Chỉ mua sản phẩm kit test Covid-19 nằm trong danh mục Bộ Y tế cấp phép lưu hành. (Nguồn: Moh.gov) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (175.994), Bình Dương (70.242), Long An (17.805), Đồng Nai (17.688), Tiền Giang (7.284).
Tình hình điều bệnh nhân Covid-19
- 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 147.667 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 687 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.
- Ngày 21-22/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 737 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 22/8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 181.660 xét nghiệm cho 720.341 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19
Trong ngày 21/8 có 370.836 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.065.896 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.
Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm toàn dân ở TP. Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 chỉ đạo về việc tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ thần tốc xét nghiệm diện rộng. TP Hồ Chí Minh được ưu tiên cao nhất phân bổ vaccine, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh "còn diễn biến hết sức phức tạp". Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp chống dịch.
Việc chống dịch lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ" để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu mọi người không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó"; cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.
"Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người", công điện nêu rõ.
Việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đối với toàn bộ xã, phường, thị trấn; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định nơi áp dụng. Trung ương, các địa phương hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã được đề ra tại nghị quyết số 86 (TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước 15/9).
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, của các Bộ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương.
Bộ ngành liên quan hỗ trợ tối đa địa phương các phần việc như khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine; cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Quân đội tăng cường vào TP. Hồ Chí Minh để cùng địa phương thực hiện triệt để giãn cách và mang lương thực đến nhà dân, trên tinh thần địa phương cần hỗ trợ gì, Quân đội sẵn sàng đáp ứng, bao gồm cả con người và vật tư, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Quân đội sẽ phối hợp thực hiện triệt để không ai được ra ngoài nhằm đảm bảo giãn cách xã hội nghiêm túc trong 15 ngày tới, trừ các đối tượng đã được quy định rõ; phối hợp với Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, các cơ quan ban ngành của địa phương để đưa lương thực đến từng nhà dân; Lực lượng Quân y hỗ trợ thành lập bệnh xá lưu động đến từng địa bàn phường xã, hộ gia đình. Quân y cũng đã chuẩn bị cả bình oxy, túi thuốc để cung cấp cho các trường hợp bệnh nhân điều trị tại nhà...
Bình Dương đang ở đỉnh dịch
Tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.795 ca mắc mới tại Bình Dương, dù đã giảm giảm 710 ca (giảm 15,8%) so với ngày hôm trước.
Bộ Y tế ngày 22/8 dẫn nhận định của PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương cho biết, "số ca mắc mới tăng cao, song số ca ra viện nhiều hơn số người mắc mới hàng ngày, cho thấy Bình Dương đang ở đỉnh dịch." PGS. Nguyễn Lân Hiếu đánh giá, hệ thống điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" của tỉnh đang đi đúng hướng, tuy nhiên, còn vô vàn khó khăn ở trước mắt, không thể chủ quan.
Chiều 22/8, thông tin từ CDC tỉnh Bình Dương cho biết, tổng số bệnh nhân trong đợt dịch lần thứ tư đã lên 70.242 ca. Số F0 được phát hiện chủ yếu qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Địa phương có số ca mắc giảm là Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên. Số ca mắc tập trung nhiều nhất qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng (62,5%) và trong khu phong tỏa (29,7%).
Hà Nội cách ly y tế phường Văn Chương và Văn Miếu,
Thực hiện cách ly y tế phường Văn Chương và Văn Miếu, Hà Nội trong 14 ngày từ 18 giờ ngày 21/8 đến 18 giờ ngày 4/9/2021, sau khi ghi nhận 24 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 13/8, UBND quận Đống Đa đã ban hành các quyết định về thành lập vùng cách ly y tế tại 2 phường trên nhưng theo từng khu vực (3 điểm tại phường Văn Chương với 1.460 hộ, 4.750 nhân khẩu; 4 điểm tại phường Văn Miếu với 492 nhân khẩu). Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và số ca bệnh mới tiếp tục tăng trong những ngày gần đây tại địa bàn 2 phường; đặc biệt, riêng trong ngày 21/8, trong số các ca mắc mới tại quận Đống Đa thì có 22 ca mắc mới tại phường Văn Miếu và 2 ca tại phường Văn Chương, UBND quận Đống Đa đã quyết định thành lập vùng cách ly y tế trên toàn bộ 2 phường này nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tính đến 16 giờ ngày 21/8, Hà Nội đã lấy được 788.106 mẫu trong đợt xét nghiệm diện rộng lần 2; đạt 92% so với kế hoạch. Tổng số mẫu đã có kết quả là 383.357 mẫu, trong đó số mẫu dương tính là 49 mẫu, số mẫu âm tính là 383.308 mẫu; còn 404.749 mẫu chưa có kết quả.
Phát hiện nhiều ca cộng đồng, TP. Vinh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà
Từ 0h ngày 23/8, tỉnh Nghệ An yêu cầu người dân TP. Vinh không ra khỏi nhà trong 7 ngày để phòng chống Covid-19. "Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan sau những ngày vừa qua các ca nhiễm Covid-19 ở địa bàn vẫn ở mức cao, trong đó có nhiều ca trong cộng đồng", ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết chiều 22/8.
