Từ 16h ngày 19/12 đến 16h ngày 20/12, Việt Nam ghi nhận 14.977 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 14.966 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.127 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.000 ca trong cộng đồng).
Tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Nguồn: SK&ĐS) |
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.555.455 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.772 ca nhiễm).
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay): TP. Hồ Chí Minh (495.370), Bình Dương (289.330), Đồng Nai (95.212), Tây Ninh (64.961), Long An (39.709).
F0 điều trị tại nhà cần liên hệ y tế ngay khi gặp các dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp sau
Theo dữ liệu thống kê của Bộ Y tế cập nhật tới hết ngày 19/12, cả nước hiện có hơn 240.000 trường hợp F0 điều trị tại nhà. Riêng tại Hà Nội, gần 4.500 bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ đang cách ly điều trị tại nhà, trong tổng số hơn 13.600 ca đang điều trị, theo Sở Y tế.
BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đưa ra những lưu ý trong sử dụng thuốc hạ sốt và những dấu hiệu bị suy hô hấp cũng như cách dùng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm với F0 điều trị tại nhà.
Tại Hà Nội, F0 điều trị tại nhà (từ 18 tuổi trở lên) được phát miễn phí 3 gói thuốc, trong đó có gói B, gồm nhóm thuốc kháng viêm (như Dexamethasone hoặc Methylprednisolone) và chống đông (như Rivaronxaban, Apixaban, Dabigatran).
BS Hải Ninh lưu ý, không dùng thuốc khi chưa có biểu hiện suy hô hấp và đặc biệt là không phải chỉ cần dùng thuốc này là F0 sẽ yên tâm ở nhà, đây là loại thuốc dùng khi chờ liên hệ bác sĩ hỗ trợ.
Về một số biểu hiện cho thấy F0 bị suy hô hấp, BS Hải Ninh lưu ý: Bình thường, trạng thái nhịp thở là dưới 20 lần/phút ở người trưởng thành. Nếu đếm nhịp thở trên 25 lần/phút thì có nguy cơ khó thở, rõ ràng hơn nữa còn có cảm giác tức ngực, khó thở, không thể nói hết câu dài, trọn vẹn một câu, đó là triệu chứng gợi ý suy hô hấp.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, với F0 điều trị tại nhà, cần trang bị máy SpO2 cặp ở đầu ngón tay để đo cho chính xác nồng độ bão hòa oxy trong máu.
Bình thường SpO2 trên 96%, nếu chỉ hít thở khí thở. Nếu SpO2 dưới 96% là dấu hiệu suy hô hấp. BS Hải Ninh khuyên không nên sơn móng tay vì khi sơn, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa, nên có thể chỉ số này bị hạ dù thực tế ta không thiếu oxy.
Thuốc kháng đông, kháng viêm không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hay người mắc một số bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu...
Sốt là triệu chứng nhiều F0 điều trị tại nhà sẽ gặp phải. Loại thuốc hạ sốt mà các gia đình nên sử dụng là acetaminophen (thuốc paracetamol). Loại thuốc này có nhiều dạng: uống, đặt hậu môn, gói bột pha nước... Tùy thuộc vào lứa tuổi dành cho gia đình để chuẩn bị các chế phẩm phù hợp.
Với gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, chỉ cần sốt trên 38 độ C là có thể chủ động dùng.
"Chúng ta có thể tính theo công thức đơn giản về liều dùng cho cả người lớn và trẻ em, đó là 10-15mg cho một kilogram cân nặng, nhân với cân nặng của chúng ta. Ví dụ một người 50kg thì uống được 1 viên 500 mg, người 75kg có thể uống 2 viên 500mg", BS Ninh nói.
BS Hải Ninh lưu ý, thuốc hạ sốt uống cách nhau 4-6 tiếng, một ngày tối đa 5 lần bởi bên cạnh hiệu quả hạ sốt, giảm đau, thuốc có tác dụng phụ gây suy gan, ngộ độc gan nếu uống quá liều.
Nếu F0 không sốt thì không có chỉ định dùng paracetamol, vì thuốc chỉ có tác dụng làm hạ nhiệt, không có tác dụng dự phòng. F0 chỉ uống hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C.
Còn với một số phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có sốt cao, phải dùng thuốc hạ sốt thì cần lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé?
Theo BS Hải Ninh, phụ nữ mang thai nếu để thân nhiệt tăng cao có nguy cơ gây tăng nhịp tim của trẻ, đe dọa suy thai.
Việc sử dụng vẫn theo liều khuyến cáo. Trong trường hợp thai phụ vừa uống thuốc hạ sốt nhưng cách 2 tiếng bị sốt cao trở lại thì nên dùng một số phương pháp cơ học/vật lý giúp hạ sốt trước khi dùng liều thuốc tiếp theo.
