Vaccine Abdala đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/9. (Nguồn:CIGB) |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.951 ca nhiễm).
TP. Hồ Chí Minh chính thức ban hành kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em
Ngày 22/10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành khẩn Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn thành phố.
Vaccine được dùng tiêm cho trẻ là loại vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi.
Cụ thể, đối với trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp, bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Đối với trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện lựa chọn.
Có nên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ không? Mặc dù khi nhiễm Covid-19, các triệu chứng ở trẻ đa phần là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện kéo dài, để lại di chứng lâu. Hơn nữa, nếu trẻ không may nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây lan trong môi trường lớp học. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả trẻ từ 12 tuổi trở lên và thanh thiếu niên nếu không có chống chỉ định. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. CDC cũng khuyến cáo trẻ từ 12 tuổi trở lên nên được tiêm phòng vaccine Covid-19. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã có lộ trình triển khai việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Chỉ riêng đối với những trẻ được biết có tiền sử phản ứng nặng với bất cứ thành phần nào trong lọ vaccine thì không nên tiêm chủng. |
Đối với trẻ có bệnh nền sẽ tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi. Đối với các trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi sẽ lập danh sách trẻ từ 12-17 tuổi tuổi tại thời điểm tiêm chủng (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) để tiêm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ sẽ thực hiện theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và theo tiến độ cung ứng vắc-xin, tình hình dịch tại địa phương.
Sau 13 ngày, Hà Nội lại phát hiện ca Covid-19 cộng đồng
Chấm dứt chuỗi 13 ngày không ca Covid-19 tại cộng đồng ở Thủ đô, ngày 22/10, Hà Nội bất ngờ phát hiện 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là Nam nhân viên 46 tuổi làm việc tại Bệnh viện 108 và vợ là dược sĩ. Cả hai người đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, anh P.Đ.T, ở địa chỉ số 2/67 Giáp Bát. Anh T là hành chính trưởng của khoa Khám bệnh Đa khoa tại Bệnh viện 108. Hàng ngày, anh đi làm tại bệnh viện. Ngày 20/10, anh xuất hiện triệu chứng ngứa mũi, được Bệnh viện 108 lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Chị N.T.T.V, 42 tuổi, là vợ của anh T, là dược sỹ bán thuốc tại hiệu thuốc Anh Thư số 9 đường Thông Phong, Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.
Ngày 21/10, sau khi anh T dương tính, chị V cùng 2 con được Bệnh viện 108 đưa vào bệnh viện cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả chị V dương tính, 2 con âm tính.
CDC Hà Nội tối 22/10 cho hay, theo kết quả điều tra, xử lý, nhà chức trách xác định có 6 trường hợp F1 gồm 3 người nhà, 2 nhân viên nhà thuốc Anh Thư và 1 người ở cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra xác định thêm 4 người liên quan. Cơ quan chức năng đã phong tỏa tạm thời và lấy mẫu xét nghiệm các hộ dân ở ngõ 67 Giáp Bát (khoảng 150 người) và hiệu thuốc Anh Thư.
Tại Bệnh viện 108, theo báo cáo của bệnh viện, đơn vị này đã xét nghiệm 320 trường hợp F1, liên quan đến anh T, kết quả đều âm tính lần 1.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.147 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.608 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.539 ca.
Chỉ định tiêm vaccine Abdala cho người từ 19- 65 tuổi
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 22/10 vaccine phòng Covid-19 Abdala có thành phần hoạt chất protein tái tổ hợp vùng liên kết thụ thể virus tương tác với thụ thể ACE2 của người.
Vaccine Abdala đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/9. Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Vaccine Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine này chỉ định tiêm phòng cho người từ 19- 65 tuổi, Lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Mỗi liều 0,5ml, tiêm bắp.
Vaccine chống chỉ định cho người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vaccine (bao gồm cả thiomersal).
Bộ Y tế công bố cấp độ dịch bệnh Covid-19 của 63 tỉnh, thành
Theo tổng hợp của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch bệnh Covid-19. Kết quả có 26 địa phương ở vùng xanh, trong đó có TP. Hà Nội. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ở vùng vàng- cấp 2.
63 tỉnh, thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã.
Theo tổng hợp của Bộ Y tế cập nhật đến 17h ngày 21/10, cả nước có 26 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới) gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
Bộ Y tế nhận định, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn".
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 1/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.
+ Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (423.406), Bình Dương (227.799), Đồng Nai (60.498), Long An (34.071), Tiền Giang (15.392).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.202
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 803.326
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.073 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.131
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 430
- Thở máy không xâm lấn: 113
- Thở máy xâm lấn: 383
- ECMO: 16
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 56 ca tử vong tại TP. HCM (33), Bình Dương (7), An Giang (7), Long An (3), Kiên Giang (2), Đồng Nai (1), Bình Thuận (1), Bình Phước (1), Sóc Trăng (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 71 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.543 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 109.941 xét nghiệm cho 232.134 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.459.257 mẫu cho 58.792.283 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
Trong ngày 21/10 có 1.440.566 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 70.488.694 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 50.334.724 liều, tiêm mũi 2 là 20.153.970 liều.