Thành phố Copenhagen của Đan Mạch, xếp vị trí đầu tiên về tính bền vững. (Nguồn: Travel and Leisure) |
Theo một ước tính, 74% du khách Mỹ lo ngại về tác động của tình trạng quá tải, do đó, du lịch thân thiện với môi trường ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu.
Để ứng phó với tình trạng quá tải và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thu phí khi đến thăm một số địa điểm hấp dẫn khách du lịch.
Trong tháng Một, trang TripAdvisor (Mỹ) chuyên về các đánh giá điểm đến du lịch và nhà hàng trên thế giới, hợp tác với tổ chức Global Destination Sustainability Movement, đã đánh giá 100 điểm đến có xếp hạng bốn sao trở lên trong 12 tháng (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023). Tripadvisor cũng sử dụng các đánh giá của khách du lịch có chứa các cụm từ đề cập đến tính bền vững, như “thân thiện với môi trường”, “du lịch sinh thái” và “giảm thiểu rác thải” để xếp hạng các thành phố bền vững nhất thế giới.
Tuy nhiên, không có thành phố nào của Mỹ lọt vào danh sách 10 địa điểm hấp dẫn nhất của Tripadvisor, trong khi Montreal của Canada là điểm đến duy nhất ở châu Mỹ được xếp hạng.
Theo Tripadvisor, thành phố Copenhagen của Đan Mạch, xếp vị trí đầu tiên về tính bền vững. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất châu Âu và được coi là một trong những nơi sạch sẽ nhất. Đan Mạch đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2025.
Tờ The Telegraph cho biết, hơn 2/3 số khách sạn của Copenhagen có chứng chỉ thân thiện với môi trường. Thành phố này cũng có các máy trả tiền để lấy một lon rỗng hoặc cốc nhựa.
Copenhagen cũng là nơi có hơn 200 dặm đường dành cho xe đạp và một số tuyến xe lửa. Sân bay tại thành phố này là một trong những sân bay bận rộn nhất ở các nước Bắc Âu.
Xếp vị trí thứ hai trong danh sách là Stockholm (Thụy Điển), thứ ba là Bordeaux (Pháp), thứ tư là Helsinki (Phần Lan), thứ năm là Singapore. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Melbourne của Australia, Oslo (Na Uy), Brussels (Bỉ), Galway của Ireland và Belfast (thủ phủ của Bắc Ireland).
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, đã đặt mục tiêu trở thành địa điểm không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có khí hậu trong lành trong năm 2040.
Khoảng 60% nguồn cung năng lượng quốc gia của Thụy Điển đến từ năng lượng tái tạo và quốc gia này được xếp hạng trong top 10 về chỉ số về hiệu quả môi trường.