📞

Covid-19 sáng 14/2: Hơn 2.800 giáo viên, học sinh Hải Dương mắc bệnh, F0 điều trị tại nhà cần làm gì để được hưởng chế độ ốm đau của BHXH

Chu Văn 09:17 | 14/02/2022
Hà Nội tăng số lượng F0 đang điều trị, Hà Nam có hơn 1.600 công nhân mắc Covid-19, Nghệ An ghi nhận 2.271 trường hợp mắc mới.

Trong 24 giờ (từ 16h ngày 12/2 đến 16h ngày 13/2), Việt Nam ghi nhận 26.379 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 26.372 ca ghi nhận trong nước (giảm 930 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 18.269 ca trong cộng đồng).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ trước khi đến trường. (Nguồn: SK&ĐS)

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.510.860 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.427 ca nhiễm).

Hơn 2.800 giáo viên, học sinh Hải Dương mắc Covid-19

Theo báo cáo từ ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Dương, tính đến ngày 12/2, trên địa bàn có 2.861 giáo viên và học sinh mắc Covid-19 ở tất cả các cấp học.

Trong đó cấp Tiểu học có số ca mắc nhiều nhất với 1.432 trường hợp, THCS có 678 ca, cấp học Mầm non 388 bệnh nhân, THPT 316 ca và GDNN-GDTX 56 bệnh nhân.

Riêng các trường hợp F1, ngành giáo dục Hải Dương có 24.619 người (giáo viên, học sinh). Trong đó cấp Tiểu học có số F1 nhiều nhất với 12.040 người và GDNN-GDTX có số F1 ít nhất khi ghi nhận 600 người.

Cũng theo ngành GD&ĐT tỉnh Hải Dương, do các cơ sở giáo dục ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19, cho nên đến ngày hôm qua toàn tỉnh có 150 trường học ở các cấp tạm thời cho trẻ dừng đến trường, học trực tuyến. Riêng cấp học Mầm non có 75 trường tạm thời dừng cho trẻ đến trường và 75 trường (Tiểu học, THCS, THPT, GDNN-GDTX) chuyển sang học trực tuyến.

Trong ngày hôm 13/2, trên địa bàn Hải Dương tiếp tục ghi nhận số ca mắc kỷ lục nhiều nhất từ trước đến nay với 1.908 trường hợp mắc Covid-19 mới. Trong đó 1.079 ca F1, 477 trường hợp ho sốt cộng đồng, 325 bệnh nhân sàng lọc cộng đồng, 2 ca nhập cảnh và 25 trường hợp về từ các tỉnh khác.

Từ ngày 12/10/2021 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 23.131 trường hợp mắc Covid-19, hiện đang điều trị 10.571 bệnh nhân và 38 ca tử vong. Trong đó huyện Bình Giang 4, TP. Chí Linh 3, huyện Nam Sách 3, huyện Gia Lộc 5, huyện Thanh Miện 4, huyện Kim Thành 3, huyện Thanh Hà 2, TP. Hải Dương 8, thị xã Kinh Môn 1, huyện Tứ Kỳ 1, huyện Cẩm Giàng 1, huyện Ninh Giang 1.

Hà Nam có hơn 1.600 công nhân mắc Covid-19

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 13/2 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 217 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số đó có 172 F0 phát hiện qua sàng lọc y tế; 34 F0 ghi nhận tại khu vực phong tỏa, cách ly tại nhà và 11 F0 ghi nhận tại khu cách ly.

Luỹ kế từ khi xuất hiện ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý vào chiều 19/9/2021 đến tối 13/2, Hà Nam ghi nhận 8.045 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.

Trong số đó, có đến 1.090 F0 phát hiện tại các khu công nghiệp và 601 F0 phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, đến thời điểm hiện tại, gần 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tất cả công nhân lao động trong các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cũng trở lại làm việc. Hầu hết người lao động cũng đã được tiêm phòng đủ 3 mũi vaccine phòng Covid-19.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số công nhân lao động trong các doanh nghiệp dương tính với SARS-CoV-2 vẫn tăng. Khi phát hiện nhiễm bệnh (đa phần ở thể nhẹ, không triệu chứng), công nhân đã chủ động thông báo cho chủ doanh nghiệp và những người liên quan xét nghiệm tầm soát.

