📞

Covid-19 sáng 18/2: 163 trẻ ở TP. Hồ Chí Minh trở thành F0 khi quay lại trường, trẻ mầm non ở Hà Nội đi học trực tiếp vào 1/3?

Chu Văn 09:36 | 18/02/2022
Thái Nguyên, Quảng Ninh tiếp tục vượt 'đỉnh' với hơn 2.400 ca mắc Covid-19 mới, TP. Hồ Chí Minh có 166 ca nhiễm biến thể Omicron, số ca nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang tăng.

Trong 24 giờ (từ 16h ngày 16/2 đến 16h ngày 17/2), Việt Nam ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ trước khi đến trường. (Nguồn: SK&ĐS)

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.643.024 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.762 ca nhiễm).

Hà Nội dự kiến cho trẻ mầm non đi học trực tiếp từ 1/3

Tại hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 17/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trên địa bàn trở lại trường từ ngày 1/3. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đang xin ý kiến về mốc thời gian này.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa, ngành giáo dục thành phố đã tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của 18 huyện, thị xã và học sinh lớp 7 đến lớp 12 của 12 quận trở lại trường. Từ ngày 21/2, tiếp tục tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận đi học.

Để đón học sinh lớp 1-6 của 12 quận trở lại trường, từ ngày 21/2, Sở GD&ĐT tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố, giám sát, đôn đốc các nhà trường triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và đảm bảo chất lượng giáo dục. Sở cũng đã đề nghị các quận, huyện tổ chức diễn tập cho học sinh đi học trở lại…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định, trong những ngày qua, số ca bệnh tăng song tình hình dịch bệnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình, cộng đồng; thực hiện nghiêm túc quy định 5K.

Nhấn mạnh việc đưa học sinh đi học trở lại trường học trực tiếp là cần thiết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, chủ động phối hợp với các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tổ chức dạy học an toàn.

Đặc biệt, sau khi nêu thông tin Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 1/3, ông Dũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai theo nguyên tắc "đảm bảo an toàn nhất thì cho trẻ mầm non đến trường, đưa học sinh trở lại an toàn, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, không cực đoan".

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu, trình phương án cho trẻ em mầm non trở lại trường học trực tiếp từ tháng 3; nghiên cứu xây dựng lộ trình để học sinh tiểu học được trở lại trường với các sinh hoạt bình thường, trong đó có ăn bán trú.

Nhiều địa phương ghi nhận trên 1.000 ca/ngày

Tính từ 16h ngày 16/2 đến 16h ngày 17/2, 12 địa phương cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới trong ngày, số lượng cao nhất từ trước nay. Các địa phương này gồm: Hà Nội (3.893), Thái Nguyên (2.478), Quảng Ninh (2.477), Hải Phòng (1.548), Phú Thọ (1.417), Vĩnh Phúc (1.362), Bắc Ninh (1.362), Nghệ An (1.352), Hải Dương (1.350), Nam Định (1.344), Hòa Bình (1.256), Bắc Giang (1.112).

Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều ca mắc nhất (3.893 F0). Tính đến hết ngày 16/2, hiện toàn thành phố có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hơn 3% còn lại, tương đương hơn 4.000 ca phải nhập viện điều trị. Trong số này có hơn 3.700 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tiếp sau là Thái Nguyên (2.478 ca). Đây là ngày thứ 2 số ca mắc Covid-19 của Thái Nguyên gần chạm mốc 2.500. Các địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất là thị xã Phổ Yên (985), TP Thái Nguyên (474), Đại Từ (225), Phú Bình (212), Phú Lương (167), TP Sông Công (166), Đồng Hỷ (122)...

Ngoài ra, tỉnh này cũng ghi nhận 5.478 trường hợp F1 mới được phát hiện liên quan các ca bệnh mới. Hiện, toàn tỉnh có 28.911 trường hợp thực hiện cách ly tại địa phương.