Từ ngày 14/8 đến nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận 408 ca nhiễm, trong đó 189 ca cộng đồng, riêng thành phố Vinh 71 ca. Hiện thành phố đã phải đóng cửa 9 trong số 26 chợ trên địa bàn, thông báo khẩn tìm người đã từng đến các chợ này trong thời gian từ 5/8 đến 21/8.
Trong thời gian yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, Nghệ An yêu cầu TP. Vinh phối hợp với đơn vị liên quan lên kế hoạch đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tới tận nhà cho người dân; ưu tiên xét nghiệm tầm soát để bóc F0 ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là những khu vực nguy cơ cao. Cùng ngày, TP. Vinh triển khai việc lập danh sách test nhanh diện rộng miễn phí trên địa bàn.
TP. Vinh có 25 xã phường, với diện tích 104 km2 và hơn 500.000 dân.
Hướng dẫn lấy mẫu, thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 tại nhàTrung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí minh (HCDC) vừa có hướng dẫn thực hiện lấy mẫu. xét nghiệm test nhanh Covid-19 tại nhà. Theo hướng dẫn từ HCDC, việc tự thực hiện test nhanh Covid-19 tại nhà có thể dễ dàng thực hiện theo các bước: Bước 1: Thu thập mẫuỞ bước này, tùy theo mỗi bộ kit test khác nhau mà có thể yêu cầu việc thực hiện lấy mẫu dịch tỳ hầu hoặc dịch mũi. Đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầuNgười được lấy mẫu có thể ngồi hoặc nằm, đầu nghiêng về sau một góc 70 độ Người lấy mẫu cầm cán que lấy mẫu tỵ hậu (thường kèm theo bộ test) nhẹ nhàng xoay và đưa đầu bông qua lỗ mũi, đẩy dọc sàn mũi tới khoang mũi hầu cho đến khi thấy có lực cản nhẹ (sâu khoảng ½ khoảng cách từ đầu mũi đến dái tai). Xoay que 3 lần và giữ yên 10 giây cho đầu que hấp thu tối đa mẫu phẩm; nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra khỏi mũi người được lấy mẫu và cho vào ống đã chữa sẵn đệm chiết mẫu. Đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũiNgười được lấy mẫu có thể ngồi hoặc nằm, đàu hơi nghiêng về phía sau. Người lấy mẫu cần que lấy mẫu dịch mũi (thường kèm theo bộ kit test) nhẹ nhàng đưa đầu bông vào lỗ mũi thứ nhất cho đến khi có lực cản nhẹ và không còn nhìn thấy đầu bông (sâu khoảng 2 cm); Xoay que 3 lần và giữ yên 10 giây. Tiếp tục xoay và ngoáy đầu bông để lau toàn bộ thành trong và cuối khoang mũi cho đến khi đầu bông ướt hoàn toàn; Chuyển đầu bông sang lỗ mũi thứ hai và lặp lại thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu. Bước 2: Xử lý mẫuCho 10 giọt (khoảng 300 µl) đệm chiết vào ống chiết rồi đặt lên giá đỡ. Nhúng đầu que lấy mẫu đã thực hiện lấy mẫu ở bước 1 vào ống chiết; xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống khoảng 10 lần; Để đầu que ngâm trong dung dịch khoảng 1 phút. Bóp cho hai thành ống ép vào đầu que, từ từ xoay que và ép đầu que khi rút que ea khỏi ống để thu được càng nhiều dung dịch càng tốt. Hủy que mẫu đã sử dụng theo quy định đối với chất thải lây nhiễm sinh học. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt (đi kèm). Giữ đầu ống thẳng đứng, miệng ống hướng lên trên; lắc qua lại theo chiều ngang phần đáy ống 10 lần để mẫu đều và đồng nhất. Chú ý quan sát mẫu trước khi thực hiện xét nghiệm, nếu các mảng dịch này còn trong mẫu, cần lắc thể để làm tan tối đa. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc của nắp nhỏ giọt trong quá trình lắc. Bước 3: Quy trình xét nghiệm và phiên giải kết quảNhỏ 3 giọt (khoảng 100 µl) mẫu chiết vào ô nhận mẫu của khay thử và bắt đầu đếm thời gian. Đọc kết quả tại thời điểm 15 phút, không sử dụng kết quả sau 20 phút. Cách đọc kết quả: Mẫu sẽ có kết quả dương tính khi xuất hiện 2 vạch ở cả vị trí C và T trên khay thử. Mẫu sẽ có kết quả âm tính khi chỉ xuất hiện 1 vạch ở vị trí C trên khay thử. Trong trường hợp không xuất hiện vạch nào hoặc chỉ xuất hiện 1 vạch tại vị trí T trên khay thử là kết quả không hợp lệ, cần thực hiện lại xét nghiệm. Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc lựa chọn các bộ kit test có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp phép, người dân cần chú ý mỗi bộ kit test nhanh khác nhau có thể sẽ có những điều chỉnh nhất định do đó cần đọc kỹ hướng dẫn của từng bộ kit; Cần chú ý đến thao tác lấy mẫu vì bước này vô cùng quan trọng, quyết định đến tính chính xác của việc thực hiện xét nghiệm. Đồng thời cần chú ý các biện pháp vệ sinh, xử lý các rác thải liên quan để đảm bảo an toàn sinh học. |