Tính từ 17h ngày 23/9 đến 17h ngày 24/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.537 ca nhiễm mới. (Nguồn: TT) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 736.972 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.489 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 732.492 ca, trong đó có 500.680 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (362.493), Bình Dương (193.235), Đồng Nai (43.925), Long An (31.425), Tiền Giang (13.643).
Tính từ 17h ngày 23/9 đến 17h ngày 24/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.537 ca nhiễm mới, trong đó 07 ca nhập cảnh và 8.530 ca ghi nhận trong nước (giảm 935 ca so với ngày trước đó) tại 34 địa phương, trong đó có 4.068 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-1.266), Tây Ninh (-33), Đắk Nông (-29).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (214), Tiền Giang (45), Đồng Nai (43).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.894 ca/ngày.
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24/9: 12.371, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 505.859.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.873 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (2.946); thở ô xy dòng cao HFNC (1.016); thở máy không xâm lấn (125); thở máy xâm lấn (755); ECMO (31)
Trong ngày 24/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 203 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 226 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.220 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Người có app xanh được di chuyển, app vàng hạn chế, app đỏ ở nhà
Tại văn bản số 6837/VPCP-KGVX ngày 24/9/2021 về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".
Trước đó, tại cuộc làm việc chiều 10/9 với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin… về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bộ TT&TT tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới.
Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.
Gần 130.000 F0 cách ly tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh đã khỏi bệnh
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 23/9, Thành phố đã có 129.179 F0 cách ly tại nhà ở khỏi bệnh.
Hiện TP đang có 35.342 trường hợp F0 đang được cách ly tại nhà, chiếm khoảng 40% tổng số F0 đang được quản lý trên địa bàn.
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố đã đưa ra nhiều chính sách, túi an sinh và túi thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà.
Vừa qua, Thành phố mua được 300.000 gói thuốc A và B cho các F0 cách ly tại nhà ở 3 đợt khác nhau; đã phân phối 160.000 túi thuốc A, B cho các trạm y tế lưu động, trung tâm y tế ở 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Hiện đã có trên 113.000 túi thuốc được phát cho những người F0.
Đối với gói thuốc C, Thành phố đã nhận 30.000 túi thuốc do Bộ Y tế cấp để phân chia cho Trung tâm Y tế các quận huyện, TP Thủ Đức. Tuy nhiên, đây là túi thuốc phải có sự kiểm soát kỹ và có sự cam kết của các F0 trước khi dùng.
Bà Mai cho biết, kiểm tra việc cách ly F0 tại nhà ở các địa phương, Sở Y tế ghi nhận, một số quận, huyện có số người F0 cách ly và chăm sóc tại nhà khá cao như: quận 6, quận Gò Vấp, quận 11, huyện Hóc Môn, quận Tân Phú, quận 12.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quận, huyện có số người F0 cách ly tại nhà chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số trường hợp F0 đang được cách ly tập trung như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và TP Thủ Đức.
Chăm sóc người F0 tại nhà, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: VNN) |
Kế hoạch tổ chức đi lại ở TP. Hồ Chí Minh từ 1/10
Sở Giao thông Vận tải lập phương án tổ chức đi lại tại thành phố từ ngày 1/10, dự kiến bổ sung nhiều loại hình được hoạt động ở nơi "bình thường mới", khu vực nguy cơ.
Dự thảo vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi chính quyền TP Thủ Đức, các quận huyện cùng đơn vị liên quan, để góp ý và xây dựng hoàn chỉnh trước khi trình UBND TP. Hồ Chí Minh.
Các phương án tổ chức giao thông thực hiện theo nguyên tắc người ngồi trên xe phải đảm bảo điều kiện được ngành y tế cho phép, tuân thủ 5K, khai báo di chuyển nội địa... Doanh nghiệp vận tải phải đáp ứng các tiêu chí an toàn trong hoạt động giao thông tại thành phố.
