📞

Covid-19: Mùng 2 Tết, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch, 12/13 tỉnh có xu hướng giảm ca mắc mới

16:13 | 13/02/2021
TGVN. Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến 15h chiều ngày 13/3 tức mùng 2 Tết, tổng số trường hợp dương tính tích luỹ của Việt Nam là 2.142 ca, trong đó có 1.212 ca trong nước và 35 ca tử vong.
Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

Trong vòng 14 ngày vừa qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương), đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày, thời gian đầu ghi nhận trung bình 15 ca/ngày nhưng nay đã giảm 50% số ca mắc, có thời điểm chỉ ghi nhận 1 -2 ca trong ngày.

Riêng từ ngày 25/1 đến nay đã ghi nhận 555 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (383), Quảng Ninh (59), TP Hồ Chí Minh (34), Hà Nội (29), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hải Phòng (1), Hà Giang (1).

Trong vòng 14 ngày vừa qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương), đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày, thời gian đầu ghi nhận trung bình 15 ca/ngày nhưng nay đã giảm 50% số ca mắc trong ngày, có thời điểm chỉ ghi nhận 1 -2 ca trong ngày.

Trong 4 ngày nghỉ Tết (từ ngày 10/2 đến nay, tức từ 29 Tết đến chiều mùng 2 Tết) đã ghi nhận tổng cộng 72 trường hợp mắc trong nước tại 7/13 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (56), Quảng Ninh (6), Gia Lai (5), Hà Nội (2), TP Hồ Chí Minh (1), Bắc Ninh (1) và Bắc Giang (1); ghi nhận ca mắc chủ yếu tại Hải Dương (chiếm 77.8%), Quảng Ninh (8.3%) và Gia Lai (2.8%).

“Các trường hợp mắc mới tại các tỉnh, thành phố nêu trên là các trường hợp đã được cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng, phần lớn các trường hợp đều xác định được nguồn lây liên quan tới ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh”- TS Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin.

Riêng đối với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản được kiểm soát, với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt; tính từ thời điểm ghi nhận 29 ca mắc (ngày 8/2), cao nhất trong ngày tại TP. Hồ Chí Minh, đã qua 5 ngày thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 1-2 ca trong ngày.

“6 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không nghi nhận ca mắc mới, gồm: Hải Phòng (16 ngày), Hòa Bình (13 ngày), Điện Biên (9 ngày), Hà Giang (9 ngày), Bình Dương (8 ngày) và Hưng Yên (5 ngày)”- TS Đặng Quang Tấn thông tin thêm.

Tại TP. Hồ Chí Minh hiện ghi nhận 34 ca, bao gồm 1 ca liên quan Hải Dương và 33 ca liên quan sân bay Tân Sơn Nhất. Thành phố đang tiếp tục điều tra mở rộng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan các công nhân bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Để đảm bảo cho hành khách đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên sân bay có tiếp xúc với hành khách phải được xét nghiệm trước 1 ngày vào ca làm việc. Nhân viên chỉ vào làm việc khi có kết quả âm tính. Từ ngày 11/2, nhân viên công ty VIAGS được lấy mẫu xét nghiệm giống như nhóm nhân viên phục vụ có tiếp xúc hành khách của sân bay. Nhóm nhân viên làm công việc bốc xếp hàng hoá của VIAGS được chuyển đi cách ly tập trung.

Tại TP. Hà Nội, Thành phố đã và đang triển khai truy vết, khoanh vùng, cách ly các trường hợp nghi ngờ và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng.

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản đến nay đang được kiểm soát, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế Hà Nội tiếp tục khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ, nhóm nguy cơ cao.

Hà Nội huy động 10.000 đội phòng chống dịch cộng đồng, tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tìm nốt những mảnh ghép dịch tễ trong cộng đồng.

Tại tỉnh Hải Dương ghi nhận 383 trường hợp mắc. Trong vòng 4 ngày nghỉ Tết vừa qua, riêng 2 ngày nghỉ đầu Hải Dương ghi nhận 56 ca, chiếm 77.8% ca nhiễm so với tổng số ca mắc trong ngày nghỉ Tết, 2 ngày gần đây (ngày mùng 1 và mùng 2 Tết) chưa ghi nhận ca mắc mới. Ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng, TP Chí Linh vẫn tiếp tục phong tỏa để kiểm soát tình hình dịch bệnh bên trong các khu vực này, khả năng có thêm các trường hợp mắc nhưng trong khu vực phong tỏa.

Hải Dương đang xây dựng kế hoạch liên ngành triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, ưu tiên tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại các doanh nghiệp trong vùng có dịch như các khu công nghiệm thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng…

Theo đó, các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài các cụm công nghiệp bắt buộc đăng ký xét nghiệm Sars-CoV-2 cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động; các nhà máy, phân xưởng và công nhân phải bảo đảm an toàn về phòng chống dịch mới được tiếp tục sản xuất.

Tại tỉnh Quảng Ninh tới nay ghi nhận 59 ca. Tỉnh đã chủ động rà soát, xét nghiệm diện rộng với hơn 73.000 mẫu, tập trung vào các đối tượng nguy cơ để phát hiệm sớm các trường hợp nhiễm COVID-19. Hiện tại, Quảng Ninh kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số truy vết trong toàn tỉnh là 104.233 trường hợp. Trong đó, liên quan ổ dịch ở Vân Đồn là 38.310 trường hợp; liên quan ổ dịch ở Hải Dương là 65.923 trường hợp.

Đã 11 ngày qua, Quảng Ninh chỉ ghi nhận dưới 5 ca mắc trong ngày. Chỉ trong vòng một tuần cao điểm thần tốc, quyết liệt truy vết trên diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao, cách ly tập trung hiệu quả, Quảng Ninh đã không để dịch lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc mới trong cộng đồng.

Tại tỉnh Gia Lai ghi nhận 22 trường hợp mắc, trong đó, 20 trường hợp có liên quan tới ổ dịch công ty POYUN, ca bệnh tập trung chủ yếu huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa; 2 trường hợp chưa xác định nguồn lây nhiễm (BN1888 và BN2069). 2 trường hợp này được xét nghiệm do sinh sống trong vùng phong tỏa xã Ayun Pa, huyện Ia Pa. Trong 3 ngày Tết vừa qua, Gia Lai chưa ghi nhận ca mắc mới.

Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi chỉ còn vài ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi phát hiện các địa phương trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.

(theo Bộ Y tế)