Đến sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 55.845 ca bệnh Covid-19. |
Thông tin các ca mắc mới:
Tính từ 19h30 ngày 18/7 đến 6h ngày 19/7 có 2.015 ca mắc mới (BN53831-55845):
- 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội.
- 2.014 ca ghi nhận trong nước trong đó 1.688 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả, cụ thể:
+ 1.535 ca ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 1.346 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 189 ca là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện.
+ 215 ca ghi nhận tại tỉnh Bình Dương: 123 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 92 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 74 ca ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai: 33 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 32 ca liên quan đến Công ty tại huyện Vĩnh Cửu; 9 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 41 ca ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Long: 30 ca liên quan đến Công ty tại huyện Long Hồ; 11 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 30 ca ghi nhận tại tỉnh Bến Tre: 20 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 3 ca liên quan đến chợ P5; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 6 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 25 ca ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: 21 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu phong toả; 4 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 19 ca ghi nhận tại tỉnh Sóc Trăng: 4 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 1 ca có tiền sử về từ TP. Cần Thơ; 1 ca có tiền sử về từ tỉnh Đồng Nai; 12 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 17 ca ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 10 ca trong khu vực đã được phong tỏa; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 14 ca ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi: là các trường hợp trong khu cách ly, khu phong toả
+ 12 ca ghi nhận tại TP. Hà Nội: 11 ca là các trường hợp F1; 1 ca có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh.
+ 8 ca ghi nhận tại tỉnh An Giang: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 2 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 1 ca có tiền sử về từ tỉnh Vĩnh Long.
+ 6 ca ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 5 ca ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly.
+ 3 ca ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 1 ca là F1 đã được cách ly từ trước; 2 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh.
+ 2 ca ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang: 1 ca là F1 của BN25440; 1 ca có tiền sử đi về từ TP. Cần Thơ.
+ 2 ca ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: 1 ca là F1 của BN51182 đã được cách ly từ trước; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
+ 2 ca ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế.
+ 2 ca ghi nhận tại tỉnh Lào Cai: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế.
+ 1 ca ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế.
+ 1 ca ghi nhận tại tỉnh Gia Lai: đang điều tra dịch tễ.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Việt Nam có tổng cộng 53.785 ca ghi nhận trong nước và 2.060 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
- Có 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.
Tình hình điều trị
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.667 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 118 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Tình hình xét nghiệm
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.525.027 xét nghiệm cho 11.975.213 lượt người.
- Số ca đang điều trị âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 267 ca.
+ Lần 2: 116 ca.
+ Lần 3: 118 ca.
Tình hình tiêm chủng
- Có thêm 22.654 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong ngày 18/7.
- Tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó:
+ Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người.
+ Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 306.475 người
Chuyên gia Dị ứng nói về "Cách mỗi người nhận biết có thể tiêm được vaccine Covid-19?"
Chuyên gia dị ứng PGS. TS. Hoàng Thị Lâm-Trưởng bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, bệnh viện E, Chủ tịch chi hội Dị ứng Miễn dịch Y học giấc ngủ cho biết, vaccine cũng giống như các thuốc khác đều có tiềm năng gây dị ứng và bất kỳ thành phần nào của vaccine cũng có thể đóng vai trò là một dị nguyên.
Thành phần gây dị ứng trong vaccine rất đa dạng, tùy từng loại vaccine. Đó có thể là gelatin (có trong vaccine sởi, rubela, thủy đậu...), có thể là protein trứng (vaccine sốt vàng, sởi, rubella, vaccine dại …), protein sữa (bạch hầu, ho gà, uốn ván….). Một số chất bảo quản trong vaccine như thimerosal, aluminum, và phenoxyethanol cũng có tiềm năng gây dị ứng. Kháng sinh, chất chống nấm sử dụng trong vaccine hoặc là latex, nhưng cũng có thể là chính bản thân vaccine, đều là những thành phần kháng nguyên dễ gây dị ứng. PEG và Polysorbate là hai thành phần có trong vaccine ngừa Covid-19 cũng được liệt kê các dị nguyên tiềm năng.
