với cuộc khủng hoảng nợ công. Đại sứ cho biết, người Hy Lạp có mối quan hệ bạn bè lâu đời với Việt Nam, đặc biệt rất nhiệt tình ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tuy nhiên, họ hiểu biết về Việt Nam trong quá khứ nhiều hơn là Việt Nam ngày nay. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ là phải làm sao để người Hy Lạp hiểu về Việt Nam nhiều hơn. Khi mới sang, trong các cuộc diện kiến, tiếp xúc ở địa phương, gặp gỡ báo chí, Đại sứ đều tranh thủ quảng bá về Việt Nam.
Đại sứ Trần Thị Hà Phương. |
Đại sứ Hà Phương cho biết, cộng đồng người Việt ở Hy Lạp chỉ khoảng 300 người, tập trung phần lớn ở Athens. Trước đây, khi chưa có Đại sứ quán, sự nhiệt tình của bà con hướng về đất nước chưa được phát huy. Từ khi có Đại sứ quán, khoảng cách này đã được rút ngắn. Hiện tại, bà con đã tham gia vào tất cả các hoạt động của Đại sứ quán cũng như nhiệt tình trong các hoạt động cộng đồng. Điều mà Đại sứ còn trăn trở là hiện còn nhiều thông tin chưa chính thống và chính xác về Hy Lạp, khiến doanh nghiệp trong nước vẫn e ngại đầu tư vào Hy Lạp. Đây chính là một trong những nhiệm vụ mà Đại sứ quán Hy Lạp cần tiếp tục thúc đẩy.
Với Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch, phát triển du lịch sẽ là bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với Iran. Khi nhìn thấy tiềm năng lớn này, Đại sứ quán đã tổ chức hội thảo, mời các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sang giới thiệu du lịch Việt Nam, kết hợp tổ chức triển lãm ảnh và biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch. |
Đặc biệt, tháng 1 vừa qua, Đại sứ quán đã mời một đoàn làm phim Iran sang Việt Nam để quay bộ phim đầu tiên bằng tiếng Ba Tư mang tên “Thiên đường không xa” về du lịch Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch còn tiết lộ, Sứ quán sẽ tổ chức roadshow đi 5 tỉnh Việt Nam để người Iran hiểu rằng nhắc đến Việt Nam không phải là nói đến chiến tranh nữa, mà là thiên đường du lịch, là tiềm năng để hợp tác.
“Có người Iran làm trong lĩnh vực du lịch nói với tôi một điều rất đáng suy nghĩ: Người Iran rất biết về Việt Nam nhưng không phải như một điểm đến du lịch, mà là một địa điểm của chiến tranh. Chính vì thế, chúng ta phải làm rất nhiều để thay đổi tư duy đó. Lúc đó, chúng ta mới có thể thúc đẩy hợp tác được”, ông Thạch cho biết.
“Người tiếp thị”... gạo
Trong trăn trở đưa gạo Việt sang thị trường Malaysia, Đại sứ Phạm Cao Phong đã chia sẻ một kinh nghiệm khi còn làm Tổng Lãnh sự tại Hongkong và Ma Cao với quyết tâm đưa gạo vào thị trường này. Theo ông, chính quyền Hongkong trước đây trao cho 5 công ty có quyền nhập khẩu vào Hongkong, trong khi 5 công ty này không nhập gạo trực tiếp từ Việt Nam.
Đại sứ Phạm Cao Phong. |
Qua nhiều lần thuyết phục, tìm hiểu, ông biết gạo vào thị trường Hongkong với khối lượng rất lớn, đặc biệt các quán ăn ở Hongkong tiêu thụ rất nhiều gạo. Chính vì vậy, Đại sứ quán đã trực tiếp giới thiệu và bán gạo cho các quán ăn cũng như gợi ý cho các đầu mối gạo Việt đến với các nhà hàng này. Theo Đại sứ Phạm Cao Phong, nếu có quyết tâm lớn thì khó khăn mấy cũng sẽ tìm ra được đường đi. Đây cũng là điều ông tâm huyết nhất khi tiến hành công tác ngoại giao kinh tế để đưa sản phẩm Việt đến với Malaysia.
Đại sứ cho biết, trước đây, Malaysia nhập nhiều gạo Việt. Nhưng vì an ninh lương thực, nước bạn tự túc gạo nhiều hơn. Cũng theo ông, Malaysia chỉ có 30 triệu dân nên chúng ta không thể mong đợi số lượng nhập khẩu lớn được. Tuy nhiên, nếu như có sự quyết tâm và chớp đúng thời cơ, gạo Việt vẫn có thể đứng vững được trên thị trường nước bạn.
Biến Sứ quán thành “bảo tàng” Việt
Với câu chuyện ngoại giao văn hóa, Đại sứ Phạm Trường Giang tại Morocco (kiêm nhiệm Gabon, Guinea, Benin, Bờ biển Ngà, Burkina Faso, Mauritania) say sưa chia sẻ về ý tưởng này. Theo ông, dù xa cách về mặt địa lý, nhưng văn hóa hai nước có nhiều nét gần gũi như miền Đông Bắc Morocco có những thành phố rất Pháp, hay Trung tâm Rabat của Morocco rất giống Tràng Tiền của Hà Nội...
Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại Hội nghị. |
Để thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa giữa hai nước, Đại sứ quán ta tại Morocco luôn chủ động tổ chức các sự kiện văn hóa kết hợp nét văn hóa của Việt Nam - Pháp và châu Phi. Gần đây nhất, sau lễ Ramada của Morocco, Đại sứ quán đã tổ chức Ngày văn hóa ẩm thực Việt Nam và các nước châu Phi với nhiều hoạt động phong phú. Trong khi triển lãm được chia thành các khu tranh thêu, tranh cổ động thời chiến tranh, sơn mài truyền thống..., vườn của Đại sứ quán biến thành khu trưng bày lớn với những poster rực rỡ quảng cáo về thanh long, vải, cà phê, tôm cá Việt.
“Ngoại giao văn hóa chính là kênh để tạo ra sự gắn kết sâu sắc hơn quan hệ của các đối tác. Với Việt Nam, một trong những công cụ “mềm” của chúng ta là con người “cởi mở - thân thiện - thông minh - đáng tin cậy”. Những chữ quan trọng này trong mối quan hệ quốc tế đã tạo ra những dấu ấn rất lớn trong quan hệ Việt Nam - Mỹ hiện nay”. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh |
Đại sứ kể rằng, dịp đó, khách ngoại giao từ các nước ông kiêm nhiệm rất tò mò với món “Bún chả Obama”. Vì họ kiêng thịt lợn, Đại sứ quán đã biến tấu làm bún chả gà, kèm theo các món phở bò, phở gà. Các món ăn này đều do đích thân phu nhân và hai con gái Đại sứ trổ tài.
Ở Đại sứ quán Việt Nam ở Morocco, phòng truyền thống bao giờ cũng có bộ áo dài của nam và nữ, mũ lá và nón lá, gáo dừa... Đại sứ cũng luôn chú ý đến những đồ vật nhỏ như cái vòng, chiếc khăn... mang đậm văn hóa Việt Nam để làm quà tặng khách.
Khi Đại sứ hát
Đó là câu chuyện về Đại sứ Việt Nam ở Sri Lanka với cách thức mới để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại một cách “mềm mại và dễ đi vào lòng người”.
Nhận nhiệm vụ ở địa bàn mới, người dân hai nước còn nhiều hạn chế về hiểu biết lẫn nhau, Đại sứ Phan Kiều Thu tự thân vận động bằng cách nhiệt tình tham gia vào các chương trình từ thiện để ủng hộ nước bạn. Theo Đại sứ, để quảng bá hình ảnh Việt Nam với một Đại sứ quán chỉ có 4 người, việc tổ chức một đoàn nghệ thuật từ Việt Nam sang biểu diễn rất tốn kém. Vì vậy, Đại sứ đã quyết định mang tiếng hát của mình để nối Việt Nam gần hơn với Sri Lanka.
Tháng 6 vừa qua, Đại sứ Phan Kiều Thu đã cùng nữ danh ca Menaka De Fonseka Sahabandy biểu diễn ca nhạc nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân bị thiên tai lũ lụt và lở đất ở Sri Lanka. Buổi biểu diễn có sự góp mặt của các quan chức lãnh đạo cấp cao của Sri Lanka, các Nghị sĩ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Hội đoàn kết Sri Lanka - Việt Nam, các Đại sứ, thành viên đoàn ngoại giao cùng đông đảo kiều bào.
Tại đêm nhạc này, Đại sứ đã trình diễn nhạc phẩm Bóng cây Kơ-nia và nhiều bài hát nổi tiếng khác của Sri Lanka bằng tiếng Sinhala gây được tiếng vang lớn tại nước bạn. Dịp này, Đài truyền hình Trung ương Sri Lanka đã liên tục đưa tin trong 5 ngày cũng như phát sóng trực tiếp.
Không chỉ truyền tải hình ảnh Việt Nam qua tiếng hát, mỗi chuyến công tác và tham dự sự kiện, Đại sứ Phan Kiều Thu đều mặc áo dài truyền thồng, tạo nên một ấn tượng đẹp trong lòng người dân nước bạn.
Nghệ thuật đối ngoại của Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp xuất sắc lòng dũng cảm và ý chí sáng tạo của dân tộc Việt Nam với sự ... |
“Trách nhiệm của các Đại sứ quán đang nặng nề hơn” Hội nghị Ngoại giao 29 có nhiều nét mới cả về nội dung, hình thức - ông Nguyễn Hoằng, Đại sứ Việt Nam tại Qatar, chia ... |
Nơi hội tụ nguyên khí ngành Ngoại giao Ngày 26/7, ngay sau khi Lễ trao bằng Di tích cấp Quốc gia đối với tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao số 1 Tôn ... |