![]() |
Một chướng ngại vật do lực lượng cách mạng dựng lên trên đường phố Paris ngày 18/3/1871. (Nguồn: Parismusees Collections) |
Sự ra đời của Công xã Paris là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng vô sản quốc tế, mang lại những bài học sâu sắc cho giai cấp công nhân và phong trào cách mạng thế giới cũng như đặt nền móng cho nhiều cuộc cách mạng sau này.
Nhà nước vô sản đầu tiên
Cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871) đã kết thúc với thất bại nặng nề của Pháp tại chiến trường Sedan vào tháng 9/1870, dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế Pháp đệ nhị (1852-1870) do Napoléon III (1808-1873) đứng đầu. Sau thất bại này, chính quyền tư sản lâm thời của Pháp được thành lập (1797-1877) chấp nhận ký hòa ước với Phổ, làm gia tăng sự bất mãn trong quần chúng lao động.
Theo trang History, chính quyền tư sản mới Thiers dưới sự lãnh đạo của Adolphe Thiers có nhiều đặc điểm của chế độ quân chủ trước đây. Nhiều người dân Paris lo sợ chính phủ có trụ sở tại Versailles này sẽ chỉ là một nền cộng hòa trên danh nghĩa và sẽ sớm tái lập chế độ quân chủ. Vào thời điểm đó, thành phố Paris với khoảng hai triệu dân được Lực lượng Vệ binh quốc gia địa phương, với gần 400.000 thành viên, bảo vệ. Việc chính quyền Thiers bãi bỏ Lực lượng vệ binh quốc gia, tước đoạt nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, đã gây ra một cuộc nổi loạn dữ dội.
Ngày 18/3/1871, quân đội chính quyền tư sản cố gắng tịch thu đại bác của dân quân trên đồi Montmartre đã dẫn đến cuộc nổi dậy rộng khắp thủ đô Paris, nhân dân vùng lên phản kháng. Công nhân, binh lính và nhân dân Paris nhanh chóng giành quyền kiểm soát thành phố, buộc chính phủ Thiers phải tháo chạy về Versailles.
Vào ngày 26/3/1871, một cuộc bầu cử dân chủ đã diễn ra để lựa chọn các đại biểu tham gia vào Hội đồng Công xã từ nhiều tầng lớp khác nhau, chủ yếu là công nhân, thợ thủ công và trí thức tiến bộ. Ngày 28/3/1871, Hội đồng Công xã gồm 85 đại biểu ra mắt quốc dân, Công xã Paris chính thức được thành lập, trở thành chính quyền công nhân đầu tiên trong lịch sử.
Công xã thực chất là một nhà nước vô sản, không chỉ dừng lại ở việc lập ra một cơ quan tối cao (Hội đồng Công xã) mà còn thành lập một hệ thống bộ máy quản lý nhà nước như Ủy ban Quân sự và an ninh, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Giáo dục... Công xã cũng lập ra các tổ chức đoàn thể như nghiệp đoàn, các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ chức thanh niên, phụ nữ…
Nhà sử học Stewart Edwards (1937-2012) đánh giá trong cuốn Công xã Paris 1871 (1971), sự ra đời của Công xã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi lần đầu tiên giai cấp vô sản thiết lập một chính quyền độc lập dựa trên nguyên tắc dân chủ trực tiếp và kiểm soát của công nhân.
Tuy nhiên, tháng 4/1871, chính quyền Thiers tổ chức phản công với sự hỗ trợ của quân đội Phổ. Đỉnh điểm của cuộc đàn áp diễn ra trong “Tuần lễ đẫm máu” (21-28/5/1871), khi quân đội chính quyền Thiers tiến vào Paris và thực hiện cuộc tàn sát khiến hơn 20.000 công nhân và người dân Paris bị giết hại, hàng nghìn người khác bị bắt và đày đi biệt xứ. Công xã Paris, cuộc thử nghiệm nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử, chính thức sụp đổ.
Nhận định về nguyên nhân thất bại của chính quyền non trẻ này, nhà sử học người Anh Donny Gluckstein đánh giá trong cuốn Công xã Paris (2011), Công xã Paris là một thử nghiệm dũng cảm nhưng bị chính quyền tư sản bóp nghẹt và cô lập về mặt chính trị. Trong tác phẩm Sự xa xỉ của cộng đồng: Trí tưởng tượng chính trị của Công xã Paris (2015), nhà nghiên cứu người Mỹ Kristin Ross nhấn mạnh rằng, thất bại của Công xã không chỉ do lực lượng quân sự áp đảo mà còn bởi sự thiếu liên kết giữa các phong trào công nhân trên khắp nước Pháp, khiến Paris trở nên đơn độc trong cuộc đấu tranh của mình.
“Về thực chất, Công xã Paris là chính phủ của giai cấp công nhân, là kết quả đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt, là hình thức chính trị có thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế”. Karl Marx (Nội chiến ở Pháp, 1871) |
Nhiều chính sách tiến bộ
Trang History cho rằng, dù chỉ tồn tại vỏn vẹn hơn hai tháng, Công xã Paris đã thành công trong việc thiết lập nhiều quyền cơ bản được xem là phổ biến trong các nền dân chủ hiện đại như Luật lao động trẻ em, quyền của người lao động... Công xã cũng thực hiện nhiều chính sách tiến bộ nhằm xây dựng một chính quyền dân chủ và công bằng xã hội.
Về chính trị, chính quyền được tổ chức theo mô hình đại biểu do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước dân và có thể bị bãi miễn bất kỳ lúc nào, bảo đảm một nền dân chủ trực tiếp thực sự. Công xã cũng ấn định mức lương của các nhân viên nhà nước từ trên xuống đều không vượt quá mức lương của người công nhân.
