📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 9/1: TP. Hồ Chí Minh 'đổi màu', mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine có gì đặc biệt?

Chu Văn 06:12 | 09/01/2022
Việt Nam hiện ghi nhận 1.876.394 ca mắc Covid-19 và 159.152.206 liều vaccine đã được tiêm.

Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 1.876.394 ca nhiễm, đứng thứ 28/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.870.417 ca, trong đó có 1.485.221 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.263 ca.

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1) và Thanh Hóa (2).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 34.117 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm..

Tính đến ngày 7/1, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 159.152.206 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.206.607 liều, tiêm mũi 2 là 70.770.669 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 10.174.930 liều.

Mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 mới.

Hiểu đúng về mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 có 7 mũi

Trên cơ sở cập nhật những thay đổi trong việc khuyến cáo tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại trên thế giới, Bộ Y tế đã sửa đổi mẫu xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Giấy xác nhận này đảm bảo việc điền được các thông tin của lịch tiêm liều cơ bản, liều bổ sung và 1 mũi tiêm nhắc

Ngày 7/1, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 43/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo đó, giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ có 3 mục. Khi người dân tiêm vaccine sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 với chi tiết các mũi tiêm.

Cụ thể, liều cơ bản với 3 mũi tiêm. Liều bổ sung 1 mũi tiêm và cuối cùng là liều nhắc lại với 3 mũi tiêm. Như vậy, so với mẫu cũ tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ghi hai mũi cơ bản, mẫu xác nhận mới được bổ sung các thông tin liên quan mũi tiêm liều cơ bản (3 mũi), liều bổ sung (một mũi) và liều nhắc lại (3 mũi). Tổng cộng, tùy loại vaccine được tiêm (loại tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi và cần tiêm bổ sung), một người có thể tiêm 7 mũi vaccine.

TS. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng, Quản lý tiêm chủng và An toàn sinh học, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trên giấy xác nhận đã tiêm ban hành để tất cả các loại vaccine lưu hành trong nước, cũng như phù hợp với lịch tiêm chủng của mỗi người.

Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới lịch tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 bao gồm tiêm các mũi cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc:

Về tiêm các liều cơ bản: hầu hết là tiêm 2 mũi như vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik...chỉ có vaccine Abdala (chiếm 1-2%) của Cuba tiêm 3 mũi, do đó phần điền vào liều cơ bản gồm 3 vị trí.

Về tiêm bổ sung: tiêm 1 mũi cho đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (chiếm khoảng 2,5%); Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V (chiếm khoảng 25%).

Về tiêm nhắc: Tiêm 1 mũi sau 3 tháng để tăng cường miễn dịch. Một số nước đã tiêm mũi 2 nhắc lại, việc tiêm các mũi nhắc tiếp theo được triển khai khi có các thông tin khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước cũng như khuyến cáo của của WHO.

Như vậy, hiện nay tại Việt Nam tiêm nhắc là 1 mũi. Phần lớn người dân Việt Nam chỉ tiêm 3 mũi (2 mũi cơ bản + 1 mũi nhắc lại), một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vaccine thì tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản + 1 bổ sung + 1 mũi nhắc lại).

Ngoài ra để 2 vị trí có thể những người nước ngoài đến từ các nước đã tiêm hơn 1 mũi tiêm nhắc, cũng như sẵn chỗ để ngay khi các tổ chức quốc tế như WHO, CDC Mỹ… khuyến cáo có thể áp dụng được ngay.

Mẫu giấy xác nhận này không chỉ tích hợp thông tin đã tiêm chủng đến nay mà còn hướng đến tương lai. Khi tiêm, cơ sở tiêm chủng sẽ trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Y tế để chỉ định tiêm mũi bổ sung, nhắc lại và xác nhận số mũi đã tiêm cho người tiêm chủng.

Khi có giấy xác nhận này, sẽ tạo thuận lợi cho người được tiêm chủng và các cơ quan trong việc xác định loại vaccine được tiêm bổ sung và nhắc lại.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các địa phương về việc sử dụng vaccine AstraZeneca tiêm bổ sung cho người đã tiêm Vero Cell.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vaccine AstraZeneca, vaccine Vero Cell (Sinopharm) hoặc vaccine mRNA để tiêm liều bổ sung đối với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vaccine Vero Cell (Sinopharm).

