📞

Covid-19: Bảo vệ thể chất và tinh thần khi trẻ đi học trở lại, vấn đề đau đầu của phụ huynh

Kha Ninh 08:10 | 16/02/2022
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) và Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã đưa ra các khuyến nghị dành cho phụ huynh trong bối cảnh trẻ đi học trở lại khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Trong gần 2 năm qua, cuộc sống và học tập của nhiều trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trẻ không được đến trường, bị vây quanh bốn bức tường, không được giao lưu với bạn bè, thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử để học online và giải trí.

Tuy nhiên, khi một số nước cho trẻ đi học trở lại, việc làm thế nào để bảo vệ trẻ trước Covid-19, giúp trẻ làm quen, hòa nhập… lại là mối lo mới của các bậc phụ huynh.

Nhiều địa phương trên cả nước đã cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại.

Trước những lo lắng trên, Unicef và AAP đã đưa ra một số khuyến nghị hữu ích.

Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, con tôi đi học trực tiếp liệu có an toàn?

Việc học sinh không được đến trường học trực tiếp về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất, tinh thần cũng như trí tuệ, học vấn của trẻ.

Quyết định mở cửa lại trường học là một phần trong kế hoạch tiến tới cuộc sống bình thường mới. Điều quan trọng ở đây là các cơ quan quản lý, trường học phải lập kế hoạch và xem xét các biện pháp đảm bảo học sinh, giáo viên và nhân viên được an toàn khi họ quay trở lại, đồng thời khiến cộng đồng tin tưởng vào việc cho con trẻ trở lại trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đi học sẽ khác hoàn toàn so với trước kia. Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn, chuẩn bị cho con em những kiến thức, kỹ năng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các địa phương, các trường học có thể mở cửa trở lại trong một khoảng thời gian và sau đó lại đưa ra quyết định tạm thời đóng cửa. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ cần phải linh hoạt và sẵn sàng thích ứng để có những phương án phù hợp, vừa đảm bảo an toàn cho trẻ, vừa giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Làm gì để đảm bảo an toàn cho trẻ khi trở lại trường?

Theo chuyên gia của AAP, các “công cụ” bảo vệ hiệu quả trước Covid-19 là vaccine, khẩu trang và giữ khoảng cách.

AAP khuyến nghị tiêm phòng Covid-19 cho tất cả mọi người từ 5 tuổi trở lên. Trẻ em nên được chủng ngừa đầy đủ ngay khi đủ điều kiện. Bởi khi được tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ trẻ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19 thấp hơn nhiều so với chưa tiêm chủng.

Ngay cả khi con bạn đã khỏi bệnh, bé vẫn nên được chủng ngừa để kéo dài thời gian bảo vệ.

Bên cạnh đó, AAP cũng khuyến nghị việc đeo khẩu trang thường xuyên trong trường học, kể cả trong lớp học. Khẩu trang có thể ngăn virus lây lan sang những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tuy vaccine Covid-19 làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do các biến thể nhưng người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây lan virus cho người khác. Đặc biệt, các biến thể Covid-19 đang lưu hành hiện nay ngày càng dễ lây lan hơn.

Đó là lý do tại sao tất cả mọi người trên 2 tuổi nên tiếp tục đeo khẩu trang che mũi và miệng khi ra khỏi nhà. Không những thế, khẩu trang có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng khác như cảm lạnh thông thường hoặc cúm mùa.

Giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc cũng là phương pháp hiệu quả trong việc hạn chế sự lây nhiễm Covid-19. Trường học nên sắp xếp các hoạt động tập thể ở ngoài trời.

Để tránh tập trung nhiều người trong không gian kín, các lớp học cần lên kế hoạch sắp xếp chỗ ngồi của trẻ với khoảng cách an toàn.

Ngoài ba biện pháp trên, việc hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn thực sự cần thiết, hạn chế được sự lây nhiễm Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Các trường học giảng dạy theo phương pháp trực tuyến và trực tiếp.

Làm thế nào nếu con tôi bị tụt lại phía sau?

Dù gặp khó khăn do dịch bệnh, học sinh trên khắp thế giới vẫn kiên trì, cố gắng học bài với sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Nhiều trẻ em cũng cần được hỗ trợ thêm để bắt kịp việc học khi trường mở cửa trở lại.

Các trường lên nhiều phương án giúp học sinh có thể theo kịp kiến thức khi chuyển sang học trực tiếp như việc bắt đầu năm học với các khóa học bồi dưỡng hoặc phụ đạo, các chương trình sau giờ học hoặc các bài tập bổ sung được thực hiện ở nhà.

Để hỗ trợ thêm cho con, bạn nên tạo ra một không gian học ở nhà yên tĩnh giống như tại lớp học, điều này rất hữu ích khi trẻ cảm thấy bồn chồn và mất tập trung. Bên cạnh đó, phụ huynh nên theo sát và nhắc nhở trẻ làm đầy đủ bài tập được giao.

Cha mẹ nên thường xuyên liên hệ với giáo viên hoặc trường học của trẻ cập nhật thông tin. Hãy thông báo cho nhà trường và giáo viên biết nếu con bạn đang đối mặt với những khó khăn về tinh thần như đau buồn về sự mất mát thành viên gia đình, lo lắng mắc bệnh, không hòa nhập được với các bạn...

Tôi nên làm gì nếu con đang gặp khó khăn để trở lại "chế độ học tập trực tiếp"?

Khi đi học trở lại sau một thời gian dài học online, trẻ sẽ phải đối mặt với căng thẳng của cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Phụ huynh cần tạo một môi trường thoải mái, luôn đồng hành, hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi cũng như lắng nghe những chia sẻ, cảm xúc của con.

Cha mẹ không nên chê trách mà hãy thể hiện sự ủng hộ, khuyến khích và cho con biết rằng, việc cảm thấy thất vọng hoặc lo lắng vào những lúc như thế này là rất bình thường.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giúp con tuân thủ các thói quen và biến việc học trở nên vui vẻ bằng cách kết hợp nó vào các hoạt động hằng ngày của gia đình như nấu ăn, đọc sách hoặc chơi trò chơi, hoạt động thể thao.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tham gia các nhóm phụ huynh hoặc cộng đồng để kết nối với những cha mẹ khác, cùng chia sẻ kinh nghiệm, các phương pháp và nhận lời khuyên, tư vấn.

(theo Unicef/Healthy Children)