Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 30/5 vượt dự báo nhưng giảm 249.000 so với tuần trước đó, cho thấy tốc độ sa thải nhân công đang chậm lại.
Theo chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Ngân sách và Các ưu tiên chính sách Jared Bernstein, số liệu trên cùng các số liệu khác không phải là dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang cải thiện mà chỉ cho thấy tốc độ xấu đi chậm hơn.
Tỷ lệ những người thất nghiệp được bảo hiểm, tức số người thực sự được nhận trợ cấp, tăng lên 14,8% trong tuần kết thúc ngày 23/5, với 21,5 triệu người nhận được trợ cấp, cho thấy ít người đi làm trở lại hơn. Theo báo cáo của tuần trước, tỷ lệ những người được nhận trợ cấp giảm, khi các bang cho phép các doanh nghiệp hoạt động.
Số liệu mới được công bố trước khi báo cáo việc làm tháng Năm được Bộ Lao động công bố vào ngày 5/6, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 14,7% trong tháng Tư được cho là sẽ tăng lên.
Ông Bernstein cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp quốc gia có thể ở mức 20% hoặc hơn, gấp đôi mức đỉnh điểm trong cuộc Đại Suy thoái.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và giao thông bị ngưng trệ, xuất, nhập khẩu của Mỹ giảm kỷ lục trong tháng 4 đã khiến thâm hụt thương mại của nước này tăng hơn 7 tỷ USD, lên 49,5 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ giảm hơn 20% so với tháng Ba, hay 39 tỷ USD, xuống 151,3 tỷ USD, mức thấp nhất trong 10 năm. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 13,7%, hay 32 tỷ USD, xuống 200,7 tỷ USD.
Tính từ đầu năm tới nay, thâm hụt thương mại Mỹ tăng 26 tỷ USD (tương đương 13%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác động của việc đóng cửa doanh nghiệp nhằm kiểm soát dịch bệnh được thấy qua tất cả các lĩnh vực và các mặt hàng như sản xuất máy bay, đi lại bằng đường hàng không, dầu mỏ, linh kiện ô tô và quần áo.
Mặc dù sự sụt giảm mạnh kim ngạch thương mại có nghĩa thâm hụt hàng hóa của Mỹ với hầu hết các nước sẽ giảm, mức thâm hụt của nước này với Trung Quốc tăng từ 17 tỷ USD trong tháng 3 lên gần 26 tỷ USD trong tháng 4.
Theo nhà phân tích Rubeela Farooqi thuộc High Frequency Economics, xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn và nhu cầu giảm cả ở trong nước và nước ngoài do tác động của đại dịch.