Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được xem là “Hiến pháp cho các đại dương”. (Nguồn: hpdf.vn) |
Hiến pháp cho các đại dương
Công ước UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động của các quốc gia trên các vùng biển và đại dương, là căn cứ pháp lý xác định các quyền trên biển của các quốc gia, bao gồm các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia.
Không phải lúc nào các quốc gia đều có các vùng biển rộng tối đa như quy định của UNCLOS cho phép. Khi các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau ở khoảng cách không đủ rộng, vùng biển của các quốc gia sẽ chồng lên lên nhau, đặt ra yêu cầu phải tiến hành phân định biển.
Về nguyên tắc, UNCLOS không áp đặt bất kỳ phương pháp hay cách thức phân định biển cụ thể nào mà để cho các quốc gia thỏa thuận với nhau.
Với phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, UNCLOS chỉ yêu cầu kết quả phân định biển phải là “một giải pháp công bằng”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, UNCLOS có tác động rất lớn đến quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định phân định biển nêu trên.
Do vị trí địa lý của Việt Nam không có bờ biển hướng ra các vùng biển mở, mà nằm trong các vịnh và biển nửa kín, các vùng biển của Việt Nam đa phần có chồng lấn với vùng biển của các quốc gia láng giềng. Do Việt Nam là thành viên của UNCLOS, nên việc phân định biển phải dựa trên cơ sở của UNCLOS.
Với sự ra đời của UNCLOS, các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam, có thêm một vùng biển mới - vùng EEZ, nằm ngay bên ngoài lãnh hải, có chiều rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trước đó, đây là vùng biển có quy chế của biển cả (hay còn gọi là “công hải”) nơi tất cả các quốc gia đều có các quyền tự do biển cả, bao gồm tự do đánh bắt cá.
Hệ quả tự nhiên của việc xuất hiện vùng EEZ là làm phát sinh thêm các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia. Ví dụ như xuất hiện thêm vùng biển chồng lấn EEZ giữa Việt Nam với Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc, trong đó, Việt Nam mới chỉ phân định xong với Thái Lan và một phần với Trung Quốc trong Vịnh Thái Lan.
Công tác phân định biển dựa trên UNCLOS
Trong những thập niên qua, công tác phân định biển của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã đàm phán phân định biển thành công với ba nước: Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.
Thỏa thuận phân định biển đầu tiên mà Việt Nam ký kết là Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về Phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan năm 1997.
Tiếp đó, năm 2000, Việt Nam ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.
Năm 2003, Hiệp định Phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia được hoàn thành.
Với việc các hiệp định được ký kết sau khi các bên đã phê chuẩn UNCLOS (với Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc) hoặc đã ký vào văn bản UNCLOS (với Thái Lan), có thể nói, UNCLOS đã có tác động đến quá trình đàm phán.
UNCLOS là cơ sở pháp lý mà các quốc gia dựa vào trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết các hiệp định phân định biển.
Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1993 ghi nhận rằng, hai nước sẽ áp dụng luật biển quốc tế để phân định Vịnh Bắc Bộ.
UNCLOS có hiệu lực với Việt Nam và Trung Quốc lần lượt vào năm 1994 và năm 1996, và trở thành “luật biển quốc tế” mà hai nước áp dụng để hoàn thành việc phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000.
Trong Hiệp định với Indonesia năm 2003, Lời nói đầu còn khẳng định trực tiếp rằng Hiệp định được ký kết căn cứ vào UNCLOS.
Bên cạnh đó, với vai trò là “hiến pháp cho các đại dương”, UNCLOS là căn cứ để các bên xem xét điều chỉnh các quan điểm, lập trường cũ của mình cho phù hợp với UNCLOS.
Lấy ví dụ trường hợp của Việt Nam. Trước khi phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam từng xem vùng nước bên trong Vịnh Bắc Bộ là vùng nước lịch sử có chế độ nội thủy theo luật pháp quốc tế tiền-UNCLOS.
Việt Nam dần điều chỉnh quan điểm này, sau đó xác định lại theo các vùng biển được quy định trong UNCLOS. Nói thêm rằng, những việc tự điều chỉnh như thế là bình thường và phổ biến khi các quốc gia khi tham gia một điều ước quốc tế mới.
Tin liên quan |
Hợp tác Việt Nam-Philippines ở Biển Đông: Đối tác chiến lược và trách nhiệm |
Bên cạnh việc ký kết ba hiệp định phân định biển, Việt Nam hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và các vấn đề liên quan đến vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.
UNCLOS cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán. Với Trung Quốc, việc đàm phán khó khăn hơn do Trung Quốc đang duy trì yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của mình (Trung Quốc có yêu sách phi pháp từ Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Tuy vậy, nỗ lực đàm phán vẫn đang được duy trì: Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã nhóm họp đến Vòng XIV, song song với Vòng XI Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển.
Hai bên thống nhất thúc đẩy đàm phán theo đúng quy định của luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011.
Thỏa thuận trực tiếp nhắc đến UNCLOS như là căn cứ để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển. Việc Trung Quốc điều chỉnh lại các yêu sách cho phù hợp với UNCLOS và luật quốc tế nói chung là một trong các yếu tố quan trọng để đàm phán có thể tiến triển thực chất và thành công.
Việc tiến hành song song đàm phán phân định biển và hợp tác cùng phát triển cũng phù hợp quy định của UNCLOS. Điều 74(3) và 83(3) quy định trong khi chưa phân định được vùng EEZ và thềm lục địa chồng lấn các bên liên quan phải nỗ lực hết sức để đạt được các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn.
Hợp tác cùng phát triển là một lựa chọn phổ biến, vì giúp thúc đẩy tinh thần hợp tác cùng có lợi, giảm căng thẳng do các hành vi đơn phương.
Kỳ vọng rằng, đàm phán giữa hai nước sớm đạt được một thỏa thuận phù hợp với UNCLOS, và luật quốc tế nói chung.
| Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu Nghiên cứu sinh Phạm Duy Thực, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã chỉ ra 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của ... |
| Tàu cá Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ở Biển Đông: Thấy gì từ phản ứng của Mỹ? Sau khi giới chức và truyền thông Philippines công bố thông tin tàu cá Trung Quốc tập kết với số lượng lớn tại Đá Ba ... |