TIN LIÊN QUAN | |
Đưa nàng Kiều trở lại nước Đức | |
Truyện Kiều xác lập kỷ lục thế giới |
Truyện Kiều trong dân gian
Trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, ở Thanh Hóa truyền nhau câu vè: “Thứ nhất đọc Sống như Anh/ Thứ nhì nghe Ông Khánh tỉnh Thanh giảng Kiều”. Ông Khánh tức là thầy Vũ Ngọc Khánh, giảng viên của trường chuyên Lam Sơn. Thầy chuyên phụ trách đội tuyển Văn của toàn tỉnh chuẩn bị thi học sinh giỏi miền Bắc. Kiến thức văn chương của thầy rất uyên bác, nhưng lũ học trò trường làng chúng tôi mê nhất là nghe thầy giảng Kiều.
Tại nơi sơ tán, xã Xuân La, huyện Thọ Xuân, thầy dồn mọi tâm huyết truyền cho chúng tôi những tinh túy của Truyện Kiều và kèm theo đó là minh họa ngâm Kiều của một nghệ nhân từ nhà hát của tỉnh. Rằng hay thì thật là hay!.., nhưng chúng tôi thích những câu chuyện tự thầy kể về sức sống của Truyện Kiều trong dân gian.
“Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” |
Chuyện kể rằng: có một tiểu thư tài sắc vẹn toàn đến tuổi kén chồng nên vờ lập quán bên đường để chọn lang quân. Bao nhiêu tài tử “vào trong phong nhã, ra ngoài bảnh bao” đều bị cô đánh trượt. Rồi một hôm có một thư sinh xuất hiện. Chủ đề thi hôm ấy là đố Kiều. Chủ quán lên tiếng: “Truyện Kiều chàng đã thuộc làu. Đố chàng đọc được một câu hết Kiều”. Chàng đáp ngay: “Trăm năm trong cõi người ta/ Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Nàng lại đố: “Câu Kiều nào có nhiều khỉ nhất?”. Với chất giọng miền trong, chàng liền đọc: “Khỉ tựa gối, khỉ cúi đầu/ Khỉ vò chín khúc, khỉ chau đôi mày”. Chỉ thêm một dấu hỏi thôi, nhưng được nàng khen giỏi và còn nói thêm: “Đây cũng là câu mô tả Kim Trọng bị đau bụng và cũng là câu hoàn toàn bằng chữ Nôm”.
Nàng còn đưa ra hàng loạt câu đố nữa, câu nào chàng cũng trả lời trơn tru. Nàng phục quá, cao giọng mà rằng: “Khen cho con, mắt tinh đời/ Anh hùng đứng giữa trần ai mới là”. Biết là bị nàng xỏ, chia tách câu Kiều bằng dấu phẩy, lại nhấn mạnh từ “con” để coi mình là bề dưới, chàng vội mắng: “Vả bây giờ - mới tới đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”.
Thế là, trai anh hùng đã gặp gái thuyền quyên, bằng cách đố Kiều ở các câu trên, vịnh Kiều ở các câu giữa, tập kiều và nhại kiều ở câu cuối, nàng và chàng: “Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời vàng tạc đá vàng thủy chung”. Thầy Khánh dạy chúng tôi rằng, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Chúng tôi hỏi câu đó của ai, thầy chỉ cười mà không nói. Sau này, chúng tôi mới biết là của Phạm Quỳnh.
Truyện Kiều với lãnh đạo Mỹ
Hiện tượng độc đáo trong văn hóa nước nhà là bắt đầu từ một cuốn truyện đã làm từ người bình dân cho tới trí thức đam mê đến nỗi đem ra áp dụng từng chi tiết vào cuộc sống hàng ngày và sáng tạo cho riêng mình. Truyện Kiều là một kiệt tác văn học đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua, được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Nga, Pháp, và Czech… với trên 35 bản dịch.
Đáng chú ý là sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân (1968), phía Mỹ có tìm thấy cuốn Truyện Kiều nhàu nát trong túi áo của một chiến sĩ giải phóng quân trẻ đã hi sinh. Tạp chí Washingtonian của Mỹ từng đăng bài viết 2 trang về Truyện Kiều với nhan đề: “Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được tiết lộ tinh thần của địch”, kèm bức hình minh họa ảnh Tổng thống Jonhson, với lời chú thích: “Giá như Tổng thống Jonhson đã đọc Truyện Kiều thì chắc đã không phải lâm vào tình trạng rắc rối như ngày nay”.
