Đài quan sát Siding Spring bên trong Công viên quốc gia Warrumbungle, bang New South Wales. Australia. (Nguồn: Destination NSW) |
Ngắm nhìn những vì sao trên bầu trời đã trở thành một hoạt động thư giãn và giải trí không thể thiếu của người Australia. Và có lẽ, ngoài dãy núi Warrumbungle cách thành phố Sydney 400km về phía Tây Bắc, không có nơi nào tuyệt vời hơn để thực hiện trải nghiệm thú vị này.
Không có ánh sáng nhân tạo xâm nhập, môi trường quan sát nguyên sơ của dãy núi Warrumbungles đã thu hút những người ngắm sao chuyên nghiệp và nghiệp dư trên khắp thế giới.
Thị trấn Coonabarabran được những người yêu du lịch coi là “thủ đô thiên văn học của Australia”, còn Hiệp hội Bầu trời đêm Quốc tế có trụ sở tại Mỹ đã gọi Vườn quốc gia Warrumbungle là “công viên bầu trời đêm” duy nhất của đất nước chuột túi.
Hơn 40 năm qua, công viên Warrumbungle là nơi lưu trữ kính thiên văn quang học lớn nhất của Australia và được vận hành bởi các nhà thiên văn học từ Đại học quốc gia và một số viện khoa học nước này. Ở xung quanh khu vực trên, các đài quan sát tư nhân đã mọc lên để phục vụ cho ngành “du lịch bầu trời đêm”, còn gọi là “du lịch chiêm tinh”.
Trong bài phỏng vấn với Nikkei Asia, nhà tiên phong du lịch bầu trời đêm của Australia Marnie Ogg cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch độc lạ này. Tuy nhiên, các đài quan sát trên khắp thế giới vẫn đang bùng nổ và doanh số bán kính viễn vọng tăng vọt. Bầu trời đêm vẫn xuất hiện hằng ngày. Dù không thể đi du lịch, bạn vẫn có thể ra ngoài trời vào ban đêm và ngắm sao trên bầu trời”.
Hiện nay, bà Marnie Ogg đang điều hành doanh nghiệp Dark Sky Traveler có trụ sở tại Sydney và là người sáng lập Liên minh Bầu trời đêm tại châu Đại Dương. Bà mong muốn tổ chức phi lợi nhuận này có thể nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ và cộng đồng về cách giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng ở khu vực ngắm sao và tạo cơ hội phát triển ngành du lịch.
Trong hơn ba thập niên qua, phản hồi từ các du khách cho thấy, Australia là một trong những nơi tốt nhất để ngắm sao và xem dải ngân hà, mặc dù tại Mỹ hay Nhật Bản cũng có loại hình du lịch này.
“Warrumbungle” có nghĩa là ngọn núi quanh co trong ngôn ngữ của những người thổ dân truyền thống Australia, những người đã nghiên cứu thiên văn theo cách của riêng họ từ hàng nghìn năm. Dãy núi Warrumbungle vẫn đang tiếp tục trở thành địa điểm hoàn hảo để các nhà khoa học nghiên cứu thiên văn và khám phá dải ngân hà.
Khi đến đài quan sát Warrumbungle, du khách sẽ được hướng dẫn xem bản đồ bầu trời đêm để định vị được ngôi sao sáng nhất. Ngoài ra, những tín đồ thích xê dịch còn có thể cắm trại bên trong Công viên quốc gia Warrumbungle hoặc ghé thăm đài quan sát Siding Spring. Bên cạnh đó, khách du lịch có thể lựa chọn tour du lịch bầu trời đêm của các đài quan sát tư nhân bên ngoài bằng những chiếc kính thiên văn nhỏ.
Ngắm nhìn những vì sao quả thực là hoạt động thư giãn ngày càng được yêu thích. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ phải mất thời gian để làm quen với việc sử dụng kính thiên văn. “Cách dễ nhất là bắt đầu ngắm sao với một cặp ống nhòm. Đó là thứ mà hầu hết mọi người đều có thể mua” – một gợi ý từ bà Ogg cho những tín đồ thích ngắm sao và quan tâm tới ngành thiên văn học.