📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 30/8: 39 tỉnh thành có F0, Bình Dương dẫn đầu tăng 5.414 ca/24 giờ; Tỷ lệ tử vong hơn thế giới 0,4%; Hướng dẫn F0 tự chăm sóc

Chu Văn 06:12 | 30/08/2021
Trong 24 giờ (từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29/8), tổng số ca nhiễm bệnh Covid-19 cả nước vẫn tăng 522 ca, Bình Dương tăng 1.365 ca. Tình hình dịch vẫn rất phức tạp khi trong 12.663 ca nhiễm mới có tới 5.712 ca trong cộng đồng.
Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh Covid-19 với quy mô 500 giường tại Hoàng Mai, Hà Nội đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng. (Nguồn: Tienphong)

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 435.265 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.427 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 431.072 ca, trong đó có 217.028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.

+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (209.921), Bình Dương (104.208), Đồng Nai (22.641), Long An (20.933), Tiền Giang (9.217).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.813

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 219.802 ca.

2. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.309 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.069

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.221

- Thở máy không xâm lấn: 118

- Thở máy xâm lấn: 877

- ECMO: 24

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày 28-29/8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 344 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (256), Bình Dương (31), Tiền Giang ngày 28-29/8 (18), Long An ngày 28-29/8 (13), Đồng Nai (5), Kiên Giang (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (3), Đồng Tháp (3), Tây Ninh ngày 28-29/8 (3), Khánh Hòa (1), Ninh Thuận (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Phúc (1).

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 568.545 xét nghiệm cho 668.793 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 12.715.682 mẫu cho 32.116.373 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 28/8 có 261.692 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.

Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp 1.060 phường, xã, thị trấn quyết tâm đẩy lùi Covid-19

Sáng 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với Bí thư, Chủ tịch UBND của 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và đặc biệt là lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn của 20 tỉnh, thành phố này.

Cuộc họp có một số điểm khác so với các cuộc họp trước đây. Thủ tướng nêu rõ, đây là cuộc họp giao ban tuần của Ban Chỉ đạo quốc gia với các tỉnh, thành phố. Trước hết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa được kiện toàn toàn diện hơn với các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Đảng và MTTQVN. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng đã được ban hành.

Điểm khác thứ hai là cuộc họp có sự tham dự của các lãnh đạo các quận huyện và đặc biệt là lãnh đạo 1.060 xã phường, thị trấn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Công điện 1099, 1102 và các chỉ đạo tiếp theo về việc tăng cường thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở sơ kết, tổng kết, rút nghiệm thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua, có kế thừa, bổ sung và đổi mới. Trong đó, điểm rất mới trong các Công điện này là phương châm lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm "pháo đài", mỗi người dân là "chiến sĩ" phòng chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phát biểu, làm rõ hơn về phương châm này tại các cuộc họp, làm việc, trên phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương nắm chắc các chỉ đạo của Trung ương để tổ chức thực hiện tốt.

Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo, đôn đốc Viettel và VNPT triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. "Trong vòng 1-2 ngày sắp tới phải làm xong để bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia tới từng cơ sở. Lấy xã phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo thông suốt tới tận pháo đài", Thủ tướng nêu rõ.

Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, số ca nhiễm mới cộng đồng theo ngày tăng do các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng, song số tử vong đang giảm nhờ biện pháp "gói điều trị tại nhà", trạm y tế lưu động...

TP. Hồ Chí Minh hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm lần 2 khu vực vùng đỏ, vùng cam

TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”, dự kiến hoàn thành đợt thứ hai trước ngày 1/9.

Tính đến hết ngày 27/8, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với vùng cam, vùng đỏ. Riêng đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ với kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%. ‏

‏Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực "vùng đỏ" và "vùng cam". Khu vực "vùng xanh" và "vùng vàng" sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho "vùng vàng" và mẫu gộp 10 cho "vùng xanh"; tần suất 7 ngày/1 lần.

