📞

Covid-19 ở Việt Nam chiều 7/1: Thêm 4 ca mắc mới, xuất hiện biến thể virus tại 38 quốc gia, chiến thuật phòng chống là gì?

Chu Văn 18:24 | 07/01/2021
TGVN. Bản tin 18h ngày 7/1, của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã ghi nhận 4 ca mắc mới Covid-19 là người nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 1.509 bệnh nhân. Tính đến ngày 5/1, thế giới đã ghi nhận 38 quốc gia có biến thể mới của virus, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng.
Ghi nhận thêm 4 ca mắc mới Covid-19 là người nhập cảnh được cách ly ngay.

Cập nhật số ca mắc Covid-19 mới

- Tính đến 18h ngày 7/1: Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

- Tính từ 18h ngày 6/1 đến 18h ngày 7/1: 4 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Hôm nay là ngày thứ 37 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Riêng Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng.

TP. Hồ Chí Minh cũng trải qua 37 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới ở cộng đồng.

Thông tin ca mắc mới: 4 ca mắc mới (BN1506-1509) là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Phú Yên (4). Cụ thể:

- CA BỆNH 1506 (BN1506): nữ, 49 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Tân Phú, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

- CA BỆNH 1507 (BN1507): nam, 28 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

- CA BỆNH 1508 (BN1508): nam, 65 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

- CA BỆNH 1509 (BN1509): nữ, 52 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường 11, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 1/1, các bệnh nhân trên từ Hoa Kỳ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN441, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Phú Yên. Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang ngày 6/1 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 7 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại tỉnh Phú Yên.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 19.392, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 153

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.396

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.843.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.353 bệnh nhân/ 1.509 bệnh nhân Covid-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 6 ca, số ca âm tính lần 3 là 7 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 2 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại BVĐK TW Quảng Nam và BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh. Sáng ngày 7/1 tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn đã chủ trì buổi hội chẩn 2 ca bệnh Covid-19 nặng này.

Tại buổi hội chẩn, BV Bệnh Nhiệt đới TW xin ý kiến biểu hiện suy giáp, cơ yếu, thường xuyên có cơn rét run, hạ thân nhiệt, cơn bão cytokin xuất hiện; biểu hiện suy tim, tắc mạch phổi; xem xét sử dụng huyết thanh của người khỏi bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn đề nghị BV Bệnh Nhiệt đới TW xem xét lọc máu, xem xét ECMO; theo dõi các thông số dịch; tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch; theo dõi các chỉ số về tim mạch; nội tiết.

Hội đồng chuyên môn cũng điều phối thuốc hiếm “remdesivir” từ BVĐK TW Quảng Nam hỗ trợ BV Bệnh nhiệt đới TW để kịp thời điều trị bệnh nhân; Bệnh viện tăng cường nhân lực để theo dõi sát trình trạng bệnh nhân;

Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).

Không thay đổi chiến thuật phòng, chống Covid-19

Thông tin tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/1, TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tính đến ngày 5/1, thế giới đã ghi nhận 38 quốc gia có biến thể mới của virus, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện có 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyên bay đến và đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn biến thể mới lây lan.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất, trước sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các lực lượng cần theo dõi tình hình, nhưng về cơ bản, không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch bệnh trong nước, tiếp tục “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong”. Các bộ, ngành, địa phương khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, nguồn lây nhiễm hiện nay của các nước chủ yếu là do không kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly không nghiêm, phong toả không chặt. Do vậy, ở trong nước, từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

Bên ngoài, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chính quyền cơ sở, lực lượng công an cần nắm sát địa bàn, từng gia đình có người thân đang ở nước ngoài, nhất là những nơi có thể đi đường bộ về Việt Nam. Những gia đình này phải được vận động liên lạc với người thân ở nước ngoài không nhập cảnh bất hợp pháp và nếu có nhu cầu nhập cảnh, phải theo đường hợp pháp, thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly tập trung.

Qua phản ánh của một số địa phương về hoàn cảnh rất khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí cách ly tập trung, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ. Trước mắt, các địa phương có khu cách ly tập trung chủ động bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ các đối tượng thực sự khó khăn.

Về các chuyến bay giải cứu, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị lực lượng quân đội, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, thực hiện đúng chỉ đạo Thủ tướng bảo đảm cách ly thật an toàn, từng bước giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương phải tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh những nơi có dấu hiệu lơi lỏng trong thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú đối với người hoàn thành cách ly tập trung trong vòng ít nhất 14 ngày.

Đối với một số trường hợp cá biệt sau khi nhập cảnh hơn 14 ngày, qua xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện mắc Covid-19, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu phải rà soát đánh giá kỹ lại toàn bộ quy trình, quy định trong quá trình cách ly tập trung, hạn chế tối đa lây nhiễm trong khu cách ly tập trung do quân đội quản lý cũng như các khu cách ly dân sự ở khách sạn.

Đối với một số trường hợp cá biệt (sau khi nhập cảnh 14 ngày, xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị rà soát, đánh giá lại quy định nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, Bộ Y tế, chỉ đạo ngành Y tế tăng cường công tác kiểm soát trường hợp cách ly tại khách sạn; tăng cường cập nhật thông tin trên các hệ thống để đảm bảo theo dõi tất cả mọi người Việt Nam từ khâu bắt đầu đăng ký để được về nước, đến khi về nước thực hiện cách ly, giám sát y tế.

Những trường hợp nghi nhiễm Covid-19, các CDC địa phương triển khai biện pháp ứng phó như đối với người đã nhiễm bệnh, nhưng cũng cần thông tin rõ đây là trường hợp nghi nhiễm trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định cuối cùng.

Tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong 14 ngày

Về thời gian thực hiện cách ly, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết, thời gian ủ bệnh của người nhiễm virus SARS-CoV-2 đến khi xét nghiệm, phát hiện mắc Covid-19 sớm nhất từ khoảng 1 - 2 ngày, trung bình khoảng 5 - 6 ngày. Một số trường hợp phát hiện vào ngày thứ 19 hoặc ngày thứ 27.

Một số nguồn tin trên thế giới đã thông tin về khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đó là những trường hợp phơi nhiễm kép, nghĩa là đã bị nhiễm lần 2. Do đó, chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định, đến nay, quan điểm của ngành Y tế về thời gian ủ bệnh vẫn là 14 ngày nên vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong 14 ngày.

(theo Bộ Y tế)