Tính từ ngày 29/4 đến trưa 28/9, Hà Nội ghi nhận 3.971 ca dương tính với Covid-19. (Nguồn: Vietnamnet) |
TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19:
Thông tin các ca nhiễm mới:
- Tính từ 17h ngày 27/9 đến 17h ngày 28/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới, trong đó 06 ca nhập cảnh và 4.583 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.759 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 717 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Bình Dương (2.575), Đồng Nai (787), TP. Hồ Chí Minh (377), An Giang (232), Long An (159), Kiên Giang (70), Tây Ninh (55), Cần Thơ (52), Bình Thuận (48), Tiền Giang (38), Khánh Hòa (35), Ninh Thuận (16), Bình Phước (15), Quảng Bình (15), Đắk Lắk (14), Hậu Giang (11), Hà Nam (11), Cà Mau (10), Vĩnh Long (8 ), Trà Vinh (7), Đồng Tháp (7), Hà Nội (6), Đắk Nông (5), Bình Định (5), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (4), Phú Yên (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Quảng Ninh (2), Bến Tre (2), Quảng Nam (2), Đà Nẵng (2), Bắc Giang (1), Bạc Liêu (1).
- Ngoài ra, trong 24 giờ qua, TP. Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, kết quả ghi nhận 3.417 trường hợp dương tính với test kháng nguyên nhanh.
- Về số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với test kháng nguyên nhanh được phát hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ ngày 20/8/2021 đến nay (khoảng 150.000 người), do TP. Hồ Chí Minh cần thời gian để rà soát, phân loại, lọc trùng số lượng này nên hiện chưa nhập thông tin lấy mã số và có báo cáo cụ thể gửi Bộ Y tế.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-1.218), Long An (-31), Tây Ninh (-25).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (171), An Giang (101), Bình Thuận (16).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 9.020 ca/ngày.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 770.640 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.830 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 766.110 ca, trong đó có 554.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 06 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (376.171), Bình Dương (206.564), Đồng Nai (47.070), Long An (32.211), Tiền Giang (13.883).
TÌNH HÌNH ĐIỀU TRỊ
Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 21.487
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 559.941
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.358 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.001
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.252
- Thở máy không xâm lấn: 202
- Thở máy xâm lấn: 875
- ECMO: 28
Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 178 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (131), Bình Dương (15), Đồng Nai (6), Long An (5), Tiền Giang (5), An Giang (5), Kiên Giang (4), Đà Nẵng (2), Quảng Ngãi (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), Sóc Trăng (1),
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 199 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,0%).
TÌNH HÌNH XÉT NGHIỆM:
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 15.043 xét nghiệm cho 130.796 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.152.139 mẫu cho 52.035.272 lượt người.
44% dân số cả nước đã tiêm vaccine
Theo số liệu cập nhật trên Cổng tiêm chủng Quốc gia, đến 12h trưa ngày 28/9, cả nước đã tiêm trên 40,2 triệu liều vaccine Covid-19, tỉ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine đạt khoảng 44%, tiêm đủ 2 liều xấp xỉ 12%.
Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều đạt gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi vaccine, số tiêm đủ 2 mũi của Hà Nội là 18,73%, TP. Hồ Chí Minh khoảng 40%.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) là Lạng Sơn, Đồng Tháp, Lào Cai, Bình Phước, Cà Mau, Đà Nẵng, Phú Thọ, Cao Bằng, Điện Biên và Vĩnh Long.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) là: Hưng Yên, Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Trị, Kiên Giang, Hải Phòng, Hoà Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi và Quảng Bình.
Đến nay Việt Nam đã tiếp cận khoảng gần 57 triệu liều vaccine các loại khác nhau gồm AstraZeneca; Moderna; Vero Cell, Pfizer; Sputnik V; Abdala...
Đảm bảo quyền lợi của F0 khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, UBND thành phố về cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi công năng để điều trị Covid-19. Trong thời gian chờ văn bản của các cơ quan cấp trên, Sở tạm hướng dẫn về chi phí phòng, chống dịch đối với các cơ sở y tế tư nhân.
Cụ thể, về chế độ phụ cấp chống dịch, nhân viên của các cơ sở y tế tư nhân được phân công tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được hưởng các chế độ phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh (trừ nhân viên của các công ty cung ứng dịch vụ).