PGS. TS. Hoàng Thị Lâm nhấn mạnh, tuy nhiên không phải ai cũng bị dị ứng vaccine, chỉ có những người có cơ địa dị ứng mới có nguy cơ dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng là những người bản thân hoặc có thành viên trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng vaccine, hen phế quản, viêm mũi dị ứng...
Những người có cơ địa dị ứng nhận biết khả năng dị ứng vaccine của mình cách nào?
PGS. TS. Hoàng Thị Lâm cho biết, hiện nay, có rất nhiều phác đồ hướng dẫn cách tiếp cận và chẩn đoán dị ứng vaccine ở những người có cơ địa dị ứng.
Với những người có cơ địa dị ứng cần có các cách tiếp cận thích hợp với từng đối tượng (cá thể hóa) bằng các phương pháp như thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm, các thủ thuật hoặc các test kích thích với chính bản thân vaccine và/hoặc thành phần vaccine. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thăm khám lâm sàng để nhận biết những người có nguy cơ dị ứng vaccine.
Một số phòng xét nghiệm có thể xác định được mức kháng thể dị ứng với vaccine, thông thường là kháng thể IgE đặc hiệu với vaccine và/hoặc thành phần vaccine. Test da với vaccine và/hoặc thành phần vaccine cũng được sử dụng.
Đây là thủ thuật đơn giản dễ làm và rất có ý nghĩa trên lâm sàng. Có rất nhiều cách tiến hành test da với vaccine và/hoặc thành phần vaccine nhưng các hướng dẫn gần đây đều cho rằng nên bắt đầu bằng test lẩy da với chính bản thân vaccine và/hoặc thành phần vaccine không pha loãng. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng nặng nên pha loãng vaccine khi thực hiện test lẩy da. Nếu test lẩy da âm tính cần thực hiện thêm test nội bì. Tùy từng vaccine chúng ta có nồng độ pha loãng riêng biệt.
Tất cả các test này cần có test đối chứng để loại bỏ các trường hợp dương tính giả và âm tính giả. Test da cũng có thể gây phản ứng phản vệ, nên chỉ được thực hiện tại các đơn vị có trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa hoặc có chứng chỉ về việc thực hiện test này.
Ngoài test da chúng ta có thể thực hiện xét nghiệm IgE đặc hiệu với dị nguyên (vaccine) như protein trứng, protein sữa, gelatin, latex và nấm mốc hoặc kháng sinh (thành phần của vaccine). Trong một số trường hợp đặc biệt, các bác sĩ dị ứng sẽ sử dụng test kích thích với vắc xin và/hoặc thành phần của vắc xin để chẩn đoán người bệnh có dị ứng với vaccine hay không. Đây cũng là thủ thuật có tính nguy hiểm cao, nên chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế có trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng hoặc các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa này.
Cơ hội nào cho người dị ứng vaccine?
Nếu test da, test kích thích và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm âm tính, cơ hội dị ứng vaccine đó rất thấp. Nếu bất cứ một test nào nêu trên dương tính, cân nhắc thay thế vaccine nếu có thể. Nếu không thể thay thế vaccine và người bệnh cần thiết phải tiêm vắc xin đó, cân nhắc tiêm vaccine theo phác đồ liều tăng dần hay còn gọi là giảm mẫn cảm với vaccine. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ Dị ứng tại các cơ sở có đầy đủ phương tiện cấp cứu.
Với các phương pháp tiếp cận người bệnh nghi ngờ dị ứng vaccine nêu trên của các bác sĩ dị ứng, người bệnh có cơ địa dị ứng đã được trao thêm cơ hội để tiêm vaccine, góp phần nhanh chóng tạo nên miễn dịch cộng đồng, để đẩy lùi đại dịch Covid-19.