Cụ thể: Mặc quần áo thoáng mát, tránh chùm chăn kín sẽ tăng thân nhiệt; lau người bằng khăn nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ (ví dụ sốt 38 độ C thì lau người tại các vùng cổ, nách, bẹn... trong 15 phút bằng nước ấm 36 độ C rồi lau khô lại người) sẽ giúp hạ sốt.
F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỷ lệ ghi trên bao bì.
Từ 22/12, người dân Bắc Ninh không ra ngoài từ 22h-4h
Thông báo từ ngành y tế Bắc Ninh, trong ngày 20/12, địa phương này ghi nhận 197 ca mắc mới, trong đó có nhiều ca cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra ngoài từ 22h-4h, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,… (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác). Thời gian thực hiện từ ngày 22/12/2021 đến hết ngày 3/1/2022.
UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine và các trường hợp chưa tiêm vaccine Covid-19… để quản lý, tiêm vaccine, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời theo phân tầng điều trị.
Chủ động mua sắm trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực đáp ứng việc thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; tổ chức điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới, hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Bám sát tình hình dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, khẩn trương chuẩn bị phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới.
Khánh Hòa ghi nhận thêm 820 ca mắc mới trong 24 giờ
Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Khánh Hòa thông tin, tính từ chiều tối 19/12 đến 17h ngày 20/12, toàn tỉnh ghi nhận 820 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, có 53 ca ghi nhận trong cộng đồng, 624 ca cách ly tại nhà, 77 ca ghi nhận trong khu cách ly y tế tại khu dân cư, 66 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung.
Trong số các ca mắc Covid-19 mới này, TP. Nha Trang 455 ca, thị xã Ninh Hòa 70 ca, huyện Vạn Ninh 20 ca, huyện Cam Lâm 17 ca, huyện Diên Khánh 93 ca, thành phố Cam Ranh 91 ca, huyện Khánh Vĩnh 39 ca và huyện Khánh Sơn 35 ca.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến hết ngày 20/12), số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 25.524 ca, trong đó có 14.417 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Chỉ có 1/9 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh này đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới là Trường Sa.
Đến nay, có 140 trường hợp tử vong (chiếm tỷ lệ 0,7% số bệnh nhân mắc Covid-19). Số bệnh nhân đang điều trị là 10.897. Số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng là 10.708 ca (tỷ lệ 98%).
Hà Nội phát hiện hơn 1.600 ca Covid-19 chỉ trong 24 giờ
Tối 20/12, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 1.641 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 406 ca cộng đồng.
Phân bố 1.641 bệnh nhân tại 197 xã, phường, thị trấn thuộc 26/30 quận, huyện: Ba Đình (353); Long Biên (302); Hoàng Mai (235); Hai Bà Trưng (149); Đống Đa (133); Hà Đông (109); Cầu Giấy (79); Nam Từ Liêm (71); Bắc Từ Liêm (65); Ba Vì (23); Tây Hồ (16); Thanh Trì (16); Gia Lâm (15); Thanh Xuân (12); Mỹ Đức (11); Đan Phượng (9); Hoài Đức (9); Ứng Hòa (6); Sơn Tây (6); Chương Mỹ (6); Hoàn Kiếm (6); Thanh Oai (5); Phúc Thọ (2); Thường Tín (1); Mê Linh (1); Đông Anh (1).
Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế thông tin việc mua kit xét nghiệm của Việt Á
Chiều 20/12, Sở Y tế Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế thông tin về việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 liên quan đến Công ty Việt Á.
Theo Sở Y tế TP. Đà Nẵng, tại thời điểm tháng 5, trước yêu cầu cấp bách về xét nghiệm và để đảm bảo kịp thời cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng có đề xuất mua 70.000 test sinh phẩm xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, hãng sản xuất Việt Á Việt Nam với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test.
Cơ sở xây dựng giá dự toán của mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT- PCR Kit gồm 3 báo giá thị trường, các quyết định trúng thầu trước đó được công khai tại cổng thông tin của Bộ Y tế theo quy định.
Từ ngày 2/7, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này tại Công văn số 5288/BYT-TB-CT ngày là 470.000 đồng/test cho đơn hàng dưới 500.000 test, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng.
Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức cho biết, cơ quan có mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á vào đầu năm 2021.
Toàn bộ việc mua bán được diễn ra đúng theo Luật Đấu thầu, và được cơ quan thẩm định giá nhà nước thẩm định theo đúng quy định.