Về chi phí khám, chữa bệnh đối với bệnh Covid-19, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Covid-19 bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Thông tư 32/2012/TT BTC ngày 29/2/2021 của Bộ Tài chính và công văn 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021 của Bộ Y tế); bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Ngoài ra, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tạm thanh toán cho cơ sở y tế tư nhân các chi phí như chi phí cách ly y tế, bao gồm tiền ăn 80.000 đồng/người bệnh/ngày, chi phí sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày; chi phí mai táng (nếu có) trong trường hợp người bệnh điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân tử vong thì ngân sách Nhà nước chi trả các chi phí mai táng tương tự như các bệnh viện công lập hiện nay, là theo chi phí thực tế phát sinh nhưng không quá 17.000.000 đồng/ca.
Sở yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân tổ chức khám chữa bệnh cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quyền lợi của người mắc Covid-19 khi khám, chữa bệnh tại cơ sở.
Bộ Y tế thông tin về việc cập nhật ca F0 qua xét nghiệm bằng test nhanh
Liên quan đến việc TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Y tế ngày 27/9 về việc cấp mã số cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, trao đổi với phóng viên sáng 28/9, đại diện Bộ Y tế cho biết:
Ngày 3/4/2020, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1850/BYT-DP hướng dẫn việc thông báo ca bệnh Covid-19 trên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch Covid-19.
Ngày 20/8/2021, Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh trong đó có nêu rõ:
"Kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0 đối với những trường hợp được chỉ định cách ly tại nhà và chỉ thực hiện xét nghiệm RT-PCR khẳng định đối với trường hợp đưa đến các khu cách ly y tế tập trung. Số ca dương tính hàng ngày được thống kê bao gồm cả số ca test nhanh dương tính".
"Như vậy, việc báo cáo ca bệnh Covid-19 (F0) là do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện thông qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động đã được Bộ Y tế hướng dẫn" - đại diện Bộ Y tế cho biết.
F0 mới ở Hà Nội từng đi mua thực phẩm, phường phát thông báo khẩn Theo thông báo của UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, sau khi tiếp nhận thông tin trên địa bàn ghi nhận một ca dương tính SARS-CoV-2 là chị N.T.T.T., 40 tuổi, trú tại ngõ 6 Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, cơ quan chức năng đã nhanh chóng rà soát điều tra lịch trình dịch tễ của ca bệnh. Phường Nguyễn Trãi đã phát đi thông báo tìm người dân đã tiếp xúc với F0 hoặc liên quan tới các địa điểm mà F0 từng đến theo lịch trình dưới đây: - Sáng 23/9 và 25/9, F0 đi mua lương thực thực phẩm ở phố Tản Đà tại các cửa hàng: mua thịt lợn 46B Tản Đà, mua cua ở 10B Tản Đà, mua thịt lợn 46 Tản Đà và mua rau không nhớ rõ địa chỉ. - Sáng 24/9, F0 đi mua bún riêu ở 59A Tô Hiệu. - Sáng 27/9, F0 đi mua thuốc tại nhà thuốc 90 Tô Hiệu. Phường Nguyễn Trãi đề nghị tất cả người dân liên quan cần khẩn trương khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn, ứng dụng Ncovi, Bluezone và liên hệ ngay với Trạm Y tế tại nơi cư trú hoặc CDC Hà Nội: 0969.082.115 - 0949.396.115 để được tư vấn, hướng dẫn cách ly. Đối với công dân phường Nguyễn Trãi, để được hướng dẫn, liên hệ theo đường dây nóng: 0936.400.485 - 0396.903.315. Những trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo không chính xác, trung thực nhằm mục đích trốn cách ly căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Trước đó, như đã đưa tin, bệnh nhân N.T.T.T. sống trong ổ dịch ngõ 326 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân và từ ngày 2-22/9 được cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung Trường Đại học FPT. Ngày 23/9, bệnh nhân hoàn thành cách ly tập trung và về nhà chồng ở ngõ 6 Lê Lợi, Hà Đông. Ngày 24/9, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng. Ngày 27/9, bệnh nhân khai báo y tế và được trạm y tế phường Nguyễn Trãi xét nghiệm test nhanh cho kết quả dương tính, lấy mẫu xét nghiệm PCR khẳng định dương tính. |