Về đời sống xã hội, Công xã đã có những hoạt động quan trọng nhằm ổn định và cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động, như giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, nâng lương cho những người có mức lương thấp, nhất là nghề giáo viên, bảo đảm an ninh trật tự của thủ đô cách mạng, mở cửa các rạp hát, chiếu bóng, viện bảo tàng, cung văn hóa và các nhà triển lãm... Trong lĩnh vực giáo dục, Công xã thực hiện nhiều chính sách miễn phí, tách khỏi tôn giáo và nâng cao nhận thức chính trị, văn hóa cho giai cấp công nhân, đề ra một chế độ giáo dục lành mạnh, khoa học, chân chính cho con em người lao động.
Công xã Paris tiến hành một loạt hoạt động để thiết lập thiết chế kinh tế mới. Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất là quốc hữu hóa và giao cho công nhân quyền quản lý, kiểm soát các xí nghiệp không hoạt động, các xí nghiệp bỏ hoang, thể hiện tinh thần tự tổ chức và kiểm soát tư liệu sản xuất của giai cấp vô sản. Công xã xóa bỏ các đặc quyền của giai cấp tư sản và quý tộc, thiết lập các chính sách lao động tiến bộ như giới hạn thời gian làm việc tối đa 10 giờ mỗi ngày, cấm lao động trẻ em và hỗ trợ tiền lương cho công nhân thất nghiệp.
Đáng chú ý, theo History, phụ nữ đóng vai trò tích cực trong Công xã Paris, bao gồm đấu tranh chống lại chính quyền tư sản Thiers và chăm sóc binh lính bị thương. Một số sáng kiến về nữ quyền được đề xuất với Công xã, bao gồm tiền lương bình đẳng, quyền ly hôn và giáo dục nghề nghiệp cho phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ không được quyền bỏ phiếu và không có phụ nữ nào giữ vị trí lãnh đạo trong Công xã Paris.
Dù sớm sụp đổ, Công xã Paris là minh chứng đầu tiên cho thấy giai cấp vô sản có thể tự tổ chức và nắm giữ chính quyền. Sự kiện trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các cuộc cách mạng sau này. Lenin đã rút ra bài học từ thất bại của Công xã để xây dựng nhà nước Xô viết sau Cách mạng tháng Mười năm 1917. Lenin ca ngợi Công xã Paris là “nhà nước kiểu mới” của giai cấp vô sản, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một đảng cách mạng lãnh đạo để tránh những sai lầm tương tự.
Ở Trung Quốc, Công xã Paris được các nhà lãnh đạo cách mạng như Chủ tịch Mao Trạch Đông nghiên cứu kỹ lưỡng và coi là một trong những mô hình tham khảo cho các phong trào cách mạng. Trong những năm 1960, trong bối cảnh Đại Cách mạng văn hóa, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đề xuất mô hình “Công xã nhân dân”, lấy cảm hứng từ tinh thần tự quản và dân chủ của Công xã Paris.
Tại Việt Nam, Công xã Paris có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng, đặc biệt là tư tưởng về nhà nước vô sản và chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những bài học từ Công xã Paris khi nghiên cứu về chủ nghĩa Marx-Lenin. Trong các bài viết của mình, Người đánh giá cao tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân Paris, đồng thời nhấn mạnh rằng, sự thất bại của Công xã là do thiếu một đảng cách mạng lãnh đạo, điều mà Cách mạng Tháng Mười Nga sau này đã khắc phục.
Trong các giai đoạn đấu tranh chống thực dân, đế quốc và xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ mô hình Công xã Paris, đặc biệt trong việc tổ chức chính quyền cách mạng sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhiều chính sách như xây dựng nền dân chủ nhân dân, xóa bỏ đặc quyền giai cấp bóc lột, cải cách ruộng đất và tổ chức các đoàn thể quần chúng đều có điểm tương đồng với tư tưởng của Công xã Paris.
Dù chỉ tồn tại trong 72 ngày, Công xã Paris đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân. Những bài học từ Công xã vẫn còn nguyên giá trị đối với các phong trào cách mạng và phong trào đấu tranh vì công bằng xã hội trên toàn cầu.
![]()
| Ukraine phản hồi đề xuất ngừng bắn ở các cơ sở năng lượng: Muốn Mỹ 'bảo lãnh', tin sẽ không có 'sự phản bội' Ngày 18/3, sau cuộc điện đàm giữa các lãnh đạo Nga-Mỹ, trong đó Washington đề xuất ngừng bắn 30 ngày ở các cơ sở năng ... |
![]()
| Ukraine tấn công kho chứa dầu Nga, châu Âu nói gì về điện đàm Trump-Putin? Bất chấp cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ bước đầu đi đến ủng hộ lệnh ngừng bắn 30 ngày với ... |
![]()
| Mỹ tiết lộ thành phần đàm phán tiếp với Nga, cân nhắc ngừng mở rộng lực lượng quân sự tại một đồng minh châu Á Trong cuộc họp báo thường kỳ, người đứng đầu bộ phận báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ, Tammy Bruce cho hay vòng đàm phán mới ... |
![]()
| Mỹ nói sẵn sàng tiếp quản các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, Kiev từ chối tham dự cuộc gặp Mỹ-Nga sắp tới Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright khẳng định nước này sẵn sàng tiếp quản các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine nếu hành ... |
![]()
| Đến lượt các cơ sở năng lượng Ukraine nằm trong 'tầm ngắm' của Mỹ, Kiev muốn Washington gửi tiếp hệ thống phòng không Ngày 19/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về việc tiếp quản quyền sở hữu các ... |