📞

Covid-19 ở Việt Nam chiều 12/5: Thêm 30 ca mắc mới trong nước, riêng Đà Nẵng 20 ca; Chuyên gia nói gì về sốc phản vệ

Chu Văn 18:24 | 12/05/2021
Bản tin chiều 12/5 của Bộ Y tế cho biết, có thêm 30 ca mắc mới Covid-19 trong nước tại khu vực đã được cách ly, riêng Đà Nẵng là 20 ca; không có ca mới nào được ghi nhận trong bệnh viện đã phong toả. Việt Nam hiện có 3.623 bệnh nhân
Chiều 12/5, thêm 30 ca mắc mới Covid-19 trong nước, riêng Đà Nẵng 20 ca.

Thông tin diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam mới nhất

Tính từ 12h đến 18h ngày 12/5 có 30 ca mắc mới (BN3594-3623):

- 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

- 30 ca mắc ghi nhận trong nước tại Đà Nẵng (20), Hà Nội (7), Bắc Giang (2), Phú Thọ (1), trong đó:

+ Số ca mới trong khu vực đã được cách ly: 30 ca

+ Số ca mới trong bệnh viện được phong tỏa: 0 ca

- Không phát hiện các ổ dịch mới.

Tính đến 12h ngày 12/5:

- Việt Nam có tổng cộng 2.180 ca ghi nhận trong nước và 1.443 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 610 ca.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

- CA BỆNH BN3594 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nữ, 8 tuổi, địa chỉ tại huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

- CA BỆNH BN3595 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nữ, 59 tuổi, địa chỉ tại thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

- CA BỆNH BN3596 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nam, 41 tuổi, địa chỉ tại huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

- CA BỆNH BN3597 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nam, 38 tuổi, địa chỉ tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

- CA BỆNH BN3598 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nữ, 20 tuổi, địa chỉ tại huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

- CA BỆNH BN3609 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nữ, 66 tuổi, địa chỉ tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

- CA BỆNH BN3623 ghi nhận tại thành phố Hà Nội: Bệnh nhân nữ, 68 tuổi, địa chỉ tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly.

Kết quả xét nghiệm ngày 11-12/5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

- CA BỆNH BN3599-BN3608, BN3610-BN3619 ghi nhận tại thành phố Đà Nẵng; là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 11-12/5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

- CA BỆNH BN3620-BN3621 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang; liên quan đến ổ dịch CTY SJ Tech, đã được cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm ngày 12/5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bắc Giang.

- CA BỆNH BN3622 ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ: Bệnh nhân nữ, 59 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là F1 của BN3116, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 12/5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ.

Thông tin xét nghiệm: Số lượng mẫu xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 306.138 mẫu.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 70.693 người trong đó:

- Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 995

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 30.291

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 39.407.

Tình hình điều trị:

- 18 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN2660-BN2701-BN2728-BN2727-BN2813-BN3172-BN2694-BN2736-BN2802-BN2735-BN2737-BN2722-BN2717-BN2716-BN2681-BN2698-BN2783-BN2758

- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

+ Lần 1: 19

+ Lần 2: 18

+ Lần 3: 25

- Số ca tử vong: 35 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 2.636 ca.

Chuyên gia khuyến cáo về dị ứng với vaccine Covid-19

Nói về vấn đề dị ứng với vaccine, PGS.TS. Hoàng Thị Lâm, Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch Da liễu bệnh viện E, Chủ tịch chi hội Dị ứng Miễn dịch Y học giấc ngủ, khẳng định, vaccine ngừa Covid-19 có vai trò tạo miễn dịch để giúp cơ thể phòng tránh bệnh. Khi tiêm vvaccine, phần lớn các trường hợp, sẽ tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể phòng nhiễm Covid-19 mà không có tai biến nào.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sẽ có những tác dụng không mong muốn khi đưa vaccine vào cơ thể. Những tác dụng không mong muốn này này đa phần đều thoáng qua và hết trong vòng 2-3 ngày sau khi tiêm. Các phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, nóng đỏ, đau. Các triệu chứng toàn thân tiếp theo có thể là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, sốt, run, nôn hoặc buồn nôn.

Các triệu chứng này đều do tác dụng tạo miễn dịch bảo vệ của vaccine mà không phải do nguyên nhân dị ứng. Một số thuốc có thể làm giảm nhẹ triệu chứng khi tiêm như ibuprofen, paracetamol, aspirin, kháng histamine.

Mặc dù vậy, nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này trong quá trình tiêm vaccine. Đặc biệt, một số biện pháp hỗ trợ như nghỉ ngơi đủ, uống nhiều nước, mặc quần áo thoải mái, vận động nhẹ nhàng và có thể chườm lạnh lên chỗ tiêm cũng góp phần làm giảm các triệu chứng (nếu có) sau khi tiêm vaccine.

Theo PGS.TS. Hoàng Thị Lâm, dị ứng vaccine là phản ứng bất thường của cơ thể khi tiếp xúc với vaccine. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với nguyên nhân nghi ngờ, nhưng cũng có thể xuất hiện rất chậm từ vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần sau đó. Bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng vaccine cũng rất đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng, có thể ảnh hưởng đến một cơ quan nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cùng lúc.

Dị ứng nhanh có thể nhẹ như là mày đay phù Quinck viêm da... nhưng cũng có thể nặng như xuất hiện phản vệ mà nặng hơn nữa là sốc phản vệ với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt ngất xỉu, suy hô hấp, trụy tim mạch có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Dị ứng chậm cũng rất đa dạng như bệnh huyết thanh, viêm mạch, rối loạn tế bào máu, tổn thương da nặng như DRESS, Stevens Johnson, Lyell…

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng, tức là những người mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, dị ứng thuốc, dị ứng vaccine, sốc phản vệ, dị ứng thức ăn, dị ứng latex, dị ứng nọc côn trùng... là những người dễ dị ứng vaccine hơn so với những người khác.

Tóm lại, dị ứng vaccine có tỉ lệ rất thấp, đặc biệt là sốc phản vệ, khoảng 1 trường hợp/1triệu liều vaccine nói chung. Tuy nhiên, với vaccine ngừa Covid-19, trong những ngày đầu tiên sử dụng đã có 2 trường hợp sốc phản vệ ở Anh và 6 trường hợp ở Mỹ và sau một thời gian tỉ lệ này đã được ước tính khoảng 1 trường hợp/200.000 đến 400.000 liều vaccine.

Mặc dù vậy, phản ứng dị ứng với vaccine hiếm khi xảy ra ở những người không có cơ địa dị ứng. Chính vì vậy, tuân thủ chỉ định tiêm vaccine cũng như tuân theo phác đồ xử trí dị ứng của Bộ Y Tế là biện pháp an toàn, giúp phòng tránh dị ứng khi tiêm vaccine.

(theo Bộ Y tế)