Tăng cường kinh tế nội khối ASEAN là một nhiệm vụ khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi. (Nguồn: Công thương) |
Tăng cường kinh tế theo hướng “Gắn kết và Chủ động thích ứng”
Tại cuộc họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 23/6, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết so với khối EU, giao dịch nội khối trong ASEAN rất thấp, cụ thể, thương mại nội khối chiếm khoảng hơn 20% trong tổng giá trị thương mại của ASEAN.
“Việc này không phải ngoài ý muốn của các nước trong khối. Các nước ASEAN vẫn muốn tăng cường kinh tế nội khối, nhưng do cơ cấu về hàng hóa, tập quán làm ăn, hợp tác với các đối tác nên hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác các nước ngoài khu vực nhiều hơn so với trong khối với nhau”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Theo Thứ trưởng, dịch Covid-19 vừa qua là một lời cảnh tỉnh, khiến các nước càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tận dụng thị trường nội khối. Do vậy, biện pháp chung để gia tăng kinh tế nội khối là hợp tác, chia sẻ nhiều hơn, giảm bảo hộ mậu dịch cũng như các rào cản về pháp lý. Đây là vấn đề các nước đã từng đề cập đến khi tìm giải pháp nhằm đẩy mạnh kinh tế nội khối hơn nữa. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc đến lợi ích của doanh nghiệp và của mỗi nước nên đây không phải là vấn đề đơn giản.
Tăng cường kinh tế, thương mại nội khối ASEAN theo hướng “gắn kết và chủ động thích ứng” là một trong những ưu tiên khi Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020. Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế đánh giá tiềm năng hợp tác nội khối ASEAN là rất lớn. Khu vực đã có những sáng kiến cũng như các cam kết quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này.
Hiện nay, hầu hết thuế quan giữa các nước ASEAN đều bằng "0", lĩnh vực đầu tư và dịch vụ được đặc biệt chú trọng. ASEAN cũng đang hướng tới các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay các hiệp định kinh tế với các đối tác ASEAN +1.
Nhiệm vụ khó khăn nhưng khả thi
Tại một Hội thảo đầu năm về kinh tế ASEAN, ông Aladdin D. Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN (Ban Thư ký ASEAN) cho rằng, ASEAN đang là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 đạt khoảng 3 nghìn tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN đạt mức 5,4%, cao hơn trung bình toàn cầu khoảng 4%.
Cải thiện hệ thống chính sách là một trong những giải pháp căn bản để thúc đẩy kinh tế nội khối ASEAN. (Nguồn: QT) |
Trong thương mại, ASEAN cũng đang là nền kinh tế thương mại lớn thứ 4 trên thế giới về thương mại hàng hóa với tổng giá trị hơn 700 tỷ USD. Về đầu tư nước ngoài (FDI), tăng trưởng FDI tại ASEAN khoảng 4,4%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển khác, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn thứ 3 trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Aladdin D. Rillo nhấn mạnh, thương mại nội khối hiện nay còn tương đối thấp so với các khu vực khác. Cường độ thương mại nội khối không tăng lên, thậm chí còn giảm đáng kể trong vài năm gần đây. Để ASEAN đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối vào năm 2025, ông Aladdin D. Rillo cho rằng, thương mại nội khối ASEAN cần đạt được tốc độ tăng trưởng 9,1% trung bình hàng năm.
Theo ông Saysana Sayakone, Trưởng quan chức kinh tế cấp cao ASEAN của Lào, tiềm năng hợp tác nội khối ASEAN là rất lớn. Khu vực đã có những sáng kiến cũng như các cam kết quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này, ví dụ như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN năm 1992 với những cam kết thúc đẩy hàng rào về thuế quan và thể chế.
Ông Saysana Sayakone cho rằng, thương mại nội khối hoàn toàn có thể được cải thiện nếu giảm bớt rào cản về mặt chính sách, những biện pháp phi thuế quan. Hiện nay, trong ASEAN tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau, theo đó các biện pháp thuế quan giảm dần song các biện pháp phi thuế quan lại gia tăng cao nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Đã có khoảng 9.845 các biện pháp phi thuế quan được áp dụng bởi ASEAN và con số này có xu hướng gia tăng. Các giá trị gia tăng, dịch vụ thương mại thấp hơn nhiều so với thế giới cũng đang là một thách thức lớn.
ASEAN cần tiếp tục tận dụng tính bổ trợ giữa nền kinh tế của các quốc gia thành viên, tìm ra các lĩnh vực tiềm năng để đẩy mạnh thương mại nội khối. Một số giải pháp như tập trung nghiên cứu thêm các nhóm sản phẩm có giá trị thương mại cao; tăng cường hội nhập tài chính để hỗ trợ thương mại; tiếp tục thúc đẩy thương mại ASEAN dựa trên luật lệ… cũng hoàn toàn khả thi để tăng cường kinh tế nội khối.
Ông Aladdin D. Rillo cho rằng, thúc đẩy thương mại đầu tư nội khối là một nhiệm vụ khó khăn đối với ASEAN nhưng khi ASEAN nỗ lực và quyết tâm thì đều có thể làm tốt được.