Người mắc Covid-19 ở tổ sản xuất nào thì xét nghiệm sàng lọc ở tổ sản xuất đó, nếu không phát hiện thêm F0, các F1 tự cách ly ở nhà theo quy định.

Nhờ nắm rõ quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, các doanh nghiệp nhanh chóng khoanh vùng hẹp để vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch hiệu quả. So với giai đoạn trước, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay không quá phức tạp, không doanh nghiệp nào phải dừng hoạt động trong thời gian dài.

Hà Nội tăng mạnh trường hợp F0 đang điều trị

Từ 18h ngày 12/2 đến 18h ngày 13/2, Hà Nội ghi nhận 2.940 ca bệnh (744 ca cộng đồng; 2.196 ca đã cách ly).

Từ ngày 29/4/2021 đến nay Hà Nội phát hiện 171.738 ca Covid-19.

Tới hết ngày 12/2, tại Hà Nội (bệnh viện Trung ương và TP) đang có hơn 84.000 F0 (tăng 18.000 F0 so với ngày 10/2) đang điều trị. Nhiều ngày gần đây, mỗi ngày Thủ đô ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca/ngày.

Trong đó có hơn 76.400 F0 (tăng hơn 14.000 ca so với ngày 10/2) ca điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 91%). Ngoài ra, có 723 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung thành phố và quận, huyện.

2.994 (tăng 291 ca) bệnh nhân (3,5%) bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Số còn lại 338 (tăng 17 ca) bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Thanh Hóa: 788 ca mắc mới

Ngày 13/2, Thanh Hóa ghi nhận 788 ca mắc Covid-19, trong đó có 267 ca cộng đồng, 231 ca phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế, 290 trường hợp đang được cách ly theo quy định. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 29.211 bệnh nhân Covid-19; 24.912 người được điều trị khỏi bệnh; 37 bệnh nhân tử vong.

Nghệ An: Trên 2.000 F0 trong ngày

Tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.271 trường hợp mắc Covid-19 mới, trong đó có 478 ca được phát hiện ngoài cộng đồng. Địa phương này có 481 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, thêm 2 trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong từ đầu mùa dịch đến nay lên 57 người. Hiện tỉnh Nghệ An đang điều trị 16.666 bệnh nhân Covid-19.

F0 điều trị tại nhà, làm thế nào để được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH?

Theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, khi bản thân gặp vấn đề về sức khỏe, người lao động tham gia BHXH sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc.

- Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Theo đó, nếu không may bị lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, người lao động đang đóng BHXH là F0 điều trị tại nhà cũng có cơ hội được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Căn cứ Công văn 1492/KCB-PHCN&GĐ của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, người lao động là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định.

Trước đó, tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Do đó, đối với người nhiễm Covid-19 là người lao động điều trị tại nhà: Trạm Y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Đối với người nhiễm Covid-19 là người lao động điều trị tại Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung): Trạm Y tế nơi có Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung) thì y, bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, đơn vị chủ quản là Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn ký đóng dấu.

Các Trạm Y tế cập nhật thông tin người bệnh Covid-19 được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH lên Cổng thông tin giám định BHYT của cơ quan BHXH.

Các Trạm Y tế thực hiện quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký của y, bác sĩ trên Giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng BHXH, trường hợp ủy quyền ký thay thủ trưởng đơn vị tại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại mục c, khoản 5, Điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp chưa đúng mẫu lệch ngày cấp.., đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại mục a, khoản 5, Điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ.

Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Như vậy, nếu bạn là F0 điều trị tại nhà thì trong thời gian nghỉ điều trị bệnh được hưởng theo chế độ nghỉ ốm đau và được hưởng 75% lương do BHXH chi trả. Thủ tục để hưởng theo hướng dẫn ở trên.

(tổng hợp)