Hàn Quốc lo ngại 'siêu lây nhiễm' ở thủ đô Seoul trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: TBS) |
Đa số các ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc là ở các thành phố Daegu, Cheongdo và Gyeongsan. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm tại thủ đô Seoul gia tăng tới mức báo động khi có tới ít nhất 100 ca nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến một tổng đài điện thoại ở Tây Nam thành phố.
Theo thị trưởng Park Won-soon, đây là số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất ghi nhận tại Seoul, nơi có 25 triệu người sinh sống.
Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun bày tỏ lo ngại về hiện tượng "siêu lây nhiễm" SARS-CoV-2 ở Seoul và các khu vực lân cận, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực kiểm dịch.
Hiện tất cả các bộ, ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24h để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tổng cộng đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly đối với các du khách từ Hàn Quốc nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
* Tại Philippines, ngày 11/3, Bộ Y tế thông báo nước này đã ghi nhận ca tử vong thứ 2 do Covid-19 và thêm 16 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 49 người.
Cùng ngày, Chủ tịch Thượng viện Philippines Vicente Sotto cho biết trụ sở của Thượng viện tại thành phố Pasay, ở Manila, sẽ bị phong tỏa từ ngày 12/3 sau khi một người dương tính với SARS-CoV-2 mới đây đến tòa nhà này để dự một phiên điều trần. Bệnh nhân được cho là đã tiếp xúc với ít nhất 2 thượng nghị sỹ.
Thượng nghị sỹ Sherwin Gatchalian tuyên bố sẽ tự cách ly tại nhà, trong khi Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez cũng thông báo sẽ tham gia cách ly sau khi gặp một người bạn dương tính với virus SARS-CoV-2.
* Ngày 12/3, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc công bố báo cáo mới, theo đó, trong ngày 11/3, nước này đã ghi nhận thêm 11 ca tử vong gồm 10 ca tại tâm dịch Hồ Bắc và 1 ca tại tỉnh Thiểm Tây. Trong khi đó, thêm 15 ca mới mắc bệnh, giảm so với con số 24 ca một ngày trước.
Như vậy, tính đến hết ngày 11/3, Trung Quốc đại lục đã xác nhận tổng cộng 3.169 ca tử vong và 80.793 trường hợp mắc Covid-19. Cũng theo NHC, nước này đã ghi nhận 1.318 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện trong ngày 11/3, nâng tổng số ca xuất viện tại đây lên thành 62.793 người.
* Theo truyền hình nhà nước, ngày 11/3, Cuba đã xác nhận 3 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trên lãnh thổ nước này đều là công dân Italy tới Cuba vào ngày 9/3.
* Honduras và Jamaica thông báo ghi nhận các ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Như vậy, hiện có 15 nước khu vực Mỹ Latinh và Caribbean đã ghi nhận có ca nhiễm Covid-19, gồm Cuba, Brazil, México, Ecuador, CH Dominica, Argentina, Chile, Colombia, Perú, Costa Rica, Paraguay, Panama, Bolivia, Honduras và Jamaica, với trên 180 ca và 2 trường hợp tử vong.
Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ các nước trong khu vực đã triển khai hàng loạt các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Argentina đã hủy toàn bộ các sự kiện thể thao và văn hóa, cũng như cách ly bắt buộc với toàn bộ du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này và người dân trở về từ nước ngoài. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Panama và Peru đã tạm đóng cửa toàn bộ các trường học. Honduras đã hoãn toàn bộ các chuyến bay hồi hương người di cư nước này từ Mexico.
Bên cạnh đó, El Salvador, nước chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 tới thời điểm này, đã tuyên bố ngăn chặn dòng người di cư từ Honduras đi qua lãnh thổ nước này để tìm đường tới Mỹ, bất chấp thỏa thuận ký kết giữa các quốc gia Trung Mỹ về tự do đi lại của công dân.
Guatemala cũng cấm toàn bộ công dân châu Âu nhập cảnh vào nước này để phòng ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2.
* Ngày 12/3, Tổng thống Guyana cho biết, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 là một người phụ nữ tới từ Mỹ.
* Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia thông báo, tính đến rạng sáng 12/3, nước này đã ghi nhận thêm 24 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên con số 45.