Không rõ có phải vì lý do trên hay không mà sau đó nhiều lãnh đạo Mỹ đã đọc Kiều. Sau bao lần lỡ hẹn mối bang giao, phải đợi 25 năm sau ngày thống nhất đất nước, giữa thủ đô Hà Nội, Tổng thống Bill Clinton mới lẩy hai câu Kiều thật hợp cảnh hợp tình: “Sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” (*). Hai câu không chỉ tả cảnh thiên nhiên mà còn chứa đựng cả nhân tình thế thái. Phải chăng ông Bill Clinton nhìn trời nhìn đất… rồi nghĩ đến sự xoay vần của tạo hóa, sen tàn thì tới lúc cúc nở hoa, hết chiến tranh thì lại hòa bình, mùa Xuân ấm áp ắt đẩy lùi mùa Đông lạnh lẽo…? Và mới đây thôi, Tổng thống Obama lại nhắc đến hoa sen trong lòng Hà Nội.
Có thể nói, trong Truyện Kiều, chữ “hoa” được Nguyễn Du tâm đắc nhất và được sử dụng với tần suất cao nhất, tới 130 lần. Có những tình huống, chỉ trong một câu, cụ dùng 3 lần: “Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa”. Tiết trời vần vụ từ Thu qua Đông đến Xuân và chính Tổng thống Bill Clinton là người tuyên bố bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt Nam - đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.
Trong tiệc trưa chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái, Phó Tổng thống Biden cũng vịnh Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời” (**) để kết thúc bài diễn văn mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ông đề cập đến những bước tiến về việc khắc phục hậu quả chiến tranh, như việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, xử lý bom mìn, xử lý đất nhiễm chất độc dioxin… Và, các độc giả mê Kiều đọc tiếp ngay sau hai câu trên là khẳng định của Nguyễn Du: “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng già mà lại hơn mười Rằm xưa”. Đầu ngõ sương đã tan, mây cuối trời rồi sẽ được vén lên để lộ ra tương lại tươi sáng của mối bang giao Việt - Mỹ.
Còn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, sáng 24/5/2016, Tổng thống Barack Obama đã nói: "Sau này khi người Mỹ - Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Lần giở lại Kiều, người đọc còn thấy trước hai câu này cụ Tiên Điền đã viết: “Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời vàng tạc đá vàng thủy chung/ Được lời như cởi tấm lòng/Giờ kim hoàn với khăn hồng trao tay”. Rằng trăm năm cũng từ đây… Thế nhưng, sau khi của tin đã trao nhau, lập tức lại đã có xôn xao tiếng người nên “Vội vàng lá rụng hoa rơi/ Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang”… Tuy nhiên, mối tình qua thử thách buồn đau vẫn vững bền là bởi: “Từ khi đá biết tuổi vàng/Tình càng thấm thiết, dạ càng ngẩn ngơ…”.
Các nhà ngoại giao Việt Nam thật tự hào vì có một hành trang là Truyện Kiều làm công cụ để giao tiếp với bạn bè thế giới và hơn thế còn biết rằng chính Nguyễn Du - danh nhân văn hóa của thế giới, đã từng là thành viên của phái bộ Việt Nam đi sứ sang Trung Quốc năm 1813. Hậu duệ của người chắc phải tự hỏi: “Trăm năm biết có duyên gì hay không?”.
(*) Hai câu trên được chuyển sang Anh ngữ: “Just as the lotus wilts, the mums bloom forth/Time softens grief, and the winter turns to spring”. (**) Dịch sang Anh ngữ: “Thank heaven we are here today/To see the sun through parting fog and cloud”. Cả ông Bill Clinton và Joe Biden đều đã đọc những câu Kiều bằng tiếng Anh trích trong bản dịch Truyện Kiều - "The Tale of Kiều" của học giả Huỳnh Sanh Thông, do Đại học Yale ấn hành năm 1983. Ông Thông không phải là người Việt đầu tiên dịch Kiều sang Anh ngữ, nhưng bản dịch của ông được học giả quốc tế coi như một tuyệt tác đã chuyển tải khá đầy đủ ý tứ của đại thi hào Nguyễn Du. |
Cán bộ ngoại giao cần tầm nhìn rộng Những từ “ý nghĩa”, “ấn tượng” và “yêu mến” luôn được nhắc đến với nụ cười trên môi của cựu Đại sứ Hàn Quốc tại ... |
Cách vượt qua khó khăn là nghĩ đến công việc Đã làm việc gì thì phải tìm cách làm tốt nhất với niềm đam mê sáng tạo, càng khó càng lao vào làm để biết ... |
Tình yêu từ mạch nguồn truyền thống Thầy giáo dạy văn hồi trung học của tôi sinh ra tại Hà Tĩnh, làm việc ở Nghệ An. Thời đó, nhiều lúc, trong các ... |