Nhiều rạp chiếu phim Trung Quốc vắng bóng khán giả do tác động của đại dịch. (Nguồn: CNBC) |
Sau khi liên tục sửa đổi và gửi phim đến cơ quan chức năng để xét duyệt, nhà sản xuất Jessica Wong và những cộng sự của mình đã phải mất bốn năm để bộ phim chính thức được phát hành tại Trung Quốc.
Dù bộ phim cuối cùng cũng hòa vốn, nhưng với khoản đầu tư gần 100 triệu NDT (khoảng 14 triệu USD) bị hoãn lại trong 4 năm, kết quả này thực sự làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.
Sau khi bị chia nhỏ và chỉnh sửa nhiều lần để đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc, khi ra mắt bộ phim đã không để lại nhiều ấn tượng với người xem, chưa kể nhiều rạp chiếu phim cũng rơi vào tình trạng tạm đóng cửa để phòng dịch Covid-19.
“Quan trọng hơn, thời điểm này cũng không có nhiều phim chất lượng đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp chiếu phim. Đây là tình trạng chung của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc hiện tại”, Jessica Wong chia sẻ.
Doanh thu phòng vé tụt dốc
Năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường phim chiếu rạp lớn nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp với doanh thu 47 tỷ NDT. Bước sang năm 2022, thị trường này nhanh chóng lao dốc. Tính đến ngày 5/12, doanh thu phòng vé tại Trung Quốc chỉ đạt 28,51 tỷ NDT (khoảng 4 tỷ USD) trong năm 2022, theo nền tảng bán vé Taopiaopiao.
Trong khi đó, tại Mỹ, doanh thu phòng vé trong cùng thời điểm đã đạt 6,75 tỷ USD, theo Box Office Mojo.
Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang đứng trước triển vọng ảm đạm do tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng dịch được mở rộng.
Theo iiMedia Research, nếu như năm 2017, đầu tư cho ngành điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đạt kỷ lục 27 tỷ NDT, thì đến năm 2021, con số này đã “tụt dốc không phanh”, giảm xuống còn 4,62 tỷ NDT.
“Đầu tư cho ngành công nghiệp điện ảnh đang ngày càng rủi ro. Nhiều bộ phim đang chờ cơ quan kiểm duyệt xử lý, và không có gì lạ khi một bộ phim phải đợi hai hoặc ba năm mới được phát hành, gây áp lực lớn về dòng tiền đối với cả công ty sản xuất và nhà đầu tư”, nhà sản xuất Jessica Wong cho hay.
Jessica Wong giải thích, trước đây, nhiều đối tác nước ngoài quan tâm đầu tư đến thị trường điện ảnh Trung Quốc và đã đạt được những thành công rực rỡ ở phòng vé nhưng mọi thứ đã dần bị đảo ngược trong hai năm trở lại đây. “Chúng tôi từng đến Los Angeles để giới thiệu một số dự án nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thực sự quan tâm”, cô nói.
Tính đến đầu tháng 11, chỉ có 49 phim nhập khẩu được phát hành ở Trung Quốc, trong đó có nhiều phim đến từ đặc khu hành chính Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đây là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, giảm từ 73 phim trong năm 2021, 136 vào năm 2019 và 71 vào năm 2012, theo số liệu từ Taopiapiao.
Đáng chú ý, trong số 49 phim nhập khẩu thì có đến 11 phim được phát hành vào năm 2021, 4 phim năm 2020 và 3 phim năm 2019, thậm chí có 1 phim từ năm 2015.
Khoảng 263 phim đã được phát hành tại các rạp chiếu phim của Trung Quốc tính đến ngày 20/10, giảm từ 542 của năm 2021, 307 năm 2020 và 560 năm 2019, theo Sách trắng ngành điện ảnh năm 2022 do báo National Business Daily phát hành vào 11/2022.
Số khán giả đến với rạp chiếu phim của Trung Quốc cũng giảm 6 lần so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát khi gần một nửa số rạp chiếu phim phải tạm ngừng, đóng cửa ít nhất một lần trong năm.
Trở lại quỹ đạo
Trong nỗ lực thu hút khán giả trở lại, nhiều rạp chiếu phim tại một số thành phố lớn của Trung Quốc mới đây đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần đóng cửa. Đây cũng là một phần của các biện pháp nhằm giảm bớt các biện pháp phòng dịch Covid-19, mặc dù khán giả vẫn được yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính và các địa điểm cũng phải giới hạn sức chứa.
Tuần trước, 20th Century Studios bất ngờ thông báo Avatar: The way of water, phần tiếp theo được chờ đợi từ lâu của bộ phim bom tấn do đạo diễn tài hoa James Cameron sản xuất sẽ được phát hành trên toàn cầu trong tháng này và cũng sẽ được phát hành ở Trung Quốc vào ngày 16/12.
Phim "Avatar: The way of water" sẽ được phát hành tại Trung Quốc ngày 16/12 tới đây. (Nguồn: Zuma Press) |
“Xem phim vẫn là cách giải trí thiết thực và giá cả phải chăng nhất đối với những người bình thường,” Arnold Ou, một kỹ sư công nghệ ở Thâm Quyến, cho biết.
Ou rất vui khi Avatar: The way of water sẽ có mặt ở Trung Quốc và anh cho biết “chắc chắn sẽ đến rạp” để xem. “Đây chắc chắn sẽ là bộ phim đứng đầu phòng vé năm nay tại Trung Quốc”, Ou dự đoán.
Theo tờ Securities Times, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc điện ảnh năm 2035. Cục Điện ảnh đề ra các nhiệm vụ ở lĩnh vực doanh thu phòng vé, số lượng rạp chiếu, tỷ lệ phim quốc nội với phim ngoại nhập, chất lượng nghệ thuật.
Theo đó, tới năm 2025, số lượng màn hình chiếu phải vượt 100.000 và được phân bố hợp lý tại các địa phương. Mỗi năm sẽ có khoảng 10 phim "đỉnh cao", vừa hay vừa thu hút khán giả. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 50 phim quốc nội đạt doanh thu trên 100 triệu NDT (15,6 triệu USD).
| Chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam Hội thảo 'Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc' – một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- ... |
| CBiz: Nữ diễn viên phim 'Sắc giới' phủ nhận tin đồn ly hôn với chồng Công ty quản lý của nữ diễn viên phim 'Sắc giới' Thang Duy đã phản hồi về tin đồn ly hôn gần đây giữa cô ... |
| Mới đây, các tờ tin tức tại Hong Kong (Trung Quốc) đã đồng loạt đưa tin về một hành động đẹp của tài tử Châu ... |
| Đâu là động lực tăng tưởng chính của Trung Quốc? Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, đứng thứ hai thế giới trong nhiều năm, đã trở thành động lực tăng trưởng chính ... |
| Tiêu dùng Trung Quốc đang 'ngủ đông'? Là một trong ba “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ba quý đầu năm nay, tỷ lệ đóng góp của tiêu ... |