📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 10/4: Không có ca mắc mới; 8 tỉnh tiêm xong vaccine đợt 1; Đề xuất thực hiện hộ chiếu vaccine với 3 nhóm đối tượng

Chu Văn 06:21 | 10/04/2021
Bản tin 6h sáng ngày 10/4 của Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc Covid-19. Việt Nam hiện vẫn có 2.683 ca bệnh, trong khi thế giới hiện đã ghi nhận trên 135,2 triệu ca. Đến nay, trên 58.000 người Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19, có 8 tỉnh kết thúc tiêm đợt 1.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.282 người.

Cập nhật ca mắc mới Covid-19

Tính từ 18h ngày 9/4 đến 6h ngày 10/4: Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Như vậy đã trải qua 12h, nước ta tạm thời chưa có thêm bệnh nhân Covid-19. Số bệnh nhân Covid-19 ở nước ta hiện vẫn là 2.683

Tính đến 6h ngày 10/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã qua 56 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng;

- Hà Nội đã 53 ngày và Hải Phòng 46 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Số ca mắc Covid-19 của thế giới:

- Cả thế giới có 135.269.010 ca mắc, trong đó 108.840.182 ca đã khỏi bệnh; 2.927.081 ca tử vong và 23.492.752 ca đang điều trị (101.897 ca diễn biến nặng)

- Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 637.168 ca, tử vong tăng 9.251 ca

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.282, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 523

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 21.133

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.626.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.429/ 2.683 bệnh nhân Covid-19.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 81 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 17 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 11 ca; số ca âm tính lần 3 là 22 ca.

Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).

Có thêm 1.678 người được tiêm chủng vaccine Covid-19

Tính đến 16 giờ ngày 9/4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 19 tỉnh/TP cho 58.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Chi tiết 1.678 người được tiêm tại 7 tỉnh/TP trong ngày 9/4 như sau: Hà Nội: 278 người; Quảng Ninh: 29 người; Hải Phòng: 136 người; Bắc Ninh: 336 người; Hòa Bình: 19 người; Hà Giang: 72 người; P. Hồ Chí Minh: 808 người.

Thêm 2 tỉnh kết thúc đợt 1 là Hòa Bình và Hà Giang. Như vậy đã có tổng cộng 8 tỉnh kết thúc tiêm đợt 1 là Tây Ninh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình và Hà Giang.

Dự kiến 3 nhóm đối tượng thực hiện hộ chiếu vaccine

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 8/3, Bộ Y tế đã đưa ra 3 đề xuất về phương án triển khai “hộ chiếu vaccine” bao gồm nhóm đối tượng áp dụng, phương án giám sát, cách ly, theo dõi y tế… với phương châm giữ an toàn nhưng đồng thời mở cửa và phát triển kinh tế.

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin cho biết đã thực hiện đúng cam kết hoàn thành hệ thống hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, hoàn toàn thích ứng với quốc tế để chuẩn bị triển khai “hộ chiếu vaccine”.

Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần “mục tiêu kép” tranh thủ thời gian, bằng các giải pháp tổng lực để giữ an toàn nhưng đồng thời mở cửa và phát triển được.

Đây là cuộc chạy đua thời gian, chúng ta vừa dùng giải pháp tiêm vaccine trong nước, đồng thời kết hợp với các nước phân theo nhóm nước, nhóm đối tượng để có phương án cách ly, xét nghiệm, giám sát phù hợp, bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian quý giá, cơ hội để phục vụ phát triển kinh tế.

Cụ thể, nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vaccine thì về nước. Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những người về từ nước nào thì có biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp, ở mức cần thiết, theo hướng an toàn. Trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, tuỳ từng nước, điều kiện, đã tiêm loại vaccine nào thì sẽ phải quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Đối với nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Van hóa, Thể thao và Du lịch trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch. Hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Lấy ví dụ giải pháp nhắn tin cảnh báo dịch bệnh, kết nối điều trị, khai báo y tế bắt buộc điện tử, truy vết theo dấu ca bệnh… Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại các giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống dịch bệnh thiết thực, loại bỏ những gì không có tác dụng thực sự, không chạy theo số lượng.

“An toàn nhưng tranh thủ từng giờ từng phút để phát triển kinh tế. Bộ Y tế phải chuẩn bị những bước đi, giải pháp ứng phó dịch bệnh tốt nhất trong thời gian tới, trong đó nêu ra những việc cần phải làm rất cụ thể”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.

(theo Bộ Y tế)