Tại Quảng Ninh, trong 24 giờ (tính đến 16h ngày 17/2), toàn tỉnh ghi nhận 2.477 ca mắc Covid-19 mới (gồm 2.248 ca cộng đồng, 229 ca đã quản lý, cách ly). Đây là ngày đầu tiên Quảng Ninh vượt ngưỡng 2.000 ca bệnh/ngày.

Tỉnh Nam Định phát hiện thêm 1.344 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 956 ca ghi nhận trong cộng đồng.

Cụ thể, huyện Hải Hậu 207 ca; thành phố Nam Định 135 ca; huyện Vụ Bản 130 ca; huyện Ý Yên 174 ca; huyện Nam Trực 114 ca; huyện Xuân Trường 134 ca; huyện Nghĩa Hưng 85 ca; huyện Trực Ninh 150 ca; huyện Giao Thủy 148 ca; huyện Mỹ Lộc 67 ca.

Hà Nam: Ghi nhận 219 F0

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, ngày 17/2 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 219 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Tổng ca bệnh cộng dồn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến thời điểm này là 8.920 trường hợp đã được Bộ Y tế cấp mã bệnh. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 200 ca F0 mỗi ngày.

Thái Bình: Ghi nhận 877 F0

CDC Thái Bình cho biết, ngày 17/2, Thái Bình ghi nhận 877 ca mắc Covid-19 mới, trong đó khu cách ly y tế 491 ca; 386 ca tại cộng đồng đã xác định nguồn lây.

Cụ thể, huyện Quỳnh Phụ 93 ca, huyện Vũ Thư 76 ca, huyện Hưng Hà 45 ca, thành phố Thái Bình 43 ca, huyện Tiền Hải 41 ca, huyện Thái Thụy 34 ca, huyện Kiến Xương 32 ca, huyện Đông Hưng 21 ca và một ca là người tỉnh ngoài.

Thanh Hóa: 861 ca mắc mới

Ngày 17/2, Thanh Hóa ghi nhận 861 ca mắc Covid-19, trong đó có 284 ca cộng đồng, 263 ca phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế, 314 trường hợp đang được cách ly theo quy định. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 32.425 bệnh nhân Covid-19; 27.191 người điều trị khỏi được ra viện; 47 bệnh nhân tử vong.

Hà Tĩnh: 620 ca mắc mới

Trong ngày, Hà Tĩnh ghi nhận 544 ca mắc Covid-19; trong đó có 389 ca cộng đồng, các trường hợp còn lại đã được cách ly trước đó.

Đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 7.223 ca mắc Covid-19; tình hình điều trị: chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 81 bệnh nhân, Bệnh viện Trung ương Huế 2 bệnh nhân. Điều trị khỏi 4.659 bệnh nhân, trong đó có 75 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, 4.584 bệnh nhân tại Hà Tĩnh, 7 ca tử vong.

Quảng Bình: 588 ca mắc mới

Trong ngày 17/2, tại Quảng Bình ghi nhận tất cả 588 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 452 ca cộng đồng.

Trong ngày, tại Quảng Bình cũng có thêm 385 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh và xuất viện. Đến nay, Quảng Bình đã ghi nhận tất cả 12.617 ca mắc Covid-19, trong đó 8.352 người đã khỏi bệnh, 4.057 người đang tiếp tục điều trị.

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, Quảng Bình có 98.30% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 và 94,13% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi, 31,42% đã tiêm mũi 3.

Quảng Trị: 443 F0, 168 ca cộng đồng

Tỉnh Quảng Trị ghi nhận 443 ca mắc Covid-19; trong đó, 168 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng, còn lại là cách ly tại nhà.

Trong ngày, địa phương có 107 trường hợp khỏi bệnh, 1 trường hợp tử vong.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị ghi nhận 9.153 trường hợp mắc Covid-19, đang điều trị 665 ca, 282 F0 điều trị tại nhà, 12 trường hợp tử vong.

Số ca nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang tăng

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 4/2021 đến nay, Thủ đô ghi nhận 872 ca tử vong do Covid-19, chiếm tỷ lệ 0,46% tổng số ca mắc. So với con số 1,5% của cả nước, đây là tỷ lệ thấp.