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Dịch vẫn "nóng' ở Hà Nội

Từ 18h ngày 7/1 đến 18h ngày 8/1/, Hà Nội ghi nhận thêm 2.791 ca F0, tiếp tục cao nhất cả nước. Bệnh nhân phân bố tại 386 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản 122/SYT-QLHNYDTN đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus Molnupiravir, Favipiravir…, xử lý nghiêm các cơ sở bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ; trong trường hợp có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

Cùng với việc thanh kiểm tra, các Phòng Y tế cấp quận, huyện đôn đốc các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dược; giữ ổn định giá, đảm bảo số lượng thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; bán thuốc kê đơn theo đúng quy định.

Các cơ sở cập nhật đủ số lượng, chủng loại thuốc vào phần mềm cơ sở dữ liệu dược quốc gia; không kinh doanh thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang… không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng.

TP. Hồ Chí Minh trở thành 'vùng xanh'

Ngày 8/1, UBND TP. Hồ Chí Minh có thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đến ngày 6/1.

Theo đó, đối với cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức, có 18/22 địa phương đạt cấp độ 1 là các quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi.

Và chỉ còn 4/22 địa phương đạt cấp độ 2 là quận 1, 10, Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức.

Như vậy, thành phố Thủ Đức là địa phương duy nhất tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2. Trong khi đó các quận 4, quận 11 và quận Tân Phú giảm từ cấp 2 xuống cấp 1.

Đối với cấp phường – xã – thị trấn có 235/312 địa phương đạt cấp độ 1, 74/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 3/312 địa phương đạt cấp độ 3.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đang điều trị cho 5.061 bệnh nhân, trong đó có 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Hải Phòng: Gần 50 ca chuyển nặng

Theo CDC Hải Phòng, ngày 8/1, Hải Phòng có 751 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tại 14/15 quận, huyện trong đó 93 trường hợp F1, 612 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 5 trường hợp test nhanh dương tính, 39 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên, còn lại là ca bệnh nghi ngờ.

Cùng ngày, ngành y tế thành phố đã công bố khỏi bệnh cho 110 bệnh nhân, nâng tổng số ca xuất viện là 6.508 trường hợp. Hiện số bệnh nhân nguy kịch là 47 ca, trong đó 24 F0 thở mask, gọng kính, 14 F0 thở HFNC, 1 trường hợp nguy kịch phải thở máy xâm lấn, 8 nguy kịch thở máy xâm nhập.

Huyện Tiên Lãng có 766 bệnh nhân khỏi bệnh, số ca nhiễm hiện đang phải điều trị còn 500 ca trong đó điều trị tại nhà 435 ca, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện 105 ca, điều trị tại thành phố 20 ca.

Quảng Ninh ưu tiên tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ tuyến đầu. (Nguồn: TTXVN)

Quảng Ninh dự kiến đỉnh dịch vào 25/1

Tỉnh Quảng Ninh nhận định, dự kiến đến ngày 25/1 sẽ là đỉnh của đợt dịch Covid-19 lần này trên địa bàn với số ca nhiễm mỗi ngày khoảng 1.000 ca.

Tại buổi họp về phòng, chống dịch Covid-19 do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 8/1, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Việc xây dựng Kế hoạch thu dung, điều trị cho các tình huống có thể xảy ra là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Vì vậy, ngành y tế và các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện lại Kế hoạch, trong đó phải bổ sung phương án mỗi ngày có trên 1.000 bệnh nhân mắc Covid-19.

Các địa phương phải chủ động tổ chức mua sắm các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất, thuốc… theo đúng phương án đã xây dựng, trước mắt là phương án có 1.000 ca mắc mới/ngày; xác định lại về khả năng số bệnh nhân có thể cách ly tại nhà; sẵn sàng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của các cơ sở cách ly, điều trị y tế và nhân lực cho từng kịch bản.

Thời gian tới, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo những chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 xuống các cơ sở, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Quảng Bình tăng cường biện pháp phòng chống dịch

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt là các ca bệnh trong cộng đồng và phát sinh một số ổ dịch mới, các chùm ca bệnh liên quan tại các ổ dịch mới tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Riêng ngày 8/1, tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm 77 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 72 ca tại cộng đồng, 4 ca nhập cảnh và 1 ca trong khu cách ly.

Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ và các hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo linh hoạt, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng trong giám sát, theo dõi y tế; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán, hạn chế di chuyển khi không thật sự cần thiết.

Ngành y tế đảm bảo công tác phân luồng, phân tuyến, tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển tuyến, chuyển tầng muộn, chậm, ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, chăm sóc, điều trị bệnh, quá tải trong dịp Tết.

Ngành y tế cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai an toàn, hiệu quả công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân theo kế hoạch; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong tháng 1/2022; mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.