📞

Covid-19: Nỗi lo về sự bất bình đẳng từ việc học trực tuyến

12:25 | 27/01/2021
TGVN. Đại dịch Covid-19 với việc đóng cửa trường học, khiến việc học trực tuyến trở thành một xu hướng mới. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc này sẽ góp phần gia tăng khoảng cách bất bình đẳng.
Với việc đóng cửa trường học do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc học trực tuyến đã trở thành một xu hướng mới. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sẽ góp phần gia tăng khoảng cách bất bình đẳng. (Nguồn: Robin Utrecht / REX / Shutterstock)

Trưởng ban giáo dục Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Andreas Schleicher nhận định thời kỳ đại dịch Covid-19 là một giai đoạn quan trọng có thể tác động lên cả nền giáo dục về sau. Vậy rằng liệu sau khi đại dịch kết thúc, học trực tuyến có trở thành một phương pháp mới cho giáo dục không?

Hình thức mới của giáo dục

Đã có một số ý kiến đồng tình với điều này, như thống đốc bang New York Andrew Cuomo, hồi tháng 5/2020 từng công khai bản thân không hiểu được vì sao hệ thống trường học vẫn còn tồn tại. Ông cũng tuyên bố, với sự giúp đỡ của cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và Bill Gates, hệ thống giáo dục ở bang này sẽ được cân nhắc lại.

Nhà văn Naomi Klein nhận định, Covid-19 là một cơ hội để thúc đẩy tham vọng trong giáo dục của những gã khổng lồ công nghệ.

Theo giám đốc NPDL, một doanh nghiệp quốc tế về giáo dục, Michael Fullan và Joanne Quinn: "Sau khi kết thúc đại dịch, sẽ có sự kết hợp giữa những tiến bộ liên tục trong công nghệ kỹ thuật số cũng như sự tăng cường nhu cầu về phương pháp học lấy sinh viên làm trung tâm, mang đến cơ hội chưa từng có để thay đổi hệ thống giáo dục".

Hannah Owen của Nesta, một doanh nghiệp công nghệ ở Anh, cho biết: "Đại dịch Covid-19 đã tạo động lực để các trường học áp dụng, triển khai và sử dụng nhiều chức năng hơn công nghệ. Rất có thể các mô hình kết hợp giữa các nền tảng kỹ thuật số và phương pháp học truyền thống được áp dụng, góp phần giảm thiểu khối lượng công việc của giáo viên".

Vậy liệu rằng các trường có tiếp tục tăng cường phương pháp kỹ thuật số cho giáo dục sau khi kết thúc đại dịch? Đối với các nhà đầu tư, chắc chắn là có.

Theo HolonIQ, đầu tư toàn cầu vào các công nghệ giáo dục tăng hơn gấp đôi, từ 7 tỷ USD năm 2019 lên mức kỷ lục 16,1 tỷ USD vào năm 2020.

Nỗi lo về sự bất bình đẳng và tư nhân hóa

Mặt khác, cũng có nhiều người lo ngại phương pháp này sẽ góp phần gia tăng khoảng cách bất bình đẳng khi những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ không có đủ điều kiện vật chất.

Ví dụ, nghiên cứu của Sutton Trust cho thấy, trong số những học sinh tham gia học trực tuyến thì 30% học sinh thuộc gia đình trung lưu, so với 16% học sinh thuộc tầng lớp lao động.

Tỷ lệ này ở các trường tư thục có khả năng cao hơn gấp đôi so với trường công lập. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh không thành thạo hay thậm chí không biết sử dụng công nghệ để có thể hướng dẫn con trẻ kết nối với việc học.

Karen Giles, Hiệu trưởng trường Barham cho biết: "Hầu hết trẻ em đều có thiết bị công nghệ, nhưng nó có thể là điện thoại di động của bố mẹ, hoặc là tivi ở phòng khách. Điều này là không công bằng, khi những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, và ngược lại với những em có hoàn cảnh thuận lợi. Tôi quyết tâm sẽ thu hẹp khoảng cách đó".

Bà Giles đã chấp nhận đề nghị giúp đỡ của chính phủ với hy vọng giải quyết được vấn đề. Bộ Giáo dục đã cung cấp hơn 800.000 máy tính cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên cũng xảy ra nhiều bất cập, như việc cung cấp thiết bị của Barham đã bị cắt giảm từ 20 xuống chỉ còn 6 do sự thay đổi tiêu chí hỗ trợ vào hồi tháng 10. Sutton Trust đã báo cáo vào đầu tháng này rằng chỉ 10% giáo viên ở Anh cho biết tất cả học sinh của họ được tiếp cận đầy đủ với các thiết bị và internet.