Dự thảo đề ra 3 khu vực tổ chức đi lại dự kiến triển khai từ ngày 1/10.
Trong đó khu phong tỏa chỉ cho phép các loại xe hoạt động như: xe công vụ, xe chống dịch, chở hàng hóa (lương thực; thực phẩm, gas, dược phẩm, thiết bị y tế; xe xử lý sự cố hệ thống hạ tầng đô thị; xe tang lễ; xe có giấy phép chở nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, bệnh nhân Covid-19, người xuất viện...).
Tại khu vực nguy cơ, ngoài các xe được hoạt động như ở khu phong tỏa, dự kiến sẽ bổ sung thêm các loại hình như: shipper, xe chở hàng, dịch vụ liên quan trực tiếp hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm...), chứng khoán; bưu chính viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất...
Ngoài ra còn có các xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật được thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị ở các cơ quan, tòa nhà, chung cư...; taxi, xe chở công nhân, chuyên gia được cấp phép...
Riêng các khu vực "bình thường mới", dự thảo đề cập việc bổ sung xe buýt, ôtô khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Trong đó, xe khách hợp đồng sẽ được cấp phép hoạt động mã QR để kiểm soát số lượng; xe buýt hoạt động trên từng tuyến cụ thể.
Với hoạt động vận tải hàng hóa, những khu vực nguy cơ, "bình thường mới" sẽ cho xe tải nhẹ dưới 2,5 tấn chạy cả ngày; xe tải nặng từ 2,5 tấn trở lên hoạt động theo thời gian và lộ trình được quy định trước đó. Riêng hoạt động vận tải khách: xe buýt, taxi, ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, xe hợp đồng, du lịch được hoạt động với số lượng, tần suất phù hợp. Các xe sẽ được quản lý thông qua mã QR.
Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia phải có giấy nhận diện mã QR thông qua các đơn vị đầu mối. Người trên xe phải đáp ứng các điều kiện như tiêm mũi một vaccine sau 14 ngày hoặc khỏi Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế, xét nghiệm còn hiệu lực...
TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho người dân từ các tỉnh thành vào thành phố khám chữa bệnh. Trong đó, trừ trường hợp cấp cứu, bệnh nhân phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực; đảm bảo điều kiện như có giấy tờ xác nhận hoặc địa phương cho phép di chuyển...
Để kiểm soát tình hình đi lại, dự thảo đề cập từ ngày 1/10 tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát chính khu vực cửa ngõ và 49 chốt phụ trong nội thành. Các trạm thu phí trên địa bàn cũng hoạt động trở lại ở khu vực "bình thường mới".
Nhân viên công ty Vabiotech cầm trên tay các lọ vaccine Sputnik V được đóng ống hồi tháng 7. (Nguồn: Vabiotech) |
Việt Nam bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V
Theo VnExpress, chiều 24/9, đại diện Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, đơn vị bắt đầu sản xuất Sputnik V với số lượng lớn từ ngày 24/9, sau đó cung cấp cho chương trình tiêm chủng toàn dân.
Hiện công ty đã được đối tác Nga chuyển số lượng lớn bán thành phẩm vaccine để bắt đầu sản xuất. Vaccine thành phẩm sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại Việt Nam.
Đại diện Vabiotech cho biết quy mô sản xuất sẽ lên tới 5 triệu liều một tháng, dự kiến nâng lên 100 triệu liều một năm và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất hoàn toàn vaccine Sputnik V. Công ty cũng đã xây dựng nhà máy tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này.
Hồi tháng 7, Vabiotech cho biết đã sản xuất thành công lô vaccine đầu tiên khoảng 30.000 liều. Sau đó, lô vaccine này được gửi sang Viện Gamaleya tại Nga kiểm định. Ngày 26/8, Viện Gamaleya đánh giá lô vaccine Việt Nam gia công đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.
Tại Việt Nam, Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép vào ngày 23/3, bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ cuối tháng 7.