Tại COP26, châu Phi kêu gọi các nước giàu giữ tôn trọng cam kết 100 tỷ USD mỗi năm. (Nguồn: UK Cop26) |
Ngày 28/10, ông Tanguy Gahouma-Bekale, Trưởng đoàn đàm phán nhóm các nước châu Phi tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) cho biết sẽ tận dụng cơ hội tham gia hội nghị tuần tới để hối thúc các nước giàu có tôn trọng và tăng cường cam kết tài trợ chống biến đổi khí hậu.
Giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đang chuẩn bị dự Hội nghị thượng đỉnh của LHQ kéo dài 2 ngày, từ 1-2/11, tại Anh, các nhà tổ chức hội nghị cảnh báo cơ hội ngăn chặn biến đổi khí hậu đang ngày càng thu hẹp.
Trong khi các nền kinh tế giàu có đặt trọng tâm vào các kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu thì các nước nghèo ở châu Phi đang phải chật vật tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính để theo đuổi các biện pháp hạn chế khí thải và vẫn phải phát triển kinh tế, thích ứng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với báo giới, ông Tanguy Gahouma-Bekale cho biết, các nước châu Phi đã chờ đợi hơn 10 năm để nhận hỗ trợ từ khoản cam kết 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước giàu có đưa ra.
Trước đó, vào năm 2009, các nước giàu có lần đầu tiên cam kết đóng góp lên đến 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo và đặt mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị bỏ lỡ với việc Chủ tịch COP26 Alok Sharma thừa nhận mục tiêu này khó có thể thực hiện trước năm 2023.
Ông Gahouma-Bekale cho biết lập trường của các nước châu Phi là thế giới có thể trở lại đúng lộ trình và tìm ra giải pháp để hoàn thành cam kết đúng hạn.
Trưởng đoàn đàm phán nhóm các nước châu Phi tham dự COP26 cũng so sánh, trong khi các quốc gia giàu có đang cố gắng tìm cách tái cơ cấu hệ thống năng lượng nhằm giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì các nước châu Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, các nước châu Phi khó có thể chấp nhận việc giới hạn phát triển kinh tế để tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đó lý do châu lục này kêu gọi hỗ trợ.
Ông Tanguy Gahouma-Bekale phân tích, dù không chịu trách nhiệm hoàn toàn trước thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay nhưng châu Phi là một trong những lục địa “dễ bị tổn thương nhất”.
Khi các nước khác đã giàu lên nhờ cách mạng công nghiệp thì các nước nghèo ở châu Phi hiện vẫn đang phải vừa chống đói nghèo, vừa đảm bảo công ăn việc làm cũng như phải đảm bảo đủ năng lượng với tình trạng gần như một nửa dân số hiện nay sống trong tình cảnh thiếu điện.
Vì vậy, quan chức châu Phi cho rằng, tại COP26, các nước cần tìm ra giải pháp giúp châu lục này có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng thay vì tìm cách chuyển đổi năng lượng.
Ông Tanguy Gahouma-Bekale cảnh báo vấn đề này có thể sẽ đòi hỏi kinh phí tài trợ lớn hơn nhiều lần so với con số 100 tỷ USD hằng năm như cam kết trước đó.