Các nhà vận động về quyền riêng tư cũng lo ngại những hậu quả mà việc học trực tuyến có thể gây ra cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ví dụ, trong thỏa thuận với Google để hỗ trợ việc học trực tuyến, các trường học đồng ý Google có thể thực hiện "các thay đổi hợp lý về mặt thương mại" tùy từng thời điểm.

Jen Persson của nhóm chiến dịch Defend Digital Me, nhận định: "Các điều khoản và điều kiện cho nhiều sản phẩm này rất dài, khó theo dõi, thay đổi thường xuyên và trường học không gửi chúng cho phụ huynh để nắm bắt thông tin. Vì vậy, rất khó để hiểu cách Google, hoặc thậm chí là bất kỳ ai khác, xử lý dữ liệu của trẻ em như thế nào".

Vào tháng 9/2020, Hội đồng Trách nhiệm Giải trình Kỹ thuật số Quốc tế có trụ sở tại Washington đã báo cáo rằng 79 trong số 123 ứng dụng giáo dục mà họ nhận thấy dữ liệu thông tin của người dùng được chia sẻ với các bên thứ ba, có thể bao gồm tên, địa chỉ email, dữ liệu vị trí và ID thiết bị.

Ông Schleicher sau đó cũng phủ nhận mối lo này, khi nhận định các dữ liệu thông tin của người dùng chỉ là để hỗ trợ đồng bộ với hệ thống phần mềm, giúp cho việc tùy chỉnh thuận lợi, chứ không phải để đánh cắp thông tin.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng lo ngại việc học trực tuyến có thể tạo điều kiện cho tư nhân hóa thị trường một cách ngấm ngầm.

Ben Williamson, một nhà nghiên cứu giáo dục tại Đại học Edinburgh, cho biết: "Nếu chúng ta hiểu tư nhân hóa là việc cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân theo truyền thống do nhà nước cung cấp, thì trong thời kỳ đại dịch, một phần lớn giáo dục ở Anh đã bị tư nhân hóa. Ví dụ Google, Microsoft và những doanh nghiệp tư nhân khác có thể thâm nhập và gây ảnh hưởng đến các trường học qua việc tiếp tục triển khai mô hình trường học kỹ thuật số mới của họ, dựa trên phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các chức năng tự động, thích ứng".

Không chỉ Williamson, cũng nhiều người lo ngại việc phân phối giáo dục của nhà nước sau này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty tư nhân nếu tình trạng vẫn còn tiếp diễn.

Xu hướng không thể tránh khỏi?

Thực tế tồn tại nhiều luồng ý kiến, ủng hộ và phản đối, nhưng khó có thể phủ nhận phương pháp học trực tuyến đang trở thành một xu thế mới, khi đa số học sinh, sinh viên đang tích cực áp dụng phương pháp này.

Bukky Yusuf, lãnh đạo cấp cao và là trưởng nhóm khoa học tại trường Edith Kay, Bắc London, Anh nhận định: "Hình thức học trực tuyến có thể giúp giảm thiểu lo lắng cho một số người, vì họ có các tùy chọn về thời điểm và cách thức họ tham gia, thông qua video, âm thanh hoặc tính năng trò chuyện".

Nhiều giáo viên ở Barham cũng cảm thấy có thể chuẩn bị bài giảng tốt hơn với việc học trực tuyến. Họ nhận thấy kết hợp giảng dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến góp phần gia tăng sự tham gia của phụ huynh, giúp các học sinh có thể giao tiếp, trao đổi bài, cũng như nâng cao kỹ năng máy tính của học sinh và cải thiện việc giám sát các tiêu chuẩn giảng dạy.

Tương lai của việc học trực tuyến sau đại dịch Covid-19 vẫn đang là vấn đề gây nhiều sự tranh cãi, đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng cả mặt tích cực lẫn tiêu cực để tìm ra giải pháp hợp lý nhất, không chỉ riêng vấn đề học trực tuyến mà còn cả tương lai của nền giáo dục trên thế giới.

(theo Dân trí/The Guardian)