Nhỏ Bình thường Lớn

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ chính thức có hiệu lực, Nhật Bản kiên quyết không tham gia

TGVN. Hiệp ước của Liên hợp quốc (LHQ) cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020.
Radiation Cinema
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020. (Nguồn: Radiation Cinema)

Đây là một bước tiến mới mà những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử và các nhà hoạt động chống hạt nhân rất mong đợi.

Hồi tháng 7/2017, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước, với sự chấp thuận của 122 quốc gia. Hiệp ước này cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Giáo hoàng Francis bày tỏ hoan nghênh Hiệp ước này có hiệu lực.

Ông Guterres nhấn mạnh: "Hiệp ước là bước đi quan trọng hướng đến mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và là minh chứng mạnh mẽ ủng hộ các cách tiếp cận đa phương đối với giải trừ quân bị hạt nhân".

Tổng Thư ký Guterres ca ngợi đây là "hiệp ước giải trừ quân bị hạt nhân đa phương đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ", đồng thời kêu gọi "tất cả các quốc gia cùng nhau thực hiện tham vọng này, nhằm thúc đẩy an ninh chung và an toàn tập thể".

Trong khi đó, Giáo hoàng Francis cho rằng, TPNW "là công cụ quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên nghiêm cấm rõ ràng những loại vũ khí này. Việc sử dụng bừa bãi những vũ khí hạt nhân ảnh hưởng đến nhiều người trong thời gian ngắn và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho môi trường".

Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Peter Mauer cũng nêu rõ: "Hôm nay là chiến thắng cho nhân loại chung của chúng ta. Chúng ta hãy nắm bắt thời điểm - và thực hiện hiệp ước bằng mọi cách để đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Trong khi các quốc gia và khu vực tham gia hy vọng rằng, TNPW sẽ tạo động lực cho phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, thì việc ra mắt quy chuẩn quốc tế lịch sử này lại bị các quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng như Nhật Bản, quốc gia duy nhất đã phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử, từ chối.

Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) đều là các cường quốc hạt nhân và đều phản đối Hiệp ước cấm hạt nhân. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác như Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan cũng từ chối tham gia.

Ngày 22/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide một lần nữa nhấn mạnh, nước này không có ý định tham gia TPNW vì cho rằng, cần phải theo đuổi một lộ trình chắc chắn và thiết thực hướng tới giải trừ quân bị hạt nhân.

TIN LIÊN QUAN
Cập nhật Covid-19 ngày 22/1: Toàn cầu hơn 98 triệu ca nhiễm; Tổng thống Mỹ Biden hành động cứng rắn; châu Âu hối thúc mạnh tay
Mỹ bắt đầu quay lại WHO như thế nào?
Đối mặt chu kỳ đầy thách thức, đảng Dân chủ Mỹ chọn được Chủ tịch mới
Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Biden muốn gì về Hiệp ước New START?
Tương lai vũ khí hạt nhân Mỹ dưới thời ông Joe Biden

(theo Kyodo, AFP)

Tin cũ hơn