Sét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng cho cư dân quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Nguồn: TTXVN) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 836.134 ca nhiễm, đứng thứ 42/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.493 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 831.523 ca, trong đó có 755.622 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 09/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (409.061), Bình Dương (221.300), Đồng Nai (54.327), Long An (33.226), Tiền Giang (14.477).
Tình hình điều trị
Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.319; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 760.801 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391; thở ô xy dòng cao HFNC: 788; thở máy không xâm lấn: 145; thở máy xâm lấn: 668; ECMO: 22 ca.
Số bệnh nhân tử vong: Trong ngày ghi nhận 105 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (74), Bình Dương (18), An Giang (5), Đồng Nai (3), Tiền Giang (2), Tây Ninh (2), Hà Nội (1)
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 119 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.442 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 93.022 xét nghiệm cho 200.798 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 19.899.799 mẫu cho 55.617.772 lượt người.
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày 8/10 có 1.055.502 liều vaccine Covid-19 được tiêm.
Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 51.968.108 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 37.725.480 liều, tiêm mũi 2 là 14.242.628 liều.
Chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm
Ngày 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Theo báo cáo, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 8/10 cả nước đã ghi nhận 828.000 ca mắc, 759.000 người đã khỏi bệnh (đạt 91%) và 20.300 ca tử vong. Số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.
Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương từng thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca mắc mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn - trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp sáng 9/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: VGP) |
Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.
Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự - an toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; triển khai tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc; các địa phương có thể áp dụng linh hoạt, sáng tạo, song không trái với hướng dẫn chung; nếu có vướng mắc, chưa phù hợp thì phản ánh để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.
Lộ trình dừng hoạt động các bệnh viện dã chiến ở TP. Hồ Chí Minh
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến trên địa bàn, trả lại trường học, ký túc xá, nhà tái định cư do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.
Dự kiến, các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các Bệnh viện Dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 bởi đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, cần phải tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình.
Ngoài ra, Bệnh viện Dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).
Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ tham mưu UBND thành phố triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” tại các bệnh viện dã chiến số 16, số 13 và số 14 - nơi có các Trung tâm Hồi sức Covid-19.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bao gồm bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố và quận, huyện đến các “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”.
Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ngay trong tháng 10 năm nay. |
Cuối tháng 10/2021 Việt Nam sẽ tiêm vaccine cho trẻ em
Ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ngay trong tháng 10 năm nay. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cùng với số lượng vaccine Pfizer về Việt Nam trong thời gian tới, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã đề nghị Cuba và Việt Nam đang chờ nước bạn sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nguồn vaccine ở nước ta từ nay đến cuối năm tối thiểu là 120 triệu liều. Trong năm 2021 Việt Nam sẽ tiêm phủ một mũi vaccine cho trên 70% dân số trên 18 tuổi.
| Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 9h ngày 9/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 237.969.792 ca mắc Covid-19, trong đó ... |
| Có 6 địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vaccine cho từ 80-90% dân số từ 18 tuổi trở lên; cảnh ... |