📞

Covid-19: Mỹ tranh luận về thời điểm bỏ khẩu trang, Trung Quốc áp dụng cách mới trong truy vết ca mắc

Hà Hải 13:09 | 21/11/2021
Các chuyên gia Mỹ khẳng định, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang giúp làm chậm lại tốc độ lây lan của Covid-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân sống trong khu dân cư ghi nhận ca dương tính với virus ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 11/2021. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em và tiêm mũi tăng cường đang được thúc đẩy, nhiều địa phương tại Mỹ đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và trường học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giờ vẫn chưa phải lúc có thể bỏ quy định đeo khẩu trang.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo ngay cả những người đã tiêm dủ liều vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong các không gian kín ở nơi công cộng, tại những địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng ở mức “ổn định hoặc cao”.

Hiện tại, gần 85% các hạt của Mỹ ở ngưỡng này, với ít nhất 50 ca nhiễm mới mỗi tuần trên 100.000 dân.

Tờ New York Times đã tổng hợp ý kiến các chuyên gia, trong đó dẫn các bằng chứng khoa học cho thấy đeo khẩu trang vẫn là chiến lược hiệu quả trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan.

Trong nghiên cứu do Tiến sĩ Stephen Luby, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học thuộc Đại học Stanford, cùng các cộng sự thực hiện tại hơn 600 ngôi làng ở Bangladesh, biện pháp khuyến khích đeo khẩu trang, trong đó có việc phát khẩu trang miễn phí và các chiến dịch kêu gọi cộng đồng, đã giúp tăng số người đeo khẩu trang và giảm số ca nhiễm Covid-19.

Trong khi đó chuyên gia Linsey Marr, chuyên gia về virus tại Học viện Kỹ thuật Virginia khẳng định ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang giúp làm chậm lại tốc độ lây lan của SARS-CoV-2.

Còn chuyên gia Richard Stutt của Đại học Cambridge thì cho rằng đeo khẩu trang là biện pháp phòng dịch “dễ chịu hơn” và không cản trở cuộc sống so với việc bị phong tỏa. Ông nhấn mạnh: “Đeo khẩu trang là biện pháp có chi phí rất thấp so với hầu hết các biện pháp can thiệp khác”.

Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra hiện nay là mọi người sẽ phải đeo khẩu trang đến khi nào, và trong hoàn cảnh nào.

Tháng 11, Sở y tế Los Angeles đã đưa ra một loạt tiêu chí, trong đó có ngưỡng tiêm chủng và lây nhiễm, để gỡ bỏ một số yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà.

Trong khi đó, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy mới đây bày tỏ hy vọng có thể sớm dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học, đồng thời đề xuất việc bỏ dần quy định theo từng giai đoạn, trước tiên là đối với học sinh cấp 3 vốn đã đủ điều kiện tiêm chủng.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định việc bỏ quy định đeo khẩu trang hiện vẫn là quá sớm, đặc biệt khi nước Mỹ bước vào mùa Đông, thời điểm mà mọi người ở trong nhà nhiều hơn, có nhiều dịp lễ có thể tập trung đông người trong khi điều kiện thời tiết thích hợp cho virus gây bệnh đường hô hấp lây lan nhanh.

Theo các chuyên gia, sẽ là an toàn hơn khi đợi đến đầu năm sau mới dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, sau khi có thêm nhiều trẻ em đã được tiêm đủ liều vaccine và các kỳ nghỉ kết thúc. Sau đó, việc đeo khẩu trang tự nguyện sẽ có tác dụng trong một số trường hợp, ví dụ như trong các mùa cảm cúm sau này.

Chuyên gia Marr cho rằng không nên bỏ quy định đeo khẩu trang trong trường học cho đến sau kỳ nghỉ Đông, và khi tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng trong vài tuần sau khi vào kỳ học mới ở mức thấp hoặc trung bình.

Bà nói, khi đó chúng ta có thể bỏ khẩu trang. Chuyên gia về virus gây bệnh hô hấp Seema Lakdawala thuộc Đại học Pittsburgh cũng đưa ra khung thời gian tương tự, có thể là vào tháng 2 năm sau.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng và chưa đưa ra thời điểm cụ thể.

Theo chuyên gia Rimoin: “Hiện vẫn có 1.000 người chết mỗi ngày vì Covid-19. Đây không phải vấn đề về sự thoải mái hay bất tiện, mà là vấn đề sống – chết đối với nhiều người”.

Các chuyên gia nhấn mạnh việc khi nào có thể bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc phụ thuộc vào tình hình số ca nhiễm và ca tử vong, cũng như tỷ lệ tiêm vaccine. Quyết định này phải do chính quyền từng địa phương quyết định căn cứ vào tình hình thực tế.

Các nhà khoa học hy vọng, ngay cả khi đại dịch đi qua, người dân cũng hình thành thói quen đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, trên máy bay hay xe buýt, trong mùa cảm cúm… để phòng ngừa các căn bệnh về đường hô hấp.

Liên quan tình hình dịch bệnh, trong nỗ lực kiểm soát tình trạng lây nhiễm Covid-19, Trung Quốc mới đây đã áp dụng cách tiếp cận mới tại một số địa phương nhằm nhanh chóng xác định những người có nguy cơ lây nhiễm.

Giới chức y tế thành phố Thành Đô ở phía Tây Nam đã áp dụng phương pháp xác định tiếp xúc theo thời gian và không gian. Theo cách này, nhà chức trách thông qua tín hiệu điện thoại di động sẽ xác định những người có mặt trong phạm vi 800m2 quanh bệnh nhân Covid-19 trong hơn 10 phút.

Trong khi đó, tại tỉnh Hà Nam ở miền Trung, tin nhắn sẽ được gửi tới điện thoại những người được xác định là đã ở gần bệnh nhân Covid-19 trong khoảng thời gian và không gian như trên.

Giới chức y tế cho biết, những người này sẽ được yêu cầu xét nghiệm Covid-19 hai lần trong 3 ngày và phải tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Một số vùng như thủ đô Bắc Kinh hay tỉnh Phúc Kiến cũng áp dụng cách tiếp cận này, tuy nhiên yêu cầu xét nghiệm tại từng địa phương có khác nhau.

Các chuyên gia tin rằng phương pháp mới sẽ giúp nhanh chóng xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và giảm tải công việc cho các nhân viên y tế. Một số người khác cho rằng biện pháp này có thể không phải lý tưởng nhất, nhưng tốt hơn so với việc tiến hành xét nghiệm người dân toàn thành phố.

Trong khi đó, việc truy vết những người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 vẫn được áp dụng.

(theo TTXVN)