Đồng thời việc test nhanh tại nhà được triển khai thực hiện dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng y tế. ‏

‏Tính đến nay, Thành phố đã thực hiện 1.436.922 mẫu xét nghiệm nhanh và phát hiện 54.498 ca dương tính. Tỷ lệ số mẫu dương tính trên tổng số mẫu lấy là gần 3,8%.‏

‏Đối với xét nghiệm Realtime RT-PCR: Từ ngày 27/4 đến 28/8, đã lấy 1.497.058 mẫu, (trong đó có 923.460 mẫu đơn, 573.598 mẫu gộp), với 5.329.998 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...).

Trong thời gian tới, công tác xét nghiệm sẽ tiếp tục được triển khai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phụ trách với phương châm thần tốc, hiệu quả, an toàn, đảm bảo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.‏

Bình Dương tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9

Hôm nay (29/8), Bình Dương ghi nhận thêm 5.414 ca mắc Covid-19; trong đó, số ca sàng lọc ngoài cộng đồng giảm còn 648 ca, còn lại được phát hiện ở trong khu phong tỏa, cách ly. Cũng trong ngày, Bình Dương có 1.590 bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện về nhà, 31 người tử vong. Như vậy, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 104.208 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 50% đã xuất viện, 819 người tử vong.

Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh làm cho mục tiêu đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 9 của tỉnh này không thành công. Hiện, Bình Dương đang triển khai phương án ứng phó với 150.000 ca mắc Covid-19. Lãnh đạo tỉnh đã thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15/9.

Các địa phương trong tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác dập dịch từ xã xuống khu phố, ấp, đặc biệt là tại các “vùng đỏ” để chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót; khai thác tối đa phương tiện vận chuyển, huy động các loại xe tải trọng lớn để chuyển nhanh hàng hóa đến người dân khu vực đang áp dụng biện pháp "đông cứng, khóa chặt".

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo, trong quá trình xét nghiệm diện rộng có kết quả test nhanh dương tính phải đưa ngay đến khu cách ly tạm thời, không chờ kết quả khẳng định PCR để “bóc tách” F0 khỏi cộng đồng; tiếp tục phát huy kết quả điều trị về nâng tầng, phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện.

Hà Nội quyết bóc tách sạch F0 trong cộng đồng trước kết thúc giãn cách xã hội

Trong ngày hôm qua 29/8, Hà Nội phát hiện 133 ca Covid-19 số ca trong 24 giờ, số ca mắc mới vẫn tăng lên 3 con số sau hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy, cộng dồn số mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) Hà Nội ghi nhận 3.091 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.534 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.557 ca.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký Kế hoạch xét nghiệm trên địa bàn thành phố từ nay đến hết ngày 4/9 nhằm sàng lọc hết F0 tại những nơi có nguy cơ cao. Đây là lần thứ 3 trong thời gian ngắn Hà Nội triển khai xét nghiệm trên diện rộng, nhằm bóc tách sạch F0 trong cộng đồng, sớm khống chế dịch bệnh.

Theo đó, thời gian thực hiện chiến dịch cao điểm xét nghiệm sàng lọc F0 lần này từ ngày 27/8 đến 4/9. Trong đó, kế hoạch xét nghiệm chia làm 2 giai đoạn với tổng số lượng mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR khoảng 200.000 mẫu (giai đoạn 1 từ 27/8 đến 30/8; giai đoạn 2 từ 31/8 – 4/9).

Về việc "chiến dịch" tiêm vaccine, UBND TP. Hà Nội mới ban hành Văn bản số 2781/UBND-KGVX về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, văn bản nêu rõ, nghiêm cấm việc thu tiền, nhận “bồi dưỡng” từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng vaccine Covid-19 với bất kỳ hình thức nào. Các tổ chức, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP. Hà Nội.

Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trên địa bàn tiếp tục tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi được Trung ương phân bổ vaccine, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ, đúng đối tượng, vùng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thành phố.

Thừa Thiên Huế siết chặt nhiều hoạt động từ 12h ngày 30/8

Trong ngày, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 36 bệnh nhân có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 14 ca được phát hiện tại khu cách ly; 17 ca được phát hiện sau khi hoàn thành cách ly tập trung, giám sát y tế tại nhà; 1 ca được phát hiện tại chốt kiểm soát 1 (đã được cách ly điều trị ngay sau khi phát hiện) và 4 ca được phát hiện trong khu vực phong tỏa theo Chỉ thị 16.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid19 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành thông báo về một số biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ 12h ngày 30/8 đến 0h ngày 5/9, một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh được hoạt động có điều kiện và tạm dừng một số hoạt động.

Các hoạt động tạm dừng bao gồm, hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp thực sự cấp thiết phải tổ chức do người đứng đầu đơn vị, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh; chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.

Các hoạt động tập trung quá 20 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng. Hoạt động đối với các nhà hàng, quán ăn, trạm dừng, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm, điểm rửa xe dọc tuyến Quốc lộ 1A.

Hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ/spa, game online, rạp chiếu phim, Pub beer; hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các giải thi đấu thể thao; các hoạt động thể thao trong nhà; các bãi tắm biển công cộng, bãi tắm sông, suối, bể bơi. Hoạt động các di tích lịch sử, văn hóa; các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh.

Tổ chức tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng. Các hoạt động giáo dục - đào tạo, dạy nghề; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo dạy học online. Các hoạt động tuyến xe bus, vận chuyển hành khách tuyến cố định.

Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 609 ca bệnh Covid-19, trong đó có 7 ca từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Bộ Y tế hướng dẫn 2 điều kiện F0 được cách ly tại nhà

Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế quy định F0 đủ các điều kiện dưới đây sẽ được cơ quan có trách nhiệm ra quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:

Căn cứ mức độ bệnh và đặc điểm của F0

- Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, gồm: Không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút.

- Độ tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.

- Bệnh, thể trạng kèm theo: Không có bệnh nền.

- Không đang mang thai.

Bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân

- F0 có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…

- Biết cách đo thân nhiệt.

- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

- Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Nếu người mắc Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình bệnh nhân phải có người khỏe mạnh, đủ kiến thức chăm sóc F0, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng yêu cầu hạn chế người chăm sóc.

Đồng thời, khi trong gia đình có người mắc Covid-19, các thành viên phải tự cách ly tại nhà để tránh lan cho cộng đồng, bởi lúc này, họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Với những gia đình có F0 cách ly tại nhà, chúng ta không cần lo lắng, tích trữ thực phẩm. Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình bệnh nhân trong thời gian cách ly tại nhà.

Giai đoạn bệnh nhân Covid-19 thường trở nặng

Theo BSCKI Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (TP. Hồ Chí Minh), bệnh nhân Covid-19 thường trở nặng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh.

Đặc biệt, bệnh dễ diễn tiến nặng với những người có cơ địa béo phì, bệnh nền, bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh hệ thống, suy gan thận...) và người trên 50 tuổi. Tuy vậy, gần đây vẫn có nhiều bệnh nhân trẻ chuyển nặng cần thở oxy.

Cũng theo BS. Tứ Phương, vì là bệnh do virus, nên nếu người mắc Covid-19 ít yếu tố nguy cơ (già, bệnh nền, béo phì...), chúng ta sẽ vượt qua được mà không cần nhập viện. Người nhiễm SARS-CoV-2 chỉ cần điều trị triệu chứng: bị cái gì, uống thuốc trị cái đó. Nhưng nếu diễn tiến xấu, có tổn thương phổi như: thở mệt, khó thở, thở nhanh > 20 lần/phút, hoặc SpO2 <=95%>

(theo Bộ Y tế)