Cũng theo cơ quan này, tới hết ngày 16/2, hiện toàn thành phố có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hơn 3% còn lại (hơn 4.000 ca) phải nhập viện điều trị. Trong số này có hơn 3.700 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo cập nhật của Bộ Y tế tới ngày 17/2, trong số các bệnh nhân nhập viện ở Hà Nội, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); Gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch (tăng gần 15%); 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...

Bộ Y tế hôm nay cũng thông báo ngày 17/2 Hà Nội ghi nhận 19 ca tử vong, tăng 4 ca so với ngày trước đó.

TP. Hồ Chí Minh có 166 F0 nhiễm Omicron, phát hiện 163 học sinh là F0 khi quay lại trường

Tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Chánh văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, từ ngày 1/1 đến nay, Thành phố ghi nhận 166 ca Covid-19 nhiễm Omicron (155 ca nhập cảnh và 11 ca được phát hiện trong cộng đồng). Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành để tăng cường giám sát, mở lại các đường bay và giám sát cả ở nhập cảnh và trong cộng đồng.

Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, trong 5 ca Covid-19 nhiễm Omciron trong cộng đồng được ghi nhận gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã xác định 19 F1. Trong đó, 3 trường hợp dương tính. Một ca trong số này được xác định nhiễm Omicron. Đây là ca Omicron trong cộng đồng thứ 11 được ghi nhận tại địa phương này.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến 18h ngày 16/2, TP. Hồ Chí Minh có 518.052 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 517.138 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 914 trường hợp nhập cảnh.

Cũng tại cuộc họp báo định kỳ, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hồ Chí Minh Trịnh Duy Trọng cho biết, tính đến nay có 66,33% trẻ mầm non, 95,99% học sinh tiểu học, 96,98% học sinh trung học cơ sở và 98,93% học sinh trung học phổ thông đến trường học trực tiếp.

Trong ba ngày đầu học sinh các khối đi học trực tiếp trở lại, số học sinh mắc Covid-19 được phát hiện tăng từng ngày.

Tính riêng ngày 14/2, ở tất cả các bậc học có 27 em bị mắc Covid-19; ngày 15/2 có 50 em; ngày 16/2 có 86 em. Những ca F0 khi xuất hiện đều được xử lý kịp thời với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các ngành, địa phương liên quan.

Cập nhật từ các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn, tỷ lệ trẻ em và học sinh đến trường tiếp tục tăng trong những ngày qua. Các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động để đón trẻ và học sinh tới trường nên các trẻ em, học sinh dù lần đầu đến trường nhưng không bị bỡ ngỡ, rất phấn khởi và tương tác tốt với thầy cô và bạn bè.

Đảm bảo đưa trẻ trở lại trường học an toàn, linh hoạt, tránh cực đoan

Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan; thống nhất chỉ đạo và thực hiện trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, diễn ra vào sáng 17/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Là địa bàn có quy mô trường học lớn nhất cả nước (hơn 12.800 trường) nhưng số ca mắc/ngày luôn dẫn đầu cả nước (gần 4.000 ca/ngày), tại cuộc họp, đại diện UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm có phác đồ điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 ở các cơ sở y tế, đặc biệt thông tin đến các gia đình nắm được để có biện pháp phòng, chống và điều trị; sớm có vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Cho rằng hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về các trường hợp F1 khác nhau, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc xác định các trường hợp F1 khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 trong lớp nhằm thống nhất việc theo dõi sức khỏe và tổ chức đi học an toàn, ổn định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 1-15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc Covid-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6% tổng số ca mắc); trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8% tống số ca mắc).

Ngày 29/12, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn 11042/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1…

Phó Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học; có phương án xử lý khi có F0, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị… Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khỏe trẻ em mắc bệnh nền hoặc có vấn đề về sức khỏe; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1...

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, như một phần của chương trình cải cách giáo dục, thay vì chỉ triển khai trong thời gian dịch bệnh.

(tổng hợp)