Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Ngày 28/3, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Viện năng lượng Việt Nam (IOE) tổ chức cuộc họp với chủ đề “Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050”.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành liên quan, đại diện UNDP, các nhà máy nhiệt điện than, đại diện đại sứ quán các nước tại Hà Nội, cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, bà Ramla Khadili, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian qua. Tại Việt Nam hiện nay, than vẫn chiếm vị trí quan trọng, làm nhiên liệu chính sản xuất điện, cung cấp gần một nửa tổng năng lượng điện trong nước.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào năng lượng than đang đặt ra thách thức đáng kể trong giảm phát thải carbon của ngành năng lượng. Bà Ramla hy vọng, việc đưa ra các kịch bản chuyển đổi nhiệt điện than là cơ sở để xử lý khí thải hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của việc đưa ra kịch bản chuyển đổi nhiệt điện than trong lộ trình chuyển đổi năng lượng.
Ông cho biết: “Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C tại Hội nghị COP 26 đến năm 2050. Cam kết này được thống nhất theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, với mong muốn trong tương lai không phát thải carbon”.
Hội thảo gồm hai phiên, với nội dung tổng quan về công nghệ cho chuyển đổi nhiệt điện than trên thế giới và tình hình Việt Nam; phương án chuyển đổi của 3 nhà máy nhiệt điện, các gói hỗ trợ tài chính và hướng thực hiện với nhiệt điện than.
Ông Nguyễn Xuân Trung, chuyên gia Viện Năng lượng, trình bày tình hình chuyển đổi nhiệt điện than trên thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Tại phiên đầu tiên, ông Thorncraft, chuyên gia quốc tế giới thiệu về công nghệ chuyển đổi nhiệt điện than hiện có trên thế giới. Với ưu điểm và hạn chế từng công nghệ mang lại, ông đề xuất những vấn đề chính Việt Nam cần cân nhắc trong chuyển đổi sang các công nghệ thay thế trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trung, chuyên gia Viện Năng lượng Việt Nam đưa ra góc nhìn tổng quan về tình hình chuyển đổi nhiệt điện than ở Việt Nam và thế giới.
Ông Trung cho biết, các kịch bản và định hướng phát triển ở các quốc gia có tỷ lệ điện than lớn cho thấy cần có sự chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ trong những thập niên tới để đạt các mục tiêu về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trường hợp của Nam Phi và Ấn Độ cho thấy việc chuyển đổi từ nhà máy nhiệt điện than sang dạng năng lượng xanh, lưu trữ năng lượng sẽ hỗ trợ cho sự ổn định và hiệu quả của các nguồn năng lượng tái tạo, là bài học để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm xây dựng kế hoạch.
Việc chuyển đổi từ nhà máy nhiệt điện than sang các dạng năng lượng sạch giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe, môi trường, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Với Việt Nam, định hướng chuyển đổi trong Quy hoạch điện VIII phù hợp với các cam kết của Việt Nam và xu hướng trên thế giới.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này là xu thế mới tại cả Việt Nam và quốc tế nên sẽ có nhiều vấn đề phát sinh chưa được nhận biết và đánh giá đầy đủ như: tác động tới cuộc sống, sinh hoạt của người lao động, tới kinh tế, xã hội địa phương...
Về kịch bản chuyển đổi các nhà máy điện than tại Việt Nam, ông Vũ Thế Uy, chuyên gia Viện Năng lượng nêu những định hướng chuyển đổi dựa trên Quy hoạch điện VIII, bao gồm thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy vận hành được 20 năm; dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu; phấn đấu không sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac đến năm 2050.
Ông Uy bày tỏ thêm: “Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam cũng có hạn chế nhất định, đòi hỏi chúng ta đưa ra nhiều phương hướng, kịch bản phù hợp với tình thế hiện tại, giúp giảm thiểu hạn chế một cách tối ưu nhất”.
Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Trong phiên thứ hai, các đại diện Viện Năng lượng trình bày chi tiết về phương án chuyển đổi của 3 nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong, các gói hỗ trợ tài chính tiềm năng và phương hướng thực hiện.
Qua thảo luận tại sự kiện, các đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia và các bên liên quan có cơ hội trao đổi ý tưởng và đưa ra phương hướng giải pháp chuyển đổi hiệu quả nhiệt điện than tại Việt Nam. Việc đưa ra các kịch bản chuyển đổi nhiệt điện than tại nước ta là vô cùng cần thiết để bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển bền vững và tuân thủ cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
| Liên hợp quốc nỗ lực tăng tài trợ cho Syria Ngày 17/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Syria, ... |
| Haiti tăng cường giới nghiêm nhằm trấn áp bạo lực Chính phủ Haiti tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm ở khu vực phía Tây thủ đô Port-au-Prince đến ngày 20/3. |
| Bắc Ninh nỗ lực thay đổi ý thức doanh nghiệp, bảo vệ môi trường làng nghề Trong từng bước phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí ... |
| Hải Dương tri ân người cộng sản kiên trung, mẫu mực Nguyễn Lương Bằng Ngày 27/3, Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của ... |
| Kinh tế sáng tạo - Quyền lực mềm của Kazakhstan Là nước dẫn đầu về chỉ số quyền lực mềm khu vực Trung Á, Kazakhstan